Trường Lâm - quê hương của điệu múa Lột rắn
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 12:23, 01/08/2019
Đặc sắc nghi lễ múa Lột rắn
Có lẽ hiếm nơi nào hội tụ tinh hoa của nghệ thuật múa rắn như phường Việt Hưng. Trên cùng địa bàn phường có tới hai Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được công nhận là Lễ hội làng Lệ Mật với màn múa Giảo long và Lễ hội làng Trường Lâm với nghi lễ múa Lột rắn đặc trưng. Nếu như múa Giảo long của làng Lệ Mật tái hiện cảnh giao chiến với thủy quái để cứu công chúa, thì múa Lột rắn ở làng Trường Lâm tái hiện cảnh Bạch xà - hiện thân của Linh Lang Đại vương ba lần lột xác để hóa Thánh. Đây là nghi lễ đặc sắc nhất của Lễ hội làng Trường Lâm (diễn ra từ mồng 9 đến 11 tháng Hai âm lịch hằng năm).
Ngày nay, các cụ cao niên trong làng vẫn kể cho con cháu nghe truyền thuyết về Linh Lang Đại vương gắn với di tích đình Trường Lâm như sau: Vua Lý Thánh Tông và cung phi thứ 9 Hạo Nương có một người con trai tên là Hoàng Lang. Từ nhỏ, hoàng tử đã là cậu bé khôi ngô tuấn tú, thông minh khác người. Lớn lên, khi giặc Tống kéo quân sang xâm lược đất nước, chàng đã giúp vua đánh tan quân giặc. Nhà vua có ý nhường ngôi nhưng Hoàng Lang không nhận. Chàng tâu với vua rằng, mình vốn là con của Long Vương, vâng mệnh trời xuống giúp dân giúp nước, nay xong việc xin trở về Thủy quốc. Chàng chỉ xin vua được cho thờ ở nơi sinh và lấy lá cờ lệnh tung lên trời, cờ bay đến đâu xin được thờ ở đó. Nhà vua liền ưng thuận. Hoàng Lang bước lên phiến đá và hóa thành Bạch xà dài trăm trượng bò xuống hồ Tây, biến mất vào ngày 10 tháng Hai năm Đinh Tỵ (1077). Nhân dân trong vùng cho rằng Hoàng Lang không chết mà đã hóa Thánh. Vì thế, khắp nơi lập đình, miếu thờ Ngài. Điệu múa Lột rắn được người dân Trường Lâm sáng tạo nhằm mô tả quá trình Ngài thoát xác hóa Thánh. Hằng năm, trong khuôn khổ lễ hội truyền thống của làng có rất nhiều nghi lễ, nhưng đáng chú ý hơn cả là nghi lễ múa Lột rắn nhằm biểu thị tấm lòng thành kính, ghi nhớ công lao của người dân đối với các vị thánh thần và tổ tiên của làng.
Cụ Âu Xuân Kiên, Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích Trường Lâm cho biết, nghi thức múa Lột rắn và Lễ hội làng Trường Lâm có từ khoảng thế kỷ XV, cùng với sự hình thành của đình làng. Sau các nghi thức rước nước, tế nam quan là nghi thức múa Lột rắn. Khoảng 7 - 9 thanh niên chưa vợ được chọn lựa kỹ với nhiều tiêu chí, mỗi người sẽ đảm nhận một khúc của con rắn. Đầu và đuôi rắn có dạng hình “lốt” được làm bằng mã. Đầu rắn do người đứng khúc đầu đội, đuôi rắn do một người khác đeo ở lưng. Phần thân do những người còn lại mặc trang phục màu trắng, đeo thắt lưng vàng bám vào nhau, di chuyển theo dáng khom người để tạo thành hình con rắn hoàn chỉnh. Màn múa không thể thiếu người cầm trống khẩu vừa đánh vừa hát đồng dao, chỉ huy rắn trườn, bò, lộn, thể hiện quá trình lột xác. Sau 3 lần lột xác tương đương với khoảng thời gian 1 tuần hương, 3 tuần rượu, rắn trườn vào trong hậu cung của đình và biến mất. Kết thúc màn trình diễn, phần đầu và đuôi rắn được làm lễ “phần hoàng” (tức hóa vàng).
Theo Tiến sĩ Khảo cổ học Bùi Thế Quân, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên, hình tượng Bạch xà mình dài muôn trượng trườn bò mang tính biểu trưng và mong ước của người dân trong việc tiêu thoát lũ, trị thủy để có mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, sung túc. Múa Lột rắn ở đình Trường Lâm là đỉnh cao của sự kết hợp giữa huyền tích và nghi thức cộng đồng, đề cao yếu tố tâm linh và tinh thần chống lại thiên tai, địch họa cũng như thái độ ứng xử với thiên nhiên trong việc trị thủy để mở mang sản xuất của cư dân nông nghiệp bên dòng sông Thiên Đức xưa kia.
Bảo tồn di sản văn hóa làng
Không chỉ bảo tồn nguyên vẹn những nghi thức trong lễ hội cùng nghi lễ múa Lột rắn trong suốt nhiều thế kỷ qua, nhân dân Trường Lâm còn thể hiện sự đồng tâm, nhất trí cao trong việc bảo vệ, phát huy giá trị cụm di tích đình - chùa Trường Lâm. Theo cụ Âu Xuân Kiên, Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích, đình Trường Lâm được di chuyển nhiều lần theo địa điểm cư trú của làng, đồng thời được tu bổ, tôn tạo từ suốt những năm cuối thế kỷ XIX. Đến năm 1979 - 1980, nhân dân đã khôi phục lại hệ thống đồ thờ tự bị xuống cấp do chiến tranh. Từ năm 1982 - 1987, đình được đảo ngói, chống ẩm và chỉnh trang diện mạo như ngày nay... Hiện nay, công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn di tích vẫn luôn được người dân quan tâm, chung tay góp sức nhằm bảo vệ di tích một cách tốt nhất.
Nằm trong khuôn viên cụm di tích còn có chùa Trường Lâm được xây dựng từ thời Lý. Trong chùa hiện bảo lưu nhiều di vật quý như 19 pho tượng tròn, trong đó có pho tượng Thích Ca sơ sinh - di vật có niên đại sớm nhất được tạo tác vào khoảng thế kỷ XVII. Ngoài ra, còn có 2 pho Trừng ác và Khuyến thiện mang phong cách nghệ thuật tiêu biểu của thế kỷ XX; các pho tượng A Di Đà, Đức ông, Thánh Tăng; quả chuông đồng đúc năm 1879; bia đá tạo tác năm 1930; hoành phi; bát hương... Đây là những tư liệu quý góp phần làm tăng giá trị của di tích và làm giàu cho kho di sản văn hóa của làng Trường Lâm.
Không chỉ mang những giá trị văn hóa truyền thống, cụm di tích đình - chùa Trường Lâm còn là di tích cách mạng kháng chiến, là niềm tự hào của người dân địa phương khi được đón Bác Hồ về thăm vào ngày 18-2-1958. Tại đây, Bác đã chúc Tết và căn dặn người dân Trường Lâm phải đoàn kết, chăm lo sản xuất, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Với những giá trị ấy, cụm di tích đình - chùa Trường Lâm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1992.