Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Hà Nội 360 - Ngày đăng : 07:35, 18/11/2018

(HNM) - Có nhiều nguyên nhân khiến việc triển khai dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Khu di tích Hoàng thành Thăng Long gặp khó khăn.

(HNM) - Có nhiều nguyên nhân khiến việc triển khai dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Khu di tích Hoàng thành Thăng Long gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi các đơn vị liên quan tích cực đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phần việc liên quan, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản theo đúng cam kết với Ủy ban Di sản thế giới.

Vướng ở nhiều khâu

Thống nhất quản lý Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là một trong những nội dung mà Chính phủ đã cam kết với Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO). Tuy nhiên, theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, công tác này hiện được triển khai khá chậm chạp do vướng mắc ở nhiều khâu, trong đó có nguyên nhân quan trọng là phần diện tích thu hồi về cho di sản chưa đủ với những gì đã đưa vào hồ sơ để UNESCO xem xét.

Du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hữu Tiệp


Cụ thể, tổng diện tích mà Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội chưa được bàn giao lên tới hơn 4ha trong tổng số hơn 18ha diện tích di sản. Phần diện tích này hiện vẫn thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng (khu Nhà khách - Trạm 66, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) và hộ gia đình (biệt thự 28D Điện Biên Phủ), do những vướng mắc về giải phóng mặt bằng cũng như thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa được giải quyết.

Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, hiện nay, Nhà khách - Trạm 66 tại 51B Phan Đình Phùng đã di chuyển các phòng, ban, đơn vị, chuẩn bị việc giao trong thời gian tới. Khu đất thuộc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam hiện vẫn chưa thể bàn giao cho Khu di tích Hoàng thành Thăng Long do phần diện tích dự định phục vụ cho việc xây mới bảo tàng này (tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Phần diện tích thuộc biệt thự 28D Điện Biên Phủ cũng mới hoàn thành việc xác định vị trí căn hộ tái định cư, phương án hỗ trợ, bồi thường chưa được cơ quan có thẩm quyền thông qua.

Mặt khác, sau hơn 10 năm tổ chức khai quật khảo cổ, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội vẫn chưa được tiếp nhận, bàn giao số lượng di vật và hồ sơ khoa học từ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Điều đó khiến công tác nghiên cứu, quản lý và bảo tồn, phát huy giá trị di sản gặp nhiều khó khăn.

Theo GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, việc một phần diện tích di sản, di vật và hồ sơ khảo cổ vẫn thuộc quyền quản lý của tổ chức, đơn vị khác, chưa thống nhất được thời gian, cách thức bàn giao khiến chủ trương nhất thể hóa công tác quản lý khu di tích gặp nhiều khó khăn.

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích mà còn không đúng với quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới đã được thông qua tại kỳ họp thứ 17 của Đại hội đồng UNESCO tại Paris (Pháp) ngày 16-11-1972.

Những tồn tại này cần sớm được khắc phục, không thể để kéo dài thêm tình trạng thiếu thống nhất trong cách thức quản lý di sản như hiện nay.

Tăng cường giải pháp, đẩy nhanh tiến độ

Trước những vướng mắc nêu trên, thời gian qua, Hội đồng Tư vấn khoa học, nghiên cứu bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội và các ban, ngành liên quan đã tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề hoặc mở rộng để tìm giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Những phần việc quan trọng trong khuôn khổ dự án là mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học; đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận hiện vật; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, trưng bày, triển lãm nhằm phát huy giá trị di sản…

Theo GS.TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn khoa học, nghiên cứu bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, điều kiện bảo quản hiện nay chưa bảo đảm, ảnh hưởng nhiều tới tuổi thọ của hiện vật.

Bởi vậy, cần thực hiện ngay những cuộc khảo sát, nghiên cứu có sự phối hợp của nhiều ngành, đặt các thiết bị quan trắc hiện đại để theo dõi tác động của ánh sáng, nhiệt độ đối với di tích nói chung và hiện vật nói riêng, từ đó đưa ra phương pháp bảo vệ hiệu quả hơn.

Trong trường hợp cần thiết, cần mời thêm các chuyên gia tư vấn nước ngoài để đưa ra các giải pháp bảo quản và lưu trữ tài liệu, tiến tới số hóa. Với khu khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu, quyết định bảo tồn tại chỗ các hố khai quật để phục vụ công tác tham quan mới là giải pháp tình thế, chưa mang tính bền vững. Cần có những tính toán phù hợp để ngăn chặn tác động có hại đối với khu khảo cổ này, loại bỏ nguy cơ sa mạc hóa, muối hóa...

Trước những tồn tại, khó khăn về công tác bàn giao mặt bằng di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND quận Nam Từ Liêm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng khu đất 20ha tại phường Mễ Trì để sớm bàn giao cho Bộ Quốc phòng triển khai dự án xây dựng mới Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, tạo cơ sở để đơn vị này trả lại phần diện tích hiện tại cho di sản.

Nguyễn Thanh