Chuyện chiếc nỏ thần và Thành hoàng Cao Lỗ
Xưa và nay - Ngày đăng : 15:25, 26/01/2023
Thần tích danh nhân
Cứ ngày 6 tháng Giêng hằng năm, dân làng Trần Đăng (xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa) lại mở hội để tưởng nhớ đến công đức của vị Thành hoàng Cao Lỗ. Vào những năm chẵn, hội làng được tổ chức linh đình; ngoài phần lễ với những nghi thức trang trọng, người đi hội còn được xem trò diễn người đội lốt hổ đuổi bắt giặc, rất độc đáo và hấp dẫn.
Thần phả đình làng Trần Đăng ghi, đình được xây dựng từ thời nhà Trần, trên một khu đất hình con rùa, hai bên là ao nước. Từ sân đình vào bờ có một cây cầu ngắn tượng trưng cho cổ và đầu rùa trong truyền thuyết thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Nhìn ngôi đình tọa lạc giữa hồ nước lung linh và cách tiền nhân xây dựng đình làng khiến người ta liên tưởng đến chiếc nỏ thần của An Dương Vương và bi tình Mỵ Châu - Trọng Thủy. Điều này liên quan đến Thành hoàng làng Cao Lỗ. Vậy Cao Lỗ là ai? Ông là người đã có công giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa và chế tạo nỏ liên châu (nỏ thần bắn một phát nhiều mũi tên). Nỏ thần là vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc khi đó, từng giúp An Dương Vương nhiều lần thắng quân xâm lược phương Bắc.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Thục Phán sau khi thống nhất được nước Văn Lang đã lấy hiệu là An Dương Vương, đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc - nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam và trị vì từ năm 257-208 trước Công nguyên (đóng đô ở Cổ Loa - nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Cao Lỗ - còn gọi là Cao Thông, Đô Lỗ (quê xã Cao Đức, huyện Gia Bình, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Khi An Dương Vương dựng nước Âu Lạc gặp nhiều khó khăn đã ra chiếu cầu hiền tài.
Cao Lỗ sau khi được chiêu mộ đã cùng An Dương Vương ra sức xây dựng kinh thành Cổ Loa. Thành xây xong, ông lại được giao chế nỏ thần và trấn giữ cửa Bắc - cửa xung yếu nhất của kinh thành Cổ Loa. Đội quân thiện chiến của Cao Lỗ nhiều phen làm quân Triệu Đà khiếp đảm (Triệu Đà nguyên là một võ tướng của vua Tần Thủy Hoàng; khi nhà Tần sụp đổ đã tách ra cát cứ, xưng Đế - Triệu Vũ Đế và lập nên nước Nam Việt, trị vì suốt giai đoạn 207-137 trước Công nguyên).
Sau nhiều lần bị thất bại bởi An Dương Vương của nước Âu Lạc, Triệu Đà đã dùng kế nội gián bằng cuộc kết hôn giữa con trai mình là Trọng Thủy với con gái của vua An Dương Vương là Mỵ Châu. Thông qua con trai, Triệu Đà nắm được bí mật quân sự của nước Âu Lạc, lợi dụng cơ hội đánh cắp nỏ thần rồi bất ngờ tấn công, đánh chiếm Âu Lạc, buộc An Dương Vương tự tử. Trước đó, nhìn rõ quỷ kế mưu của Triệu Đà, nhiều tướng lĩnh, trong đó có Cao Lỗ đã can An Dương Vương. Nhưng nhà vua không nghe, thậm chí còn đối xử bạc bẽo với Cao Lỗ. Trước khi rời bỏ triều đình, Cao Lỗ đã nhắc: “Giữ được nỏ thần thì giữ được nước, mất nỏ thần là mất nước”. Đến khi nghe tin Triệu Đà tấn công, Cao Lỗ quay lại kinh thành để bảo vệ vua và ông đã hy sinh trên mảnh đất Cổ Loa…
Câu chuyện Mỵ Châu cho Trọng Thủy xem trộm nỏ thần để xảy ra bi kịch nước mất, nhà tan và bài học về sự cảnh giác từng được nhắc nhớ: “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/ Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...” (Tố Hữu).
Sau khi anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Triệu Đà, Cao Lỗ được dân làng nhiều nơi thương tiếc lập đền thờ cúng và tôn làm Thành hoàng làng. Các triều đại Việt Nam nối tiếp về sau cũng tôn vinh ông như một Anh hùng dân tộc. Để ghi nhớ công lao của ông với đất nước, nhà Trần đã sắc phong cho ông là “Quả nghị Cương chính Uy huệ Chính thần Đại vương”. Trong hậu cung của đình làng Trần Đăng cũng còn lưu giữ long ngai, bài vị của Thành hoàng Cao Lỗ và 19 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến trước đây tôn vinh công trạng của ông.
Từ huyền thoại bước ra...…
Sử sách ghi chép nhiều về thành Cổ Loa và sức mạnh của nỏ thần, nhưng chuyện Cao Lỗ chế tạo nỏ thần liên châu chủ yếu được lưu truyền trong dân gian với nhiều tình tiết nhuốm màu huyền thoại.
Nỏ liên châu (mỗi phát bắn được nhiều mũi tên, gây sát thương lớn) là loại binh khí có thực, có thể phục dựng được. Đó là kết luận của nhiều nhà khảo cổ học sau khi phát hiện chiếc lẫy nỏ ở một số di chỉ như làng Vạc (tỉnh Nghệ An), Cổ Loa (huyện Đông Anh) và hàng vạn mũi tên đồng được khai quật ở Cổ Loa (từ năm 1959, tại di chỉ khảo cổ học cầu Vực (phía Nam thành Cổ Loa), niên đại cách ngày nay khoảng 2.500-2.000 năm. Minh chứng nữa là, Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày hai chiếc lẫy nỏ và nhiều mũi tên đồng được phát hiện ở Cổ Loa đạt đến trình độ cao về sáng chế kỹ thuật, nghệ thuật quân sự của cư dân Văn Lang - Âu Lạc buổi đầu dựng nước.
Mới đây, Bảo tàng Lịch sử quân sự và Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á cùng với các nghệ nhân ở Hòa Bình đã thực hiện đề tài khoa học về nghiên cứu, phục dựng bước đầu chiếc nỏ kiểu Cao Lỗ sáng chế, góp phần giải mã kỹ thuật chế tạo nỏ liên châu thời An Dương Vương. Điều đó chứng tỏ huyền thoại về nỏ thần do Cao Lỗ chế tạo là có cơ sở thực tiễn đáng tin cậy: Nỏ “liên châu” - loại binh khí mỗi phát bắn nhiều mũi tên, gây sát thương lớn, là có thực và có thể phục dựng được.
Có thể nói đây là một kỳ tích của thời hiện tại, không chỉ làm sống lại quá khứ hào hùng của tiền nhân, mà còn thể hiện khát vọng sáng tạo, giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu nước, sự tự tôn dân tộc. Qua đó càng khẳng định những giá trị trường tồn mà danh tướng Cao Lỗ đã cống hiến trong sự nghiệp giữ nước thời huyền sử.
Ôn cố tri tân
Để tưởng nhớ Cao Lỗ, dân làng lập đền thờ và hằng năm tổ chức lễ hội. Nhiều nơi còn có cách giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu nước, sự tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ một cách sáng tạo, hấp dẫn và hiệu quả.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa, cách đây hai năm đã tổ chức cuộc thi trong khối các trường tiểu học, chủ đề tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa thông qua hình thức video clip. Cuộc thi đã thu hút hàng nghìn thầy và trò của hơn 60 trường tiểu học trên địa bàn tham gia một cách hào hứng. Video clip của thầy trò Trường Tiểu học Hoa Sơn giới thiệu lịch sử đình chùa làng Trần Đăng, trong đó đề cập đến danh tướng - Thành hoàng làng Cao Lỗ và chuyện chiếc nỏ thần của An Dương Vương đã được trao giải Nhì.
Để thực hiện được bài thi của mình, các em đã dành những buổi ngoại khóa để gặp gỡ, tìm hiểu, đọc sử làng, quay hình ảnh sống động về di tích, về làng quê, mái trường thân yêu của mình. Đây là một hình thức tiếp cận lịch sử, dạy lịch sử rất ý nghĩa, hiệu quả, giúp thế hệ trẻ thêm tự hào, biết ơn các bậc tiên tổ đã có công dựng làng, giữ nước từ buổi hồng hoang cho đến thời đại Hồ Chí Minh lịch sử, từ đó phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Cách ôn cố tri tân như vậy, nên chăng cần nhân rộng trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay.