Chùa Chân Tiên
Xưa và nay - Ngày đăng : 05:42, 28/02/2021
Chùa Chân Tiên được xây dựng năm 1056, đời vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072). Ban đầu, chùa nằm giữa hai thôn Tiên Thị và Chân Cầm (thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên; nay là khu vực Nhà thờ Lớn và phố Chân Cầm), có tên là Sùng Khánh Báo Thiên tự. Năm 1057, nhà vua cho xây trước chùa tháp Báo Thiên - một trong “An Nam tứ đại khí”. Cuối thời Trần, chùa được di chuyển về thôn Phụng Khánh (tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương, nay là khu vực phố Thợ Nhuộm - Lý Thường Kiệt) và lấy tên là Chân Tiên tự - ghép từ tên hai thôn, nơi chùa được xây dựng đầu tiên.
Năm 1888, thực dân Pháp dời chùa đi nơi khác để xây Nhà tù Hỏa Lò và Tòa án (nay là Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội). Chùa Chân Tiên lại chuyển về làng Thể Giao (nay là phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng).
Dù trải qua nhiều lần di dời, xây dựng, chùa Chân Tiên vẫn giữ được nét cổ kính. Từ tam quan đi thẳng vào là tiền đường, bên trái là nhà thờ Tổ, bên phải là nơi để kinh Phật, phía sau là nhà thờ Mẫu. Ngày nay, người ta vẫn thấy được vẻ đẹp của lối kiến trúc cổ ở tam quan chùa, với gác chuông nằm gần mái. Các bộ vì đỡ, cửa võng được chạm nổi hình lá ba chẽ với phong cách khỏe khoắn, vững chãi. Những bức cốn được chạm trổ hình rồng phượng, hoa lá... Ngoài hiên là hệ thống cột đá khắc những câu đối ca ngợi đức Phật.
Trong chùa hiện còn lưu giữ hệ thống hiện vật có giá trị như: 5 bức cửa võng, 2 hương án gỗ, 6 y môn, 2 chuông đồng, 12 bia đá dựng từ năm Thành Thái 10 (1898); bia Phụ Khánh Chân Tiên dựng năm Thành Thái 13 (1901)... Ngoài ra, chùa còn có 40 pho tượng tròn được tạo tác từ cuối thời Lê đến đầu thế kỷ XX và bộ ván in gồm 237 bản khắc kinh Phật, đặc biệt là bức tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được làm bằng gỗ vô cùng tinh xảo, và một quả chuông đồng đúc vào thời Mạc.
Với những giá trị văn hóa - lịch sử độc đáo, chùa Chân Tiên đã được xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia năm 1990.