''Biến'' rơm rạ thành phân hữu cơ
Lối sống - Ngày đăng : 06:59, 18/09/2020
Với mong muốn tạo một không gian xanh - sạch - đẹp cho mỗi làng quê, hướng tới mục tiêu sản xuất sạch, góp phần hình thành một nền nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường, từ tháng 6-2020, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn đã triển khai mô hình “biến” rơm rạ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Một mô hình, nhiều mục tiêu
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Kim Tuyến cho biết, sau một thời gian ấp ủ ý tưởng và tìm hiểu, tháng 6-2020, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã mời các chuyên gia sinh học nông nghiệp về tận nơi hướng dẫn các hội viên xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch thành phân hữu cơ, bón cho cây trồng. Việc triển khai mô hình này nhằm thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các hội viên, người dân trên địa bàn về tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường sống, giao thông, sức khỏe con người.
Cùng với việc tích cực tuyên truyền đến các hội viên làm nông nghiệp, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn đã triển khai làm điểm tại hai xã Hồng Kỳ và Đông Xuân. Đến nay đã nghiệm thu mô hình với kết quả tích cực.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đông Xuân Nguyễn Thị Lâm, trước đây, nông dân địa phương cũng lấy rơm rạ ủ thành phân hữu cơ, nhưng do làm theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả không cao. Sau khi được các chuyên gia hướng dẫn, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm rạ đã được các hội viên phụ nữ tự thực hiện, thời gian ủ ngắn (45 ngày), từ khoảng 5 tạ rơm rạ cộng với phân gia súc, gia cầm... có thể làm thành 1 tấn phân hữu cơ, tiết kiệm được 400.000-500.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Xoa ở thôn Yêm (xã Đông Xuân) chia sẻ: “Từ số rơm rạ sau thu hoạch của gần 1 mẫu ruộng cùng với phân gia súc, gia cầm của gia đình, đến nay tôi đã làm ra 3 tấn phân hữu cơ để bón cho lúa, hoa màu. Hiện nay, gia đình tôi cơ bản không sử dụng phân hóa học, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo đảm sức khỏe. Hơn nữa, loại phân hữu cơ làm từ rơm rạ còn có thể kháng trừ một số bệnh ở cây trồng...”.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học (Hà Nội) Nguyễn Văn Tuấn cho biết, sau khi được tập huấn, hướng dẫn cách xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ, thay vì đốt bỏ rơm rạ như trước, hội viên, phụ nữ ở các xã đã biết "biến" rơm thành phân hữu cơ, vừa tiết kiệm được nguồn nguyên liệu lớn tạo thành phân bón giàu dinh dưỡng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa bảo vệ môi trường.
Cần có chính sách hỗ trợ
Mặc dù mới triển khai, nhưng mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ đã và đang mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Là một trong những đơn vị hưởng ứng thực hiện mô hình, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bắc Sơn Đỗ Thị Hiệp cho biết, sau khi được các chuyên gia hướng dẫn xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ, các hội viên của 5/8 chi hội phụ nữ đã làm được 30 tấn phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hội đang tiếp tục nhân rộng mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ tới tất cả các chi hội phụ nữ trên địa bàn, tạo nguồn phân bón phục vụ cho sản xuất vụ thu đông 2020.
Đánh giá hiệu quả thực tế của mô hình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bắc Sơn Nguyễn Thị Xuân cho biết, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã gần 800ha (gồm lúa, hoa màu), việc triển khai thực hiện mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giảm hẳn tình trạng đốt rơm rạ trên các cánh đồng.
“Để mô hình này được triển khai trên diện rộng; đồng thời khuyến khích nông dân sử dụng rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp, các ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ về kỹ thuật cũng như các chế phẩm sinh học cho người dân trong quá trình thực hiện”, bà Nguyễn Thị Xuân kiến nghị.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, trước đây, tình trạng đốt rơm rạ ở Sóc Sơn diễn ra rất phổ biến, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây mất an toàn giao thông. Việc Hội Liên hiệp phụ nữ huyện triển khai mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và từng bước thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp của người nông dân.
Có thể nói, mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn không chỉ giúp môi trường nơi đây được cải thiện mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm chi phí mua phân bón hóa học của bà con nông dân. Với "hiệu quả kép" mà mô hình này đã chứng minh khi triển khai thí điểm, việc triển khai nhân rộng đến tất cả 23 xã còn lại trên địa bàn huyện trong tháng 9 này là cần thiết, góp phần xây dựng Sóc Sơn nói riêng, Thủ đô nói chung ngày càng văn minh.