Chùa Châu Long
Đi đâu - Xem gì - Ngày đăng : 07:20, 12/02/2023
Theo sách “Tây Hồ chí”, chùa Châu Long là nơi công chúa Khiết Cô - con gái vua Trần Nhân Tông xuất gia và tu tập. Sau này, vua muốn công chúa về cung để gả chồng nhưng nàng không chịu và trốn đến châu An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh) để tiếp tục tu. Khi công chúa mất, các môn đồ đã xây tháp mộ và dựng tượng thờ ở Phúc Lâm tự. Các vương triều sau đó sắc phong nàng là Linh Thông Công chúa. Đến thế kỷ XX, sau nhiều biến thiên lịch sử, vườn chùa - nơi dựng ngôi tháp đã trở thành chợ Châu Long; pho tượng Linh Thông Công chúa cũng không còn.
Chùa Châu Long được kết cấu theo kiểu hình chữ Đinh, phía trước là tiền đường gồm ba gian hai dĩ, sau là hậu cung. Ngoài các kiến trúc chính thờ Phật, chùa còn có điện thờ Mẫu, nhà Tổ, nhà bếp, nhà tăng... Cổng chùa hướng ra hồ Trúc Bạch. Khoảng sân nhỏ trước chùa khá hẹp. Hai bên sân chùa có cửa ngách, che bằng hai tầng mái kiểu giả lợp ngói ống. Tên và câu đối chữ Hán ở cổng, cửa đều được đắp nổi. Trên các trụ biểu và các mảng gỗ là những tác phẩm điêu khắc và thư pháp tinh xảo. Hai bên chính điện có Hộ pháp canh lối vào thiêu hương và hậu cung.
Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa vẫn giữ được nét cổ kính và lưu giữ nhiều hiện vật, đồ trang trí có giá trị nghệ thuật cao như 8 bộ cửa võng, hoành phi, câu đối và hương án được thếp vàng, chạm thủng các hình tứ linh, chim muông, hoa lá; 23 pho tượng, 1 chuông đồng. Cùng với đó là tấm bia Châu Long tự bi ký được khắc vào đời Thành Thái, năm Tân Sửu (1901) có ghi: “Long Châu sơn cổ danh thắng dã, sơn thượng hữu tự, nhân danh yên cựu vô bi ký, bất tri sáng tự hà đại” ("Núi Châu Long xưa là một danh thắng, trên núi có ngôi chùa, nhân đó chùa mang tên Châu Long").
Ngoài các hiện vật trên, chùa Châu Long hiện còn lưu giữ một số pho tượng đồng hiếm có, tiêu biểu là pho tượng Văn Thù cưỡi sư tử xanh và tượng Phổ Hiền cưỡi voi trắng được đúc theo hình tượng khác biệt và được đánh giá là những pho tượng kim loại đẹp hiếm thấy trong nghệ thuật đúc tượng cổ Việt Nam thế kỷ XIX. Bên cạnh đó, chùa còn có pho tượng Thế Tôn được làm bằng cốt phủ đất nện cao hơn 3m và tượng Di Lặc bằng đồng được tạo tác tinh xảo.
Năm 1994, chùa Châu Long được xếp hạng Di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia.