Mang hơi ấm đến những người lang thang, cơ nhỡ
Sống đẹp - Ngày đăng : 05:52, 01/11/2020
Luôn luôn thấu hiểu
Tối thứ bảy tiết trời se lạnh, đi cùng những bạn trẻ trong nhóm thiện nguyện ấm đến những nơi có đông người lang thang, cơ nhỡ trú ngụ như khu vực gầm cầu Chương Dương, gầm cầu Long Biên, ga Hà Nội, chợ Đồng Xuân..., tôi được tận mắt chứng kiến những hình ảnh đẹp, ấm áp tình người - một khoảnh khắc sống chậm trong cuộc sống vội vã hôm nay.
Dưới chân cầu Long Biên lộng gió, bà Lê Thị Tuyết (sinh năm 1957, quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) không giấu nổi niềm vui khi nhận được bát cháo nóng của nhóm. Bà Tuyết làm nghề nhặt ve chai với thu nhập vài chục nghìn đồng mỗi ngày. Với bà, để có bữa ăn no là điều không dễ. “Nhiều năm qua tôi đã nhận được hỗ trợ của nhóm, lúc thì cái chăn, lúc thì bộ quần áo, đồ ăn. Với nhiều người, đó là những món đồ hết sức bình thường còn với tôi, nó thực sự cần thiết”, bà Lê Thị Tuyết chia sẻ.
Đôi tay run run nhận chiếc chăn của nhóm tại sảnh ga Hà Nội, ông Ngô Văn Tiến (sinh năm 1960, quê ở Phù Ninh, Phú Thọ) cho biết ông mưu sinh bằng nghề bán hàng rong. Mấy hôm nay Hà Nội trở lạnh, chỗ ông hay nằm gió lùa tứ bề, bởi vậy chiếc chăn ấm này giúp ông có giấc ngủ ngon hơn, có thêm sức khỏe cho ngày làm việc hôm sau. Lên Thủ đô mưu sinh đã gần chục năm, mỗi năm ông Tiến chỉ về quê 1 - 2 lần. Ông Tiến xúc động kể: “Mỗi lần gặp tôi, các bạn trong nhóm lại hỏi thăm tôi có nguyện vọng gì? Có hôm nhớ nhà quá tôi bảo muốn về quê. Vậy là ngay hôm sau các bạn đã mua vé cho tôi rồi còn đưa tôi ra bến xe Mỹ Đình đón xe về nhà”.
Lần đầu tham gia hoạt động của nhóm thiện nguyện Ấm, Lê Thị Khánh Huyền (sinh năm 1996, quê ở Hà Tĩnh), một nhân viên văn phòng ở quận Bắc Từ Liêm cho biết, rất tâm đắc với cách làm từ thiện của nhóm là luôn tìm hiểu kỹ về những nhu cầu thiết thực của người lang thang, cơ nhỡ và giúp đỡ họ với tinh thần chia sẻ, động viên. “Chúng ta không cho người lang thang, cơ nhỡ chăn khi họ đang thiếu thuốc, không nên cho họ đồ ăn nếu họ đang cần một chiếc xe đạp... Nắm được nhu cầu của họ, nhóm sẽ cố gắng giữ liên hệ để có thể giúp những thứ họ thực sự cần. Chúng tôi còn cập nhật những thứ mà người lang thang, cơ nhỡ cần lên trang facebook của nhóm để mọi người tiện ủng hộ”, Lê Thị Khánh Huyền nhấn mạnh.
Lan tỏa lòng nhân ái
Mong muốn hai người con đang học tại Trường Tiểu học Vinschool Green Bay có thêm trải nghiệm tích cực, anh Đỗ Văn Điệp đã cho các con theo nhóm thiện nguyện. Anh Điệp muốn các con học cách cảm thông trước những cảnh đời bất hạnh và biết trân trọng cuộc sống mà mình đang có. Anh chia sẻ: “Tôi nhớ có một lần, khi biết được công việc của một bác nhặt ve chai, các con tôi đã ngay lập tức cầm chai nước trên tay và tìm thêm chai lọ bị vứt ở xung quanh để đưa cho bác ấy. Đó là một hành động cụ thể cho thấy các con đã biết nghĩ cho người khác”.
Anh Vũ Trung Anh, Chủ nhiệm nhóm thiện nguyện Ấm cho biết, mùa đông năm 2011 khi nhóm mới thành lập, chưa nhận được nhiều sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, mọi hoạt động của nhóm đều do các thành viên tự đóng góp, từ quần áo rét đến tiền để mua thức ăn... Tuy nhiên, càng đi nhiều lại càng thấy có quá nhiều người bất hạnh, nên nhóm đã nảy ra ý định kêu gọi mọi người ủng hộ qua trang facebook. Cứ như vậy, trang facebook của nhóm giờ đã có hàng nghìn người thường xuyên tương tác, hỗ trợ và có hàng chục thành viên tích cực tham gia.
Đặc biệt, Chủ nhiệm nhóm Vũ Trung Anh cũng chia sẻ, nhóm còn thường xuyên phối hợp với Trung tâm Bảo trợ xã hội I (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) để giúp những người có hoàn cảnh thực sự khó khăn (người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi...) có nơi ăn chốn ở ổn định. Và giúp đỡ người lang thang, cơ nhỡ cũng là việc làm lâu dài, góp phần xây dựng môi trường sống văn minh ở đô thị.
Với tinh thần đó, anh Vũ Trung Anh và nhóm của mình luôn tâm niệm: “Của cho không bằng cách cho”, làm từ thiện là việc không đơn giản, rất cần cách ứng xử văn hóa, chân thành, tế nhị, tránh tạo ra sự ỷ lại. Thời gian đầu, nhóm phải mất nhiều thời gian làm quen, chia sẻ với những người lang thang, cơ nhỡ như những người bạn, người thân của mình. Khi đã trở thành thân thiết, người nhận sẽ không cảm thấy mình bị thương hại, vui vẻ nhận thứ mình cần. Niềm vui khi ấy sẽ được nhân đôi.