Hoài Đức đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIV
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 18:07, 15/03/2023
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến báo cáo, tại hội nghị, thực hiện Chương trình 05/Ctr-HU của Huyện ủy về phát triển kinh tế - xã hội huyện Hoài Đức, Ban chỉ đạo huyện được thành lập và thống nhất quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Đầu nhiệm kỳ, trong bối cảnh ảnh hưởng phức tạp của đại dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhờ đó các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện từ năm 2020-2022 vẫn đạt được kết quả tích cực: Tổng giá trị sản xuất 3 năm 2020-2022 đạt trung bình hơn 25,000 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân năm 2022 đạt 72,2 triệu đồng/người/năm; thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao và được nhân rộng, gồm 3 sản phẩm: Nhãn chín muộn Hoài Đức, phật thủ Đắc Sở, bưởi đường Quế Dương, đều đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ, cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể...
Thực hiện Chương trình số 10/Ctr-HU của Huyện ủy về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả "Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn huyện Hoài Đức giai đoạn 2021-2025", cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả việc cơ cấu lại ngành kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa và phát triển bền vững.
Nhiều vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập từ 500 triệu đến 700 triệu đồng/ha/năm; vùng sản xuất rau an toàn cho giá trị thu nhập trung bình 400 triệu đồng/ha/năm. Huyện có 12 cơ sở tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc của thành phố với 63 sản phẩm và 3 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nông sản; công tác xây dựng, củng cố và phát triển làng nghề truyền thống tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; chế độ an sinh xã hội cho các đối tượng được bảo đảm.
Đến nay, huyện Hoài Đức đã có 3 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xã Yên Sở được thẩm định, đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 4 xã khác được thẩm định đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022...
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến liên quan đến công tác đánh giá, bổ sung số liệu về những nội dung huyện đã thực hiện hiệu quả như: Hoạt động và đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn; hoạt động đầu tư phát triển kinh tế, đầu tư công góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển dịch vụ, văn hóa - xã hội...; phân loại tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, có việc làm; chỉ ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp thực hiện từ nay tới cuối nhiệm kỳ.
Kết luận hội nghị, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Trúc Anh đề nghị cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình 05/Ctr-HU, 10/Ctr-HU tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh báo cáo trình Ban Thường vụ Huyện ủy; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng đối với mỗi cơ quan thành viên bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung, không chồng chéo, không bỏ sót và đạt hiệu quả cao; hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra vào cuối nhiệm kỳ.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Trúc Anh cũng nhấn mạnh cần xác định việc hoàn thiện các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là điều kiện để hoàn thiện các tiêu chí phát triển huyện thành quận. Do đó, trong quá trình thực hiện, việc rà soát để đầu tư các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phải gắn với các tiêu chuẩn phường, quận.