Tập trung phát triển sản phẩm OCOP
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 07:25, 15/03/2023
Được công nhận là làng nghề truyền thống đục chạm gỗ cao cấp và mộc dân dụng từ năm 2011, đến nay, thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai) đã có 3 nghệ nhân, thành lập được Hội làng nghề với 150 chủ xưởng mộc, tạo việc làm ổn định cho khoảng 600 lao động địa phương và nhiều lao động thời vụ. Hội làng nghề mộc thôn Ngọc Than cũng có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
Nghệ nhân Đỗ Đình Yên (thôn Ngọc Than) chia sẻ: “Các sản phẩm ở xưởng sản xuất của gia đình tôi chủ yếu là đồ thờ, tượng phật, sập gụ, tủ chè, nhà gỗ, nhà cổ, tranh gỗ… Hiện tại, gia đình tôi tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên và hơn 20 lao động thời vụ, với thu nhập 10-20 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021, tôi đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP tượng phật nghìn tay, nghìn mắt và hoa sen, được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, huyện Quốc Oai hỗ trợ về thủ tục, hồ sơ, tư vấn đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, hướng dẫn thiết kế nhãn hiệu; quảng bá sản phẩm tại các hội chợ… Đầu năm 2022, cả 2 sản phẩm của tôi đều đạt OCOP 4 sao, nên khách hàng biết đến nhiều hơn. Năm 2023, tôi tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP đối với các sản phẩm: Tranh tứ quý, hoành phi câu đối, tượng thập bát La Hán”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội làng nghề thôn Ngọc Than Đỗ Đình Thường cho hay, mong muốn của các hộ làm nghề mộc là có mặt bằng sản xuất rộng để đầu tư công nghệ hiện đại, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp tục đăng ký thêm nhiều sản phẩm OCOP hơn nữa, góp phần quảng bá thương hiệu làng nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Quốc Oai cũng là địa phương có nhiều mô hình trang trại chăn nuôi lớn với tổng đàn gia súc, gia cầm khoảng 3,8 triệu con. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện tập trung tuyên truyền để các chủ thể chăn nuôi, sản xuất, chế biến thịt gà, lợn thương phẩm đăng ký tham gia sản phẩm OCOP.
Theo ông Nguyễn Đình Tường ở thôn Đĩnh Tú (xã Cấn Hữu), năm 2016, ông cùng 6 thành viên khác thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm, nuôi lợn theo hướng sinh học, cung cấp cho thị trường thịt lợn sạch và nhiều sản phẩm từ thịt lợn như: Xúc xích, giò… Năm 2019, Hợp tác xã đăng ký tham gia Chương trình OCOP với 3 sản phẩm: Thịt lợn, giò lợn, xúc xích lợn sinh học Đồng Tâm - Quốc Oai và cả 3 sản phẩm đều đạt OCOP 4 sao. Nhờ đó, lượng hàng bán ra tăng hơn 30%, doanh thu đạt 700-900 triệu đồng/tháng; thị trường tiêu thụ tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn huyện, thành phố và mở rộng đến các tỉnh: Bắc Ninh, Nam Định…
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Trần Hùng thông tin, năm 2022, huyện có 31 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao. Huyện cũng tích cực hỗ trợ các chủ thể OCOP đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại các hội thảo, hội nghị, hội chợ, festival do huyện, Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND thành phố tổ chức; thành lập 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thị trấn Quốc Oai, xã Sài Sơn; đồng thời, đăng ký với Sở Công Thương Hà Nội phát triển thêm 1 điểm tại xã Hòa Thạch…
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, năm 2023 và những năm tiếp theo, huyện phấn đấu mỗi năm có ít nhất 25 sản phẩm đăng ký tham gia và đạt OCOP 3 sao trở lên; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quan tâm, hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia Chương trình OCOP.
Cùng với đó, huyện Quốc Oai chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn có sản phẩm chất lượng, tiêu biểu tham gia Chương trình OCOP; yêu cầu đơn vị chức năng phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp nhằm phát hiện những sản phẩm tiềm năng để hỗ trợ các đơn vị tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, kết nối xây dựng liên kết tiêu thụ sản phẩm… Tất cả hướng đến cái đích là góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.