“Sông trong ao” ở vùng trũng Ứng Hòa
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 10:10, 10/03/2023
Mô hình độc đáo
Năm 2018, hộ gia đình ông Đặng Văn Duân ở thôn Lưu Khê, xã Liên Bạt đã được Trạm Khuyến nông huyện Ứng Hòa mời đi tham quan mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản tại các địa phương. Sau khi được nghe cán bộ thủy sản chia sẻ kỹ thuật nuôi cá "sông trong ao", nắm vững được kỹ thuật quản lý và nguyên lý hoạt động của sông, ông đã báo cáo lên các cấp lãnh đạo để xin triển khai mô hình với quy mô 1ha. Hiện, mỗi năm gia đình ông thu 2 lứa, cung cấp cho thị trường khoảng 30 tấn cá chất lượng vượt trội so với phương pháp nuôi truyền thống.
Theo chia sẻ của ông Duân, đối với mô hình này, muốn mang lại kết quả cao thì người nuôi cần lưu ý về môi trường nuôi, không chăn nuôi vịt trong ao, định kỳ sử dụng chế phẩm vi sinh làm sạch đáy; thiết kế xây dựng sông đúng tiêu chuẩn về độ sâu để bảo đảm thể tích nước; cuối sông cần bố trí máy hút phân để bảo đảm môi trường nước, nguồn điện cung cấp phải ổn định. Với công nghệ mới này, điểm quan trọng nhất là người nuôi phải duy trì máy thổi khí 24/24 giờ; bảo đảm lưu lượng nước luôn tuần hoàn trong hệ thống sông. Khi người nuôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật thì sẽ hạn chế được chi phí, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống.
Tương tự, tại xã Trầm Lộng, gia đình ông Đinh Quang Lĩnh ở thôn An Thái, cũng đã đầu tư xây dựng 2 bể nuôi với thiết kế sâu 2m, rộng 5m, dài 25m. Một bể ông thả nuôi 2.000 cá trắm, 1 bể thả 3.000 cá chép và ứng dụng công nghệ mới, tạo “sông trong ao”. Ông Đinh Quang Lĩnh chia sẻ, việc áp dụng mô hình nuôi cá “sông trong ao” không chỉ giúp thuận lợi hơn trong việc theo dõi và quản lý dịch bệnh của cá mà còn giúp người nuôi thu hồi, xử lý được chất thải sau nhiều vụ nuôi. Ao nuôi thiết kế các máy bơm chuyên dụng tạo ra các “dòng sông nhỏ” chảy liên tục trong ao, giúp gom chất thải lắng xuống bể cho máy hút dọn mỗi ngày, môi trường nước ao nuôi luôn sạch; nguồn thức ăn dư thừa không còn nên cá tăng trọng nhanh, cá thường xuyên vận động bơi ngược dòng giúp thịt cá săn chắc. Đặc biệt, với mô hình này, sau khi thu hoạch có thể nuôi tiếp lứa mới mà không cần xử lý đáy ao.
Đến nay, toàn huyện Ứng Hòa đã có 2 xã triển khai mô hình sông trong ao trong nuôi trồng thủy sản là Trầm Lộng và Liên Bạt.
Mở rộng vẫn khó
Theo đánh giá của huyện Ứng Hòa, diện tích nuôi trồng thủy sản của địa phương tuy đã hình thành các vùng tập trung tương đối lớn nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quy trình giản đơn. Việc áp dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản kém đa dạng, phần nhiều mới chỉ dừng ở công đoạn xử lý môi trường nước. Đặc biệt, việc liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ thủy sản, sản phẩm từ thủy sản... chưa có. Trong khi đó, nguồn nước phục vụ sản xuất chưa được bảo đảm, tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp diễn ra ngày càng tăng…
Từ thực tiễn hiệu quả của mô hình "sông trong ao" tại Ứng Hòa, việc mở rộng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Nguyên nhân chính là trong những năm qua, thị trường tiêu thụ các loại cá truyền thống chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, giá bán không ổn định. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay của người dân còn hạn chế, trong khi nhu cầu kinh phí ban đầu để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ cao là rất lớn. Bên cạnh đó, việc nuôi trồng thủy sản chưa gắn với chế biến, tiêu thụ liên kết theo chuỗi, dẫn tới rủi ro cao.
Để việc ứng dụng kỹ thuật mới vào nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả, cụ thể là mô hình sông trong ao, theo như các hộ dân nuôi trồng thủy sản lớn ở các xã Trung Tú, Trầm Lộng… chính quyền địa phương tiếp tục có các chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình theo hướng tăng mức hỗ trợ về giống, vốn, hạ tầng kỹ thuật và gắn với xây dựng thương hiệu, đặc biệt là có chợ đầu mối cùng nhà máy sơ chế, chế biến thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng nhấn mạnh, phát triển thủy sản theo hướng bền vững và đạt chuẩn VietGAP đang là mục tiêu cũng là nhiệm vụ trong phát triển nông nghiệp xanh bền vững của địa phương. Thời gian tới, để tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, Ứng Hòa tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển chợ đầu mối lớn về thủy sản tại địa phương, xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản thủy sản sau thu hoạch…