Vùng rau lớn nhất ven sông Hồng vào vụ mới

Hà Nội 360 - Ngày đăng : 18:14, 17/02/2023

(HNMO) - Những ngày này, trên các cánh đồng rau của thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), nông dân đang tất bật xuống giống vào vụ rau mới. Năm vừa qua, giá rau được mùa, được giá, nông dân phấn khởi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, người dân cần sản xuất theo nhu cầu của thị trường tránh tình trạng cung vượt cầu ảnh hưởng đến giá cả, được mùa - mất giá.

Nông dân thôn Đông Cao xã Tráng Việt vào vụ rau mới.

Mùa rau mới bắt đầu

Theo bà Trần Thị Hường ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, vụ xuân 2023, gia đình gieo trồng 2 mẫu rau các loại. Vụ rau Tết Nguyên đán vừa qua, rau được giá nên gia đình rất phấn khởi và mong vụ rau xuân, giá tiếp tục ổn định, để người trồng bớt khó khăn khi vào vụ thu hoạch.

Còn theo ông Lương Văn Tiến ở thôn Đông Cao, hiện nay, thời tiết tương đối thuận lợi để xuống giống sản xuất rau phục vụ thị trường sau Tết Nguyên đán. Hiện, chi phí sản xuất khoảng 3.000 đồng/kg rau củ, nên giá bán phải cao hơn con số này thì nông dân mới có lãi.

Nói về tình hình sản xuất vụ rau mới trên địa bàn, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho biết, trong diện tích gieo trồng hơn 300ha, có 134ha được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau vụ rau Tết, hiện nay nông dân trong thôn đang tích cực xuống giống vào vụ rau xuân.

“Để nâng cao chất lượng rau củ cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, Hội Nông dân xã Tráng Việt đã phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao triển khai mô hình “Cánh đồng sạch” trên quy mô 2,6ha; mô hình hiện có sự tham gia của hơn 100 nông hộ. Cùng với đó, hợp tác xã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về quy trình sản xuất an toàn. Trong phòng trừ sâu bệnh, ưu tiên sử dụng biện pháp thủ công, thuốc thảo mộc, hóa học cần thiết, bảo đảm rau ra thị trường là rau an toàn. Nhờ đó, trung bình mỗi năm hợp tác xã cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 20% rau củ quả các loại, còn lại là các tỉnh lân cận với sản lượng 27-30.000 tấn/năm. Nhờ sản lượng và giá cả ổn định, nông dân thôn Đông Cao thu nhập 100 - 300 triệu đồng/hộ/năm; nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định", ông Đàm Văn Đua cho biết thêm.

Sản xuất theo tín hiệu thị trường

Hiện nay, thị trường tiêu thụ rau an toàn tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt chủ yếu do thương lái quyết định nên đầu ra chưa ổn định. Theo ông Đàm Văn Đua, hiện trên địa bàn xã có khoảng 40 thương lái thu mua rau củ; việc mua bán chủ yếu dựa trên thoả thuận giữa thương lái và nông dân. Hợp tác xã cũng chỉ mới hỗ trợ tiêu thụ được khoảng 20% sản lượng rau củ của các thành viên. Do đó, ít năm trước, việc tiêu thụ gặp khó khăn, nhất là củ cải bị dư thừa nguồn cung. Hiện nay, để tránh tình trạng trên, hợp tác xã và chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường, hy vọng tình hình sẽ được cải thiện vào vụ xuân năm nay.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Đàm Văn Thìn, hiện nay việc tiêu thụ rau trên địa bàn xã chủ yếu do thương lái thu mua đầu bờ hoặc hợp đồng với các công ty, cửa hàng cung ứng cho người tiêu dùng; đưa rau tận nhà khách hàng, cơ quan… theo đơn đặt hàng.

Thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho nông dân, tránh lặp lại cảnh được mùa - mất giá. Cùng với đó, xã tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã, nông dân xây dựng thương hiệu, đầu tư hệ thống điện, giao thông nội đồng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất nông nghiệp.

Nông dân thôn Đông Cao, xã Tráng Việt hy vọng vụ rau mới được mùa, được giá. Ảnh: Tùng Lâm

Bên cạnh đó, để tạo ra nguồn rau sạch, an toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tráng Việt Vũ Văn Lợi cho biết, hiện nay Hội Nông dân tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng yêu cầu các hộ tham gia ký cam kết việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Vào thứ bảy hằng tuần, các hộ cùng nhau vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cảnh quan môi trường; duy trì tiêu chuẩn canh tác an toàn và theo hướng VietGAP đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp chứng nhận, bảo đảm cung ứng cho thị trường sản phẩm rau củ an toàn. Việc này không chỉ nâng cao giá rau củ mà còn bảo vệ thương hiệu rau an toàn Đông Cao xã Tráng Việt.

Để vụ rau xuân ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt cho giá trị kinh tế cao, tiêu thụ ổn định, tránh tình cảnh được mùa - mất giá, các  ngành chức năng cần khuyến cáo nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, trồng rải vụ các loại rau để tránh thu hoạch đồng loạt. Cùng với đó, nông dân phải tuân thủ nghiêm các quy định về sản xuất rau an toàn để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Ngọc Quỳnh