Nông dân Gia Lâm tích cực xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp

Hà Nội 360 - Ngày đăng : 07:51, 06/02/2023

(HNM) - Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Gia Lâm tích cực xây dựng các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tập hợp, gắn bó những hội viên có chung lợi ích và trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra cơ chế tự liên kết trong sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị... Từ đó thu hút thêm hội viên tham gia sinh hoạt, gắn bó với các hoạt động của Hội.

Mô hình trồng hoa ở xã Phú Thị (huyện Gia Lâm) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hoàng Anh

Để hoạt động của các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp sau khi được thành lập đạt hiệu quả, đúng mục đích, Hội Nông dân huyện Gia Lâm đã yêu cầu Hội Nông dân các xã, thị trấn hướng dẫn các chi hội, tổ hội xây dựng quy chế hoạt động, đổi mới nội dung sinh hoạt cho phù hợp với ngành nghề đang thực hiện, chú trọng hoạt động của những hội viên cùng ngành nghề...

Từ đó, định hướng cho họ có cùng một chí hướng trong sản xuất, kinh doanh với phương châm "5 tự": Tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và "5 cùng": Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thị Nguyễn Thị Lan chia sẻ, đến nay, xã thành lập được 2 chi hội nghề nghiệp làm vườn; 3 tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả và rau an toàn; 1 hợp tác xã dược liệu... Hội cũng tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể như: Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái ở chi hội thôn Hàn Lạc; mô hình trồng hoa lan ở chi hội thôn Tô Khê. Hiện, các chi hội, tổ hội nghề nghiệp ở xã Phú Thị đang hoạt động hiệu quả.

Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Đại Bản (xã Phú Thị) Phạm Thị Đà cho biết, chi hội thành lập được một Tổ hội nghề nghiệp nông dân trồng cây ăn quả với 15 thành viên trồng bưởi, cam, chuối… trên tổng diện tích hơn 20 mẫu. Cùng với tuyên truyền tới các hội viên về kỹ thuật chăm sóc cây theo hướng an toàn, hữu cơ, tổ hội còn tổ chức cho các hội viên tham gia hoạt động thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các khu đồng trên địa bàn, góp phần giữ gìn xanh, sạch đồng ruộng.

Tương tự, xã Lệ Chi cũng thành lập được 3 tổ hội nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, gồm: 1 tổ hội trồng cây ăn quả, 1 tổ hội trồng hoa, cây cảnh; 1 tổ hội tiêu thụ hoa cắt cành.

Bà Dương Thị Dự, thuộc Tổ hội nông dân trồng cây ăn quả cam, bưởi ở thôn Cổ Giang cho biết, tổ hội có 20 thành viên, mỗi tuần một lần tổ chức kiểm tra lẫn nhau trong việc chăm sóc cây; cùng nhau trao đổi, tư vấn về cách trồng, chăm sóc cây… Hiện, tổ hội đang tập trung kết nối, xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cam, bưởi tại các cửa hàng sạch và siêu thị để các thành viên có thu nhập ổn định.

Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Gia Lâm, toàn huyện đã thành lập được 113 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 1.472 hội viên tham gia. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu làm kinh tế hiệu quả như: Mô hình sản xuất và kinh doanh cây giống của ông Hoàng Văn Lục ở thị trấn Trâu Quỳ; sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh của ông Trần Minh Hùng, xã Phù Đổng...

Các hội viên ở các chi hội, tổ hội không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao mà còn khẳng định hiệu quả của chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn, việc xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp được hình thành trên cơ sở tập hợp, gắn bó những hội viên có chung lợi ích và trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh; cùng mục đích, ngành nghề sản xuất, ở cùng một khu vực, tạo ra cơ chế tự liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Các thành viên trong chi hội, tổ hội thường xuyên trao đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thông tin về thị trường, giá cả vật tư nông nghiệp...

“Sau 5 năm triển khai mô hình, các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao kỹ năng sản xuất và năng lực quản lý, giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập” - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn khẳng định.

Ánh Dương