Đặc sắc hội thi phân hạng sản phẩm OCOP Gia Lâm
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 09:27, 11/12/2022
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mỗi sản phẩm còn ẩn chứa, kết tinh những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất mà không nơi nào có được.
Kết tinh từ tinh hoa của vùng đất
Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện Gia Lâm đã quy tụ rất nhiều các sản phẩm đặc trưng của huyện như: Bình giọt ngọc, bình tỳ bà, hoa sen men Chu Đậu, bình lưu ly men Chu Đậu, bình tỏi men Chu Đậu (chủ thể là Công ty TNHH Ceramics Thanh Bình); chậu lan dát vàng, tượng Trần Quốc Tuấn dát vàng, trống đồng dát vàng… (chủ thể là Hợp tác xã công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ); bột gừng, cao gừng táo đỏ, muối gừng (chủ thể là Công ty TNHH Phát triển thảo dược Việt)... Trong đó, có nhiều chủ thể đã từng tham dự phân hạng sản phẩm những năm trước và đã đạt được rất nhiều thành công.
Xã Kiêu Kỵ từ lâu đã nổi tiếng cả nước với nghề dát vàng. Nghề là kết tinh sự sáng tạo của người dân Kiêu Kỵ qua nhiều thế hệ. Mỗi sản phẩm dát vàng quỳ thể hiện tri thức, kỹ năng, độ tinh xảo và dấu ấn của người làm nghề bởi nó hoàn toàn được làm thủ công.
Ông Lê Bá Trung, Giám đốc Hợp tác xã công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ tự hào, năm 2021, các xã viên của hợp tác xã đã đăng ký 5 sản phẩm dát vàng gồm: Cá rồng, chữ Phúc, bình vinh quy bái tổ, bình hút lộc, thiềm thừ, đều đạt OCOP 4 sao.
Năm nay, hợp tác xã tiếp tục đăng ký tham gia 5 sản phẩm dát vàng, gồm: Tượng Trần Quốc Tuấn, bát sen, trống đồng, điếu cày, hổ phụ sinh hổ tử. “Chúng tôi mong muốn tham gia chương trình để chứng minh về sự độc đáo của sản phẩm, qua đó, làng nghề sẽ được người dân cả nước biết đến, lựa chọn, giá trị sản phẩm sẽ được nâng cao hơn”, ông Trung nói.
Là một trong những chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP của Gia Lâm đợt này, ông Đào Việt Bình, Giám đốc Công ty TNHH Ceramics Thanh Bình (xã Kim Lan) cho biết: "Năm 2021, sau khi nghiên cứu thành công dòng men rạn mới, tôi đăng ký tham gia và có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao như: Khổng tước khai bình, Ngàn hoa phong tước, Tứ cảnh phú quý, Quần điểu khánh hội phúc tại nhãn tiền, Cửu ngư di ảnh dẫn thanh hương. Năm nay, tôi tiếp tục đăng ký thêm 5 sản phẩm là: Bình giọt nước, bình tỳ bà; các loại bình lưu ly, bình tỏi, hoa sen đều men Chu Đậu".
“Những sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao có tem, nhãn, được quảng bá rộng rãi trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm của thành phố, của huyện. Nhờ đó, người tiêu dùng biết, tìm đến mua hàng nhiều hơn, lượng tiêu thụ tăng, doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng/năm. Đó cũng chính là lý do để năm 2022, công ty tiếp tục lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP”, ông Bình mong muốn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng khẳng định, Gia Lâm có nhiều lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP. Huyện có làng nghề truyền thống: Gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan; dát vàng quỳ và may da Kiêu Kỵ; dược liệu Ninh Hiệp; các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như rau, quả an toàn ở Văn Đức, Đặng Xá… gắn với du lịch làng nghề văn hóa, sinh thái trải nghiệm.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2022, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể lựa chọn sản phẩm độc đáo nhất và hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm cũng như các hồ sơ minh chứng để tham gia Chương trình OCOP.
Tiếp tục phát huy thế mạnh sản phẩm
Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Gia Lâm cho biết: Qua 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP, với sự vào cuộc triển khai quyết liệt, huyện Gia Lâm đã đạt được nhiều kết quả.
Tính đến nay, toàn huyện đã có 89 sản phẩm OCOP được thành phố công nhận của 18 chủ thể. Trong đó, có 5 sản phẩm đạt OCOP 5 sao (là các sản phẩm cấp quốc gia), 68 sản phẩm đạt 4 sao, 16 sản phẩm đạt 3 sao…
Chương trình đã giúp các hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm tốt hơn, mở ra thị trường tiêu thụ tốt hơn để nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế nông thôn.
Phát biểu tại hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện Gia Lâm, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, 30 sản phẩm của huyện Gia Lâm tham gia Chương trình OCOP năm 2022 đều là những sản phẩm tiêu biểu, mang giá trị kinh tế, chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống riêng có. Trong đó, nhiều sản phẩm đến từ các làng nghề truyền thống như gốm sứ, dát vàng vô cùng đặc sắc, đã được tiêu thụ rộng khắp trên địa bàn Hà Nội và cả nước.
Tại hội nghị, 30 sản phẩm đặc sắc của 11 chủ thể là hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm đã được lựa chọn để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP của Hà Nội đánh giá lần 1. Với các sản phẩm đủ điều kiện sẽ tiếp tục được Hội đồng đánh giá lần 2 và trình UBND thành phố ra quyết định công nhận sản phẩm OCOP năm 2022.
Không chỉ tại hội nghị này, cuối tháng 10-2022, đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội đã kiểm tra, đánh giá các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Kết quả cho thấy đã có sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP. Huyện cũng hỗ trợ xây dựng 2 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại xã Dương Xá và xã Bát Tràng, tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP đưa sản phẩm ra thị trường.
Ông Nguyễn Văn Chí đề nghị, thời gian tới, huyện Gia Lâm cần tiếp tục tuyên truyền để các chủ thể phát huy thế mạnh sản phẩm đã được chứng nhận, hoàn thiện sản phẩm để tiếp tục đăng ký nâng cao chất lượng; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã đạt sao OCOP, tạo đầu ra ổn định, tiếp tục phấn đấu xây dựng thêm nhiều sản phẩm OCOP đạt 4 sao trở lên.