Đánh giá, phân hạng OCOP lần 1 cho 40 sản phẩm của huyện Đông Anh
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 16:24, 09/12/2022
Theo đó, 40 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng của huyện Đông Anh thuộc 12 chủ thể với 2 nhóm ngành hàng chủ yếu là thực phẩm và lưu niệm - nội thất - trang trí.
Trong số các sản phẩm thực phẩm dự thi, chiếm số lượng lớn là sản phẩm rau, củ, quả tươi của Hợp tác xã Ba Chữ (5 sản phẩm) và Hợp tác xã Sản xuất rau sạch Đông Anh (6 sản phẩm). Bên cạnh đó là sản phẩm thực phẩm chế biến như nem chay, chả rong biển, xúc xích chay của cơ sở sản xuất chay sạch Chúc Hạnh; tương Việt Hùng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thôn Đoài; bánh vừng và bánh gạo thơm của Công ty TNHH Hoàng Chiến Thắng...
Đối với nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, tập trung chủ yếu là các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ đến từ các làng nghề Vân Hà, Liên Hà, như hộ kinh doanh của các ông: Đỗ Văn Cường, Nguyễn Văn Đồng, Phạm Văn Vững, Trần Văn Tân...
Anh Nguyễn Anh Chiến, Công ty TNHH Hoàng Chiến Thắng (xã Đông Hội), chủ thể của 2 sản phẩm bánh vừng vòng và bánh gạo thơm dự thi, cho biết, từ năm 2019 đến năm 2021, công ty đã có 10 sản phẩm được chứng nhận OCOP của thành phố. Trong đó, 2 sản phẩm dự thi hôm nay đã được thành phố chứng nhận đạt OCOP năm 2019. Theo quy định, sau thời hạn chứng nhận 3 năm, sản phẩm sẽ đánh giá lại để được cấp chứng nhận mới.
"Kể từ khi tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi đã quan tâm đến đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp với kinh nghiệm gia truyền nên chất lượng sản phẩm tốt hơn. Sản phẩm được dán tem OCOP, người tiêu dùng cũng thấy yên tâm hơn khi lựa chọn. Đến nay, các loại bánh như: Bánh vừng vòng, trứng vừng, bánh gạo lứt, bánh cốm, bánh sampa... của công ty đã được tiêu thụ khắp cả nước", anh Thắng chia sẻ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn đánh giá, 40 sản phẩm của huyện Đông Anh năm 2022 đều là những sản phẩm tiêu biểu của huyện, được các chủ thể OCOP ứng dụng các công nghệ để đưa vào sản xuất, đảm bảo uy tín và chất lượng. Trong đó, nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ rộng khắp trên địa bàn Hà Nội và cả nước.
Huyện Đông Anh nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, việc xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP có gặp khó khăn, do đó, Hà Nội chỉ đạo các huyện phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm đặc sản vùng miền; đẩy mạnh liên kết đối với các vùng lân cận để có nguyên liệu đầu vào ổn định cho sản xuất và kiểm soát được chất lượng sản phẩm.