Điểm sáng phát triển sản phẩm OCOP
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 07:15, 18/11/2022
Bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) cho biết, với quy mô hơn 30ha chuyên sản xuất rau hữu cơ, trong đó có nhiều loại rau rừng, thảo dược mang tính đặc sản, quy trình sản xuất chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về sản xuất rau hữu cơ, trang trại đã đạt các chứng nhận quốc tế, một số sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn OCOP. Nhờ xây dựng được thương hiệu OCOP nên sản phẩm rau của trang trại tiêu thụ mạnh tại các kênh phân phối hiện đại, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch...
Tương tự, bà Nguyễn Thị Ánh ở xã Phú Kim (huyện Thạch Thất) có 1ha trồng bưởi Diễn, năm 2019, gia đình đăng ký tham gia Chương trình OCOP và đạt 3 sao. Nhờ đó, bưởi có giá trị cao, thu khoảng 420 triệu đồng/ha/năm. “Đặc biệt, tham gia Chương trình OCOP, các hộ nông dân chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Ánh cho biết thêm.
Đến nay, Thạch Thất đã có 142 sản phẩm OCOP được UBND thành phố đánh giá, xếp hạng, trong đó có 114 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng như: Sản phẩm gỗ trường kỷ, đồng hồ, sập thờ của hộ kinh doanh Nguyễn Trung Đức (xã Canh Nậu); rau ăn lá, củ, quả theo mùa của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải; rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình)…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, nhờ triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, các chủ thể chuyển từ sản xuất truyền thống sang hiện đại, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, thay đổi mẫu mã... đáp ứng nhu cầu thị trường; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Trong năm 2022, Thạch Thất đăng ký phấn đấu có thêm 30 sản phẩm OCOP; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng 142 sản phẩm đã được thành phố đánh giá phân hạng; quan tâm đến một số sản phẩm rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống có tiềm năng đạt 5 sao...
Để hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, từ đầu năm đến nay, huyện Thạch Thất phối hợp với các đơn vị tư vấn hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có sản phẩm tham gia OCOP sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ. Đối với các chủ thể tham gia OCOP tại các làng nghề, tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm… phù hợp nhu cầu thị trường và chuẩn bị hồ sơ để UBND thành phố đánh giá phân hạng vào cuối năm 2022.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, xác định Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, dựa vào tiềm năng, huyện tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; các làng nghề không ngừng cải tiến mẫu mã chất lượng sản phẩm, tạo hàng hóa chất lượng cao. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP về đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP… Với tiềm năng và kết quả đạt được, Thạch Thất sẽ sớm hoàn thành mục tiêu có 300 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3-5 sao vào năm 2025, tiếp tục là điểm sáng thực hiện Chương trình OCOP của Hà Nội.