Tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy cần đi trước một bước
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 07:00, 16/10/2022
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn quận Cầu Giấy xảy ra 24 vụ cháy, 17 sự cố cháy, trong đó: 1 vụ cháy nghiêm trọng, 5 vụ cháy trung bình. Trước tình hình này, công tác kiểm tra được tăng cường, tập trung vào đối tượng, ngành, nghề có nguy cơ xảy ra cháy lớn như: Chợ, trung tâm thương mại, khu chung cư.
Kết quả cho thấy, địa bàn quận có 194/208 khu chung cư, nhà cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, 85/208 cơ sở vi phạm về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy; 51 cơ sở vi phạm về hồ sơ quản lý; 41 cơ sở vi phạm về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; 35 cơ sở vi phạm về đường, lối thoát nạn; 609 cơ sở trọng điểm có nguy hiểm cháy, nổ; 12 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy.
Trong bối cảnh nêu trên, tại các phường Quan Hoa, Dịch Vọng song song với phối hợp kiểm tra, xử phạt, đình chỉ các cơ sở không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định, việc tập huấn, kiểm tra các phương tiện chữa cháy tại chỗ, từng bước đáp ứng tốt hơn. UBND phường Yên Hòa đã có cách làm sáng tạo, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động phòng cháy, chữa cháy như khen thưởng kịp thời cho người dân tích cực tham gia công tác chữa cháy. Mỗi nhà dân, doanh nghiệp thực hiện tốt hơn công tác phòng cháy, chữa cháy theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”...
Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, mặc dù đã rất nỗ lực, song hiện nay, công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn quận vẫn gặp không ít khó khăn. Dẫn chứng về việc này, theo ông Trần Việt Hà, địa bàn quận Cầu Giấy rộng, mật độ dân cư đông, các công trình chủ yếu là nhà cao tầng, nhà ống, nhà liền kề, nhiều công trình nhà ở tập thể cũ, xuống cấp. Quận còn có nhiều ngõ sâu, nguồn nước chữa cháy, phương tiện chữa cháy thiếu.
Ở cấp cơ sở, cũng có những đặc thù riêng. Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Nguyễn Việt Trung cho hay, theo quy định hiện hành, phường được giao phân cấp quản lý 17 hạng mục phòng cháy, chữa cháy, song lực lượng đảm nhiệm hạn chế, ngay cả Công an phường cũng không có cán bộ chuyên môn về phòng cháy, chữa cháy.
Dự báo thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với kiểm tra, UBND quận Cầu Giấy đã yêu cầu lãnh đạo 8 phường trên địa bàn tiếp tục quan tâm tới công tác phòng cháy, chữa cháy, tạo điều kiện để lực lượng này không ngừng được củng cố, phát triển. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến những kiến thức cơ bản cần thiết cho công tác phòng cháy, chữa cháy và các nguyên nhân chính dẫn tới cháy, nổ, kỹ năng thoát nạn, cứu hộ, cứu nạn… và việc thực hành phải đi trước một bước, nhằm phòng, tránh các nguy cơ hỏa hoạn có thể xảy ra.
Với quan điểm, người dân là trung tâm, là chủ thể chính trong phòng, chống cháy, nổ và cứu hộ, cứu nạn, ngay trong tháng 10-2022, UBND quận Cầu Giấy đã chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại khu tập thể C1, phố Trần Tử Bình, phường Nghĩa Tân với tình huống cháy từ thắp hương thờ cúng, căn hộ lại chứa nhiều chất dễ cháy, có nguy cơ cháy lan nhanh lên các tầng. Trong khi những tầng trên có nhiều người dân sinh sống bị kẹt. Với kịch bản trên, lãnh đạo quận Cầu Giấy, Công an quận, phường Nghĩa Tân đã chỉ đạo các lực lượng có liên quan, nhân dân hỗ trợ, ứng cứu kịp thời với các bước triển khai nhanh chóng. “Trên toàn quận hiện có khoảng gần 2.000 hộ gia đình chưa mở lối thoát nạn thứ hai. Thông qua diễn tập, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp, mở lối thoát nạn cũng là mở thêm cơ hội sống. Người dân hãy tự trang bị thêm mặt nạ chống độc trong gia đình, vì mặt nạ chống độc có thể giúp người dân không nhiễm khói độc trong khoảng 15 phút, đủ thời gian để thoát ra khỏi đám cháy”, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà nói.