Chương Mỹ phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 07:26, 05/10/2022
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên, xã Đại Yên Đặng Đình Tiên, từ năm 2001, công ty đầu tư công nghệ cao vào chăn nuôi gà đẻ trứng với diện tích 10ha, quy mô 71.300 con gà; xây dựng khu sơ chế, đóng gói sản phẩm trứng với công suất 200.000 quả/ngày. Hằng tháng, công ty cung cấp ra thị trường hơn 2 triệu quả trứng và hơn 2 tấn thịt gà cho các công ty, siêu thị, nhà hàng trong và ngoài thành phố. Nhờ đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nên công ty kiểm soát được dịch bệnh tại các chuồng trại, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cũng về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám cho biết, để tạo nguồn rau an toàn, chất lượng, hợp tác xã đã đầu tư nhà màng, nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Israel và khoan 2 giếng công nghiệp lớn để chủ động nguồn nước sạch phục vụ sản xuất. Mỗi năm, sản lượng rau sản xuất theo chuỗi đạt 830 tấn, doanh thu hơn 12 tỷ đồng. Đến nay, sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị, trường học...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng cho biết, Chương Mỹ có hơn 14.000ha lúa và cây ăn quả, trong đó, đã quy hoạch vùng chuyên canh bưởi Diễn tại 7 xã, thị trấn với gần 700ha, trung bình đạt giá trị 500-700 triệu đồng/ha. Ngoài ra, huyện có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với 203,5 nghìn con lợn, 6,2 triệu con gia cầm… Bên cạnh mô hình trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty thức ăn chăn nuôi lớn như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP, JAPA... đã ứng dụng công nghệ cao, toàn huyện hiện còn có 13 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và đều cho hiệu quả kinh tế tốt.
Bên cạnh những kết quả khả quan, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Chương Mỹ còn gặp khó khăn do các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa chủ động được đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp, hợp tác xã khó khăn về tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất; còn hạn chế trong dự báo nhu cầu, thông tin thị trường...
Để các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả, theo Giám đốc Hợp tác xã bưởi Núi Bé, xã Nam Phương Tiến Phùng Văn Hà, các ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất; hỗ trợ xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tới kênh phân phối hiện đại.
Về lĩnh vực này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, thời gian tới, để nông nghiệp của Chương Mỹ phát triển theo hướng công nghệ cao, huyện sẽ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng sinh thái, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa... Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đề xuất các sở, ngành tham mưu thành phố có chính sách đất đai để các doanh nghiệp, hợp tác xã yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Mặt khác, huyện hỗ trợ các hợp tác xã về nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi để nông nghiệp trên địa bàn phát triển hiệu quả, bền vững.