Hà Nội 360

Thướt tha áo dài Trạch Xá

Bạch Thanh {Ngày xuất bản}

Trải qua năm tháng, áo dài Trạch Xá vẫn giữ được thương hiệu riêng với tà áo mềm mại, thướt tha, khoe được nét duyên dáng của phụ nữ Việt Nam.

Hà Nội không thiếu thương hiệu áo dài có tiếng, nhưng nhiều người vẫn chọn những nhà may có chữ “Trạch”, chữ “Mỹ” - là những cửa hàng may áo dài có nguồn gốc từ làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa).

Làng nghề nghìn tuổi

Theo sử sách còn lưu tại làng Trạch Xá, nghề may áo dài bằng lụa tơ tằm đã có tuổi đời hơn 1.000 năm. Nơi đây, đàn ông là trụ cột gia đình và cũng là “thợ cả”, nắm giữ nhiều bí quyết nghề may…

trach-xa-4.jpg
Thời nào, làng nghề Trạch Xá cũng có thợ giỏi.
trach-xa-2.j-pg.jpg
90% hộ dân Trạch Xá sống bằng nghề may áo dài.

Bí thư chi bộ thôn Trạch Xá Trần Văn Thiêm cho hay, nghề may ở địa phương được bảo tồn và phát triển qua các thời kỳ. Làng Trạch Xá hiện có khoảng 500 hộ thì hơn 90% sinh sống bằng nghề may áo dài. Trẻ em trong làng từ 6-7 tuổi đã được làm quen với việc may đo, đến khi 15-16 tuổi là có thể tự may được một chiếc áo dài truyền thống. Nhiều gia đình gắn bó với nghề may áo dài từ đời này sang đời khác, 3-4 thế hệ cùng làm nghề.

Năm 2004, Trạch Xá được công nhận là “Làng may áo dài truyền thống”. Trong làng, rất nhiều thợ giỏi được công nhận là nghệ nhân. Sản phẩm của làng Trạch Xá đã tham dự nhiều hội chợ làng nghề của Hà Nội và cả nước.

Hiện, Trạch Xá không chỉ là làng nghề truyền thống mà còn là điểm văn hóa thu hút khách du lịch. Nhiều du khách nước ngoài tìm đến Trạch Xá đặt mối quan hệ hợp tác đưa sản phẩm áo dài của Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới.

Ngoài may áo dài, áo tế, áo tượng... người dân Trạch Xá còn làm chăn, gối, áo bông, trang phục cho các bộ phim của Trung Quốc, xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc, Mông Cổ...

Giữ nghề từ quê ra phố

Gắn bó với nghề may áo dài truyền thống mấy chục năm, nghệ nhân áo dài làng Trạch Xá Nghiêm Văn Đạt cho biết, ông biết may các kiểu áo dài, từ loại ngũ thân của nữ đến các kiểu áo dài của nam.

ao-dai-1-trach-xa.jpg
Các thế hệ làng nghề Trạch Xá vẫn miệt mài gìn giữ lối cắt may truyền thống.

Tùy theo chất liệu, chiếc áo dài có giá từ vài triệu, vài chục triệu cho đến hàng trăm triệu đồng một sản phẩm…

Theo ông Đỗ Minh Thường - thợ may giỏi của làng, trước những biến động của kinh tế thị trường, sự cạnh tranh gay gắt của nhiều thương hiệu áo dài từ các vùng miền khác nhau, các thế hệ thợ may làng nghề Trạch Xá vẫn miệt mài gìn giữ lối cắt may truyền thống là áo dài cổ ngũ thân, hay còn gọi là áo dài 5 tà.

ao-dai-trach-xa.jpg
Áo dài Trạch Xá được nhiều người lựa chọn trong những dịp trọng đại.

Trong xu thế phát triển của xã hội, các thế hệ trẻ ở Trạch Xá luôn yêu và gìn giữ nghề. Người Trạch Xá mang nghề đi khắp cả nước. Ở các thành phố lớn, đâu cũng có người Trạch Xá đến mở tiệm may. Các tiệm may áo dài của người Trạch Xá luôn đông khách bởi nét độc đáo. Dù áo được may thủ công nhưng mũi chỉ vẫn đều, thẳng tắp, tà áo mềm mại, thướt tha, khoe được nét duyên dáng của phụ nữ Việt Nam.

Cùng với giữ nghề ở quê, nhiều người Trạch Xá còn mở cửa hiệu trên các con phố của Hà Nội. Cửa hàng may Vinh Trạch trên phố Lương Văn Can (quận Hoài Kiếm) của bà Lê Thị Quyến chỉ rộng hơn chục mét vuông. Không cầu kỳ bài trí, nhà may Vinh Trạch gợi nhớ những cửa hàng thân quen của Hà Nội những năm 1990.

Đã ở tuổi xưa nay hiếm, bà Quyến cho biết, sinh ra ở làng Trạch Xá, gia đình bà đều theo nghề may, nên từ nhỏ đã “bén” đường kim mũi chỉ. Năm 12 tuổi, bà theo cha lên Hà Nội may đo áo dài. “Các cụ dạy đường kim mũi chỉ từ bé và nghề nó ngấm vào mình lúc nào không hay, cần nhất là sự kiên trì, tỉ mỉ. Bây giờ nhiều người dùng máy may tà áo nhưng gia đình tôi vẫn giữ lối khâu tay của các cụ ngày xưa”, bà Quyến chia sẻ.

Con bà đã trưởng thành, nhờ sự truyền dạy của bố mẹ đều chuyên tâm may áo dài và trở thành thế hệ kế cận đầy tâm huyết.

Theo Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền, trong dòng chảy của lịch sử, thương hiệu của nghề may Trạch Xá đã được khẳng định và thời nào làng nghề cũng có nghệ nhân, thợ giỏi. Lớp trước dạy lớp sau, lớp trước yêu nghề ra sao thì lớp kế cận cũng yêu nghề như thế, lại thêm sự năng động, sáng tạo của thế hệ trẻ mà nghề may Trạch Xá dù ở phố hay làng vẫn giữ được nhịp. 

Bạch Thanh