Hà Nội văn

Rạ rơm giữ vẹn hồn quê

Trung Phong {Ngày xuất bản}

Chiều cạn dần. Hoàng hôn chậm rãi rơi xuống ngọn tre cuối làng một màu đỏ thẫm. Đàn cò sải cánh nhẹ tênh tìm về nơi trú ngụ, sợi nắng lắt lay như cố níu ngày ở lại.

rom-ra.jpg
Minh họa: Trần Công Nguyên

Cánh đồng sau vụ gặt còn trơ lại gốc rạ lẫn rơm khô nằm gối đầu thành luống. Mùi hương ruộng đồng ấn tượng nhất có lẽ là sau vụ gặt, lâng lâng, nồng nàn mùi nắng, mùi hăng hắc của bùn non quyện lại. Mùi hương lấn vào chiều khiến ta phải thảng thốt mà rằng: Sao giản dị bình yên quá đỗi.

Theo lũ trẻ ra đồng thả diều, được hít hà, được cảm nhận mùi quê, được hòa mình vào ký ức rưng rưng của ngày xưa. Những cánh diều đẹp mắt cõng trên lưng giàn sáo cứ ngân nga chao liệng, cứ réo rắt, khoan thai trong ráng chiều đầy gió. Xa xa vẫn loáng màu lam trắng của khói rạ cay xè, bà con nông dân tranh thủ khi tiết trời nắng nóng, rơm rạ đã khô thì đốt cho gọn ghẽ để làm vụ mới cận kề. Bỗng nhớ quay quắt thuở xưa, cái thời khốn khó lam lũ quê mình, những hạt lúa cọng rơm từ bàn tay chai sạn, từ vạt áo sũng ướt mồ hôi, từ sự khắc nghiệt của thời tiết mà kết đọng thơm thảo, thấm đẫm nét văn hóa tự bao đời. Rạ rơm giữ vẹn hồn quê...

Mùa thu hoạch lúa quê tôi là khoảng tháng 5, tháng 6, tiết trời oi nồng mùa hạ là quãng thời gian tuyệt vời để hong khô lúa cùng rơm rạ. Cứ vào ngày mùa là cha mẹ tôi lại bận bịu lắm, bao nhiêu là việc từ khi tờ mờ sáng chưa rõ mặt người cho đến tối mịt. Xưa còn chăn nuôi trâu bò để lấy sức kéo sức cày, những đứa trẻ nghỉ hè là phụ giúp gia đình chăn trâu bò, nuôi gà vịt. Nguồn rơm rạ thời đó chính là thực phẩm dự trữ cho trâu bò, là nguyên liệu đun nấu trong mỗi gia đình. Những ôm rơm vàng khô quắt được cha dồn lại rồi đánh đống. Hầu như gia đình nào cũng có đống rơm, một hay vài ba đống tùy ruộng nhiều hay ít. Khi nhỏ, đống rơm là chỗ để bọn con nít chúng tôi chơi trò trốn tìm, biết bao bận chui sâu vào rồi ngủ quên, tỉnh dậy chui ra có khi nhận trận đòn roi nhớ đời. Khi nông nhàn, bà tôi rút rơm bện chổi, làm mũ, cất dùng dần hoặc đem biếu cô cậu, bà con lối ngõ. Những gốc rạ cứng mẹ cắt phơi khô gọn gàng, lựa kỹ thành bó để lợp mái nhà, mái bếp, rơm rạ đánh với bùn đất để trát vách nhà. Nhà tranh vách đất mát mẻ ngày nắng, kín nước ngày mưa.

Nhà tôi lúc bấy giờ nhận mấy mẫu ruộng của những người đi làm ăn xa nhượng lại nên rất nhiều rơm rạ. Mấy đống rơm cao và to lắm, còn nhớ thoảng đôi lần nhặt được trứng gà nơi chân rơm khi chưa kịp lót ổ. Biết bao vui buồn thời nghèo khó, mùa đông trên chiếu dưới rơm như một tấm đệm vừa êm vừa ấm. Hình như rơm cũng hiểu nỗi khốn khó của người quê mà ôm trọn giấc ngủ say nồng.

Bây giờ làng tôi không còn nhà tranh vách đất, không còn cảnh nhà nhà đánh đống rơm to đùng như xưa. Nhà mái ngói mái bằng mọc lên cao vút, lộng lẫy, đường làng ngõ xóm láng bê tông rộng rãi, không còn phơi rơm rạ nữa. Quán xá khắp nơi, hàng hóa về tận tay người dùng. Những khu công nghiệp mọc lên, dân quê có thêm công ăn việc làm, cuộc sống tốt hơn nhiều so với ngày xưa, nhưng đâu đó theo cánh diều lượn trên cánh đồng quê là ký ức thanh bình, giản dị, gợi lên trong tâm trí tôi ăm ắp hình ảnh thôn quê rơm rạ, nơi tuổi thơ vô tư mà lớn lên. Xin được gọi bằng những tiếng yêu thương: Rạ rơm giữ vẹn hồn quê!

Trung Phong