Di sản

Tục cũ đất Đơ Thao

Bài và ảnh: Giang Nam 23/07/2023 11:18

Là làng ngoại thành cách trung tâm Thủ đô chỉ 8-9km, làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) nhộn nhịp, chật chội còn hơn nhiều phố phường ở nội đô. Khắp làng, các hoạt động buôn bán, dịch vụ hết sức sầm uất. Ấy thế mà đất Đơ Thao lại là nơi giữ được nhiều tục cũ, lệ xưa. Con giai đến tuổi thì đi múa “con đĩ đánh bồng”, còn đến tuổi trung niên, người người háo hức được làm lễ “trình trầu”.

trieu-khuc.jpg
Trai làng Triều Khúc uyển chuyển trong điệu múa.

Cứ chiều đến, tuyến đường nối từ đường Nguyễn Trãi vào làng Triều Khúc lại tắc nghẽn. Hầu như tất cả các trục đường lớn của làng, nhà nhà, người người kinh doanh, các loại hình dịch vụ cũng len lỏi vào những ngõ nhỏ.

Triều Khúc xưa là làng nghề dệt quai nón. Cái tên Đơ Thao xuất phát chính từ nghề dệt nón quai thao. Sau này, khi nghề dệt quai nón mai một, người dân chuyển sang dệt khăn, tất, quần áo... Ngoài ra, làng còn có nghề buôn bán đồng nát: “Buôn đồng nát, lãi quan viên”. Đất dễ làm ăn nên Triều Khúc có “độ nén” dân số cao. Thế nhưng, điều lạ ở mảnh đất này là dù đủ luồng dân cư tụ về, người tạm trú đông đảo nhưng nhiều tục xưa lệ cũ vẫn được gìn giữ.

Ở Triều Khúc, tục “trình trầu” là nghĩa vụ mà bất cứ người đàn ông bước vào tuổi trung niên nào cũng phải trải qua. Người dân quen gọi là tục “lên bô”, tức là hạng “bô lão” của làng, được tham gia vào nhiều hoạt động quan trọng trong lễ hội. Nam giới cứ đến “tuổi ta” 49 là được dự lễ trình trầu. Nếu quá 50 mà chưa trình trầu thì khi có “việc làng” không được ngồi cùng mâm các cụ mà phải ngồi “mâm dưới”. Bởi thế, trình trầu là nghi lễ quan trọng của cuộc đời mỗi nam giới ở đất Đơ Thao.

Những nam giới tham gia lễ "trình trầu" được gọi là “tân bô”. Các tân bô tham gia dâng lễ ở lăng Quận chúa, nghĩa trang liệt sĩ, nhưng quan trọng nhất là ở đình làng. Đúng ngày 25 tháng 11 (âm lịch) hằng năm, tất cả nam giới ở Triều Khúc đều chuẩn bị lễ vật ra đình để dâng lên Thành hoàng làng Bố Cái Đại vương Phùng Hưng. Ngoài lễ vật của mỗi gia đình, 7 xóm của Triều Khúc, mỗi xóm sẽ biện một lễ chung. Ngày dâng lễ, những người “lên bô” của từng xóm tập trung thành đoàn dâng lễ. Các “cụ thất”, “cụ bát” sẽ đại diện cho nam giới dâng lễ để thần linh chứng giám. Cả bên trong và bên ngoài tòa đại đình, nghi trượng bày ra, các cụ phân người cầm bát bửu đứng nghiêm trang cho cuộc hành lễ, tạo nên không khí linh thiêng. Đó là ngày vui của gia đình, vợ của “tân bô” (bà bô) cũng xúng xính áo quần đi lễ cùng chồng.

Sau khi tham dự lễ "trình trầu" ở đình, các xóm tổ chức liên hoan mừng tân bô. Kể từ đây, các tân bô sẽ được tham gia vào những việc quan trọng của làng. Trong đó, quan trọng nhất là dịp hội làng từ mồng 9 đến 12 tháng Giêng. Tuy nhiên, tân bô chỉ được tham gia phần “bao sái”, tức dọn dẹp, lau chùi bát hương. Những công việc khác do các cụ cao niên thực hiện. Tục lệ này thể hiện sự tôn trọng với người cao tuổi.

Bên cạnh tục “lên bô”, đất Đơ Thao còn có điệu múa “con đĩ đánh bồng” (múa trống bồng). Nhiều người hiểu lầm “đĩ” theo nghĩa tiêu cực, nhưng thực tế đây là một từ cổ. “Đĩ” có nghĩa là “gái”. Tương truyền, khi Bố Cái Đại vương Phùng Hưng đóng quân tại Triều Khúc để chuẩn bị đánh ngoại xâm, ngài cho nam giới giả gái múa để động viên tinh thần quân sĩ. Tục lệ được duy trì từ đó đến giờ. Mỗi lần hội làng Triều Khúc, ít nhất phải có 6 “con đĩ” nhảy điệu múa bồng. Họ đều phải là trai tân khôi ngô tuấn tú, con nhà gia giáo. Mặt hoa da phấn, môi son, má hồng, mặc đồ giả gái, khoác trống bồng trước ngực, nhảy những điệu múa cực kỳ lả lơi, quấn quýt bên nhau.

Có một quãng thời gian, do di sản không được quan tâm đúng mức, nhiều người hiểu lầm về điệu múa "con đĩ đánh bồng" nên thanh niên tỏ ra ngại ngùng khi tham gia, nhất là khi phải phấn son, ăn mặc sặc sỡ. Nhưng, với sự quyết tâm của chính quyền, nhân dân địa phương trong việc gìn giữ di sản, vận động cộng đồng, những e ngại dần được xua đi. Hơn mười năm nay, điệu múa trống bồng được đưa vào giảng dạy tại Trường THCS Tân Triều. Các em học sinh nam sớm hiểu về điệu múa và khi đến tuổi, nhiều em hăng hái tham gia múa trong dịp lễ hội. Điệu múa "con đĩ đánh bồng" của làng Triều Khúc đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Không chỉ múa trong dịp hội làng, trai làng Triều Khúc còn đem điệu múa đi giới thiệu trong nhiều dịp liên hoan, lễ hội trên cả nước.

Đất Triều Khúc bây giờ náo nhiệt từ sáng đến tối, nhưng người ta vẫn bắt gặp nét duyên xưa trong cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân. Đến Triều Khúc mới biết làng không chỉ có múa trống bồng. Đội múa rồng ở đây cũng được duy trì qua nhiều thế hệ. Nơi đây cũng có truyền thống chơi cây cảnh từ xưa. Trong làng không hiếm những cây cảnh hàng trăm năm tuổi được người dân truyền từ đời nọ sang đời kia và coi như gia bảo. Bước vào cuộc sống hiện đại nhưng nền nếp xưa cũ vẫn được coi trọng. Đó là điều mà người dân đất Đơ Thao luôn tự hào.

Bài và ảnh: Giang Nam