Hà Nội văn

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Người thơ của xứ Đoài mây trắng...

Diễm Khánh {Ngày xuất bản}

Theo dõi hoạt động văn học - nghệ thuật của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thấy ông có đóng góp ấn tượng cả trong lĩnh vực văn xuôi, thơ, hội họa, báo chí.

nguyen-quang-thieu.jpg

Khi đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, với tinh thần đổi mới, ông đã đưa ra nhiều phương pháp nâng cao chất lượng sáng tác, bồi dưỡng người viết trẻ và không ngừng lan truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật tới đội ngũ kế cận.

Đổi mới và cách tân thơ

Nguyễn Quang Thiều là người nói được, làm được. Ông hoạt ngôn, có cách nói truyền cảm, dẫn dụ thực tế đâu ra đấy. Khi phát biểu, nhiều khi ông không sử dụng văn bản viết sẵn mà “nói vo”. Nguyễn Quang Thiều bắt đầu với thơ ca không sớm, khi ông đã 25 tuổi. Thế nhưng, bắt đầu muộn nhưng ông sớm để lại ấn tượng.

Với tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”, Nguyễn Quang Thiều đã mở đường cho sự cách tân thơ vô cùng mạnh mẽ trên văn đàn Việt Nam sau năm 1975. Những tác phẩm kế tiếp như “Nhịp điệu châu thổ mới”, “Bài ca những con chim đêm” hay “Cây ánh sáng”... đã tiếp tục thúc đẩy sự ra đời của những thi ảnh khác biệt. Lối viết của ông khiến độc giả nghĩ đến các thủ pháp của trào lưu hiện đại như siêu thực, tượng trưng. Ông đã kết hợp tài tình và tạo nên nhiều điểm đột phá trên sự kế thừa thành tựu của người đi trước. Nhiều nhà phê bình văn học, đồng nghiệp đánh giá, Nguyễn Quang Thiều đã tạo nên những trường liên tưởng lạ, ngỡ như không liên quan mà lại có thể cộng hưởng để đẩy cảm xúc lên đến cao trào. Hình ảnh trong thơ ông không tĩnh tại mà liên tục chuyển động nhanh, khác hẳn với quy luật cũ.

Nhà thơ Vương Tâm chia sẻ: “Sự ảnh hưởng của thơ Nguyễn Quang Thiều lạ lắm. Nó tạo nên một trường phái, hay còn gọi là "dòng thơ Thiều”, trong 30 năm qua. Nhất là đối với các bạn làm thơ trẻ, họ thường đi tìm mình như Nguyễn Quang Thiều và họ cũng có những sáng tạo riêng, có những thành công nhất định”.

Cho đến nay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản tới 10 tập thơ (tập sau cùng là “Dưới trăng và một bậc cửa”, năm 2020), anh thủy chung với không gian văn hóa làng quê. Hình ảnh xứ Đoài thân thương luôn neo chặt cuộc đời thi ca Nguyễn Quang Thiều.

Những câu thơ dài Nguyễn Quang Thiều thường đính lại nốt lặng giữa những hình ảnh để nhạc điệu của ngôn ngữ chuyển động. Đọc tập “Dưới trăng và một bậc cửa” càng thấy rõ nét nổi trội này với những câu thơ: “Những con sâu những vệt sáng ngắn chảy từ gốc lên cành/ Chúng ngoan ngoãn liếm trăng trên những chiếc thìa lá mạ bạc”. Hoặc có câu lại dẫn dụ người đọc ở nhạc cảm tự sự: “Mọi con đường tháng Tư biến mất, chỉ còn lại tôi đứng trên con đường này và quanh tôi bạt ngàn những cây kèn cô đơn/ Tôi phải chơi thay những nhạc công đã chết/ Và những cây kèn bị lãng quên trong bóng tối cánh đồng” (“Hồi tưởng”). Đây là những mạch thơ được khai thác trên nền nhạc đã hình thành từ trước. Đó là những câu thơ đẹp cả về ngữ điệu lẫn hình ảnh: “Sông Đáy ơi! Chiều nay tôi trở lại/ Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi/ Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước/ Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi/ Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa” (“Sông Đáy”).

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận xét: “Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đầu tiên bằng những nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc đã xác lập một giọng điệu mới trong thơ Việt. Thơ của anh như một bản giao hưởng của rất nhiều khái niệm, cảm giác, ý tưởng và suy ngẫm cùng tấu lên tràn đầy sức tưởng tượng lạ lẫm”.

Đặc biệt, với tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”, Nguyễn Quang Thiều đã có một cuộc vượt biển thực sự trong tâm hồn mình. Không cần nhắc lại chúng ta cũng biết sự đóng góp vô cùng lớn lao của tập thơ này đối với các trào lưu thơ ca hiện đại từ hình thức, ngôn ngữ đến ý tưởng hiện diện trong đó. Nguyễn Quang Thiều luôn bóc hết lớp không gian này đến lớp khác, soi rọi quá vãng với con mắt mỹ cảm luôn chuyển động, gây bất ngờ với bạn đọc.

Sống là không dừng lại

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh tại thôn Hoàng Dương (làng Chùa), xã Sơn Công, huyên Ứng Hòa, Hà Nội. Từ năm 2000, ngoài hoạt động văn chương, báo chí, ông còn vẽ tranh, gây bất ngờ với những bức tranh bán khá chạy với giá không ngờ. Bất cứ ai theo nghề hội họa cũng biết, để những bức tranh của mình thuyết phục được công chúng, rồi họ rút hầu bao ra mua tranh mình về nhà là điều không đơn giản. “Đọc” Nguyễn Quang Thiều qua tranh, cũng như đọc trong văn chương, đều thấy đó là một người đầy chiêm nghiệm cuộc đời.

Cách đây mấy năm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mở triển lãm “Người thổi sáo”, giới thiệu 53 bức tranh sơn dầu, màu nước, pastel với hòa sắc đẹp và bố cục lạ. Vẽ tranh đối với ông là tạo ra một thứ trong đầu, trong tâm hồn mình, để được sống trọn vẹn, đủ đầy cảm xúc hơn người khác. Ai từng nhìn ông vẽ mới thấy cách làm việc của ông rất đặc biệt: Miệng luôn ngậm điếu thuốc, khói lan tỏa vẩn vơ bám lấy bộ ria mép. Khi vẽ, ông rất im lặng. Cả buổi ông im lặng, nếu vẽ cả đêm thì đêm ấy hẳn là một đêm im lặng. Cứ lầm lũi bôi, trát, xoa, đắp, cạo rồi lại bôi. Là nhà thơ, nên tranh của ông cũng đầy chất thơ. Mỗi bức tranh hình như là một câu chuyện. Và đó là những câu chuyện buồn, mang màu sắc riêng. Lãng mạn và buồn bã trong hội họa của Nguyễn Quang Thiều thể hiện rõ nhất qua màu sắc của ông. Đó là bản hòa sắc thiên về màu lạnh. Có thể nói, ông là người luôn mang trong mình một nỗi buồn nào đó. Kể cả trong văn chương và hội họa. Nỗi buồn ấy có lúc rõ ràng, đôi khi mơ hồ, đó là nỗi buồn tinh tế thổn thức bằng sự lãng mạn của ông.

Gần 10 năm qua, Nguyễn Quang Thiều tham gia nhóm “Nhân sĩ Hà Đông” để cùng bỏ công sức, của cải thu thập sắc phong rồi giám định, dịch và trao lại cho các địa phương có sắc phong bị mất. Nói về việc làm nhiều ý nghĩa này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau về những vấn đề văn hóa dân tộc. Xót xa trước những giá trị quý báu bị tản mạn, trở thành hàng hóa, cả nhóm đã bàn nhau rồi thuê dịch hàng trăm sắc phong với giá khoảng 2 triệu đồng/bản, hợp tác với chuyên gia phân loại, liên hệ với địa phương bị mất. Sau đó chúng tôi quyết định trao tặng lại tất cả những sắc phong này”.

Ở một khía cạnh khác, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là người đầy tâm huyết với người trẻ. Khi đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông đã tạo điều kiện cho nhiều người viết trẻ đứng trong hàng ngũ của hội, tổ chức những cuộc thi nhằm phát hiện tài năng mới. Phải khẳng định, tinh thần ấy của ông đã có từ khi ông còn làm báo. Trước đây, khi còn làm biên tập ở báo Văn nghệ, những tác giả trẻ nếu được gặp ông thì quả là may mắn. Ông sẵn sàng đọc và góp ý, nếu được là đăng ngay. Ông bảo, độ đó mỗi sáng đến báo Văn nghệ, chỉ mong nhận được những cái phong bì lạ, những cái tên lạ. Với niềm hy vọng phấp phỏng sẽ tìm thấy một tác giả, một nhà thơ mới. Bởi vì với ông, được đọc một bài thơ hay là ân sủng lớn đối với người làm biên tập. Người làm thơ thường phải hy sinh nhiều, thua thiệt lớn, trong khi người biên tập lại được đọc miễn phí trước.

Lãnh đạo Hội Nhà văn, làm Giám đốc NXB Hội Nhà văn, làm thơ, viết báo, vẽ, công việc luôn bận rộn. Thế nhưng Nguyễn Quang Thiều vẫn luôn mở lòng với báo chí, trả lời phỏng vấn, tham gia công việc thiện nguyện. Ông luôn nỗ lực vì nghệ thuật với quan niệm “sống là không dừng lại” bởi ông yêu cuộc sống này, yêu nghệ thuật, yêu con người xứ Đoài và lúc nào cũng ham muốn cống hiến nhiều nhất cho nền nghệ thuật nước nhà.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản 10 tập thơ, 15 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Ngoài giải A cho tập thơ "Sự mất ngủ của lửa", ông còn nhận được hơn 20 giải thưởng văn học trong và ngoài nước, như Giải thưởng Văn học quốc tế Hàn Quốc Changwon năm 2018, Giải thưởng Sách hay năm 2021. Thơ và truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều được in thành sách, giới thiệu trên các tạp chí và báo ở nhiều nước như Mỹ, Pháp, Nga, Australia, Ireland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Venezuela, Colombia, Na Uy, Thụy Điển, Malaysia, Thái Lan...

Diễm Khánh