Hà Nội 360

Hội tụ nguồn lực để kiến tạo phát triển: Không gian sáng tạo - tìm chìa khóa trong vốn cổ cha ông

Bài và ảnh: Hoàng Lan 30/07/2023 15:36

Vừa tiếp nhận vừa lan tỏa, 15 năm qua, văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài - Sơn Nam Thượng không ngừng hội tụ, lan tỏa. Đặc biệt, với lợi thế to lớn của mảnh đất “trăm nghề”

Vừa tiếp nhận vừa lan tỏa, 15 năm qua, văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài - Sơn Nam Thượng không ngừng hội tụ, lan tỏa. Đặc biệt, với lợi thế to lớn của mảnh đất “trăm nghề”, xứ Đoài - Sơn Nam Thượng đã và đang hòa vào dòng chảy phát triển chung của Thủ đô, mang thế mạnh về văn hóa của mình góp phần mở mang các không gian sáng tạo, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

thudo2.jpg
Tái hiện hình ảnh các làng nghề Hà Tây tại không gian Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022.

Phát huy vốn cổ

Nắng chiều nghiêng nghiêng xuyên qua ngôi nhà số 7 phố Tố Tịch càng làm hiện rõ từng sản phẩm tiện gỗ dở dang nằm ngổn ngang nơi góc cửa hàng của ông Lê Đình Thắng. Giữa những tòa nhà cao tầng, cửa kính, biển hiệu sáng choang trên phố Tố Tịch, cửa hàng của ông Thắng khiêm nhường chiếm một góc nhỏ, bao năm nay bất cứ ai đi qua hầu như lúc nào cũng thấy ông đang loay hoay tiện hay bào một sản phẩm nào đó trong không gian phủ mờ bụi gỗ. Theo lời ông Thắng, cụ thân sinh ra ông là người làng Nhị Khê, ra đây sinh sống lập nghiệp, tần tảo nuôi 7 người con trưởng thành cũng nhờ nghề tiện gỗ. Đó là những năm 1960, khi phố Tố Tịch ngày đêm vang tiếng tiện, cưa, bào... Khách đến chủ yếu là đặt sản xuất các mặt hàng phục vụ đời sống như đồ thờ, ống hương, song cửa, các vật dụng hằng ngày như khay đựng trà, hộp gỗ đựng thuốc lào, guốc gỗ, đồ chơi cho trẻ em...

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ thì trong hai thế kỷ XVII - XVIII, “với cuộc di cư của các thợ thủ công từ các làng chuyên nghiệp thuộc các trấn lân cận về hành nghề tại Kẻ Chợ, số lượng các tiểu chủ - thương nhân ở đây đột ngột tăng lên” ("Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX"). Điều đó chứng tỏ, cùng với nhiều địa phương khác, các làng nghề phía khu vực Tây Hà Nội đã góp phần tạo nên diện mạo các phố nghề, những không gian sáng tạo độc đáo với đầy đủ không gian văn hóa, lịch sử làng nghề cùng những sáng tạo trong thiết kế sản phẩm...

Bên cạnh việc hình thành nên những phố nghề, những giá trị văn hóa của làng nghề, phố nghề mang dấu ấn văn hóa xứ Đoài còn trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những không gian sáng tạo tại Thủ đô. Đâu đó trong các tòa nhà cao ốc, những trung tâm văn hóa, không gian sáng tạo đầy vẻ hiện đại, vẫn xuất hiện những cánh chuồn chuồn tre, tò he, nón lá, lồng tre... Những chất liệu truyền thống ấy thậm chí được coi là “chất liệu vàng” để tạo nên sản phẩm đầy tính sáng tạo, vừa mang hơi thở dân gian vừa phù hợp với không gian đương đại.

Sức sống mới của làng nghề

Ở chiều ngược lại, việc đẩy mạnh ứng dụng truyền thống trong thiết kế sản phẩm không chỉ mang lại thành công cho cá nhân nhà thiết kế mà còn góp phần khôi phục các nghề thủ công, phong tục tập quán hay những giá trị đang bị mai một.

Mới đây, Đoài creative (số 7, đường Làng Cổ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã trở thành nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo nghệ thuật, tổ chức workshop, phát triển văn hóa truyền thống xứ Đoài. Mô hình này ra đời dựa trên ý tưởng tạo ra một không gian sáng tạo cho du khách, đặc biệt là trẻ em, du khách quốc tế được trải nghiệm những nghề thủ công, các giá trị văn hóa truyền thống của Sơn Tây và hướng tới là cả các làng nghề khác trên địa bàn thành phố.

Theo Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo, sự ra đời của không gian văn hóa này hứa hẹn nhân lên cơ hội trải nghiệm văn hóa truyền thống làng cổ với nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật, khơi nguồn sáng tạo phong phú, đặc sắc trong tương lai.

Vài năm trước, Đường Lâm có một địa điểm tham quan, check-in thú vị, đó là NoK Studio nằm ngay ở đầu làng Mông Phụ. Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng đã cải tạo một ngôi nhà cũ thành không gian ấn tượng với chiếc cổng được xây cuốn vòm lấy ý tưởng từ một góc “tang giếng”. Phía sau cánh cổng ấy là một ngôi nhà hai tầng, tầng một đổ trần nhưng người ta không có cảm giác "bê tông hóa" bởi toàn bộ không gian trầm tĩnh với màu xanh của cây, màu nâu của ngói, của gạch mộc, màu thời gian của những cánh cửa, cây cột gỗ cũ...

Cách đây một năm, sự ra đời của không gian đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây - hoạt động vào dịp cuối tuần - cũng là một tín hiệu mới về sự mở rộng các không gian sáng tạo trên vùng đất xứ Đoài, phù hợp với chủ trương khai thác giá trị di sản để phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Bên cạnh các sân khấu biểu diễn nghệ thuật, tại đây còn có các gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề, ẩm thực xứ Đoài. Đây chính là cách làm mới nhằm đưa di sản đến gần công chúng, góp phần kéo du khách đến xứ Đoài...

Nói như Tiến sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế thì những mô hình hay, như bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá, cần được nhân rộng, nhất là khi mỗi làng nghề ở Hà Nội đều có một câu chuyện để kể. Bởi thế, nên chú trọng sưu tầm, gìn giữ những công cụ chế tác truyền thống của làng nghề, tránh để thất lạc, mai một thì mới có cái để kể về lịch sử, văn hóa của làng.

Lấy sáng tạo làm cốt lõi

Tháng 11-2022, khi đứng trong không gian thiết kế vô cùng ấn tượng tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, tôi không khỏi ngỡ ngàng pha chút tự hào. Hà Nội sau khi sáp nhập đã "ôm" trong mình một di sản vô cùng quý giá, đó là hàng trăm làng nghề truyền thống với nhiều nét đặc trưng. Những không gian mang đậm dấu ấn làng nghề như Không gian thiết kế và cuộc sống - Nghệ nhân Việt Nam; Không gian thiết kế mây tre lá tự nhiên; Không gian thiết kế lụa thêu và thời trang; Không gian thiết kế sản phẩm gốm, gỗ và sơn mài... cho thấy sự hiện diện và đóng góp không nhỏ của yếu tố truyền thống vào các sáng tạo đương đại.

Trên thực tế, tại Hà Nội hiện đang có rất nhiều hoạt động đưa các giá trị truyền thống vào trong sáng tạo, truyền thống trở thành nhịp cầu kết nối các giá trị mới. Quan điểm ấy được khẳng định trong Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 3-3-2022 của UBND thành phố Hà Nội về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, trong đó nhấn mạnh việc ưu tiên bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể tại các làng nghề truyền thống tiêu biểu; phát huy không gian sáng tạo sản phẩm tại các làng nghề; hỗ trợ các nghệ nhân làng nghề thực hành, giới thiệu, truyền dạy tri thức và kỹ năng thực hành nghề...

Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê - giảng viên bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định: Hà Nội đã và đang thúc đẩy tinh thần sáng tạo, không gian sáng tạo, tôn vinh các hoạt động sáng tạo bằng việc đưa lên sân khấu đương đại các hoạt động liên quan đến văn hóa dân tộc, như Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo, Tuần lễ thiết kế sáng tạo... Bên cạnh đó, giới trẻ ngày nay cũng có nhiều cách thức mới mẻ để không chỉ bảo tồn mà còn khai thác chất liệu dân gian trong sáng tác đương đại, như việc họa sĩ Phạm Khắc Thắng đã sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường để tạo ra trải nghiệm giúp công chúng hiểu thêm về quá trình sáng tạo sơn mài nhiều lớp của nghệ thuật truyền thống; hay làng hương Quảng Phú Cầu không chỉ bán hương mà còn "bán" trải nghiệm làm hương..

Từ nền tảng truyền thống, những người thợ đang góp phần nối dài mạch nguồn văn hóa, không chỉ giúp đưa di sản tới gần cộng đồng mà còn góp phần thỏa mãn nhu cầu bức thiết trong phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là khi Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bài và ảnh: Hoàng Lan