Hà Nội 360

Hội tụ nguồn lực để kiến tạo phát triển: Nguồn lực quan trọng góp phần phát triển bền vững Thủ đô

Bài và ảnh: Bảo Khánh 31/07/2023 06:38

Kể từ khi Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô có hiệu lực (ngày 1-8-2008), Hà Nội không chỉ có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước mà còn đứng đầu về số lượng di sản văn hóa. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này là nguồn lực quan trọng phục vụ sự phát triển bền vững của Thủ đô.

thudo3.jpg
Di tích quốc gia đặc biệt đình So (huyện Quốc Oai), một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài.

Mở rộng kho tàng di sản văn hóa

Trước khi điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, tỉnh Hà Tây nổi tiếng với kho tàng di sản văn hóa vô cùng đặc sắc, có giá trị tiêu biểu. Khi đó, Hà Nội cũng là một trong những địa phương có số lượng di tích lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng, trước khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Hà Nội có 1.952 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 532 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 81 di tích được xếp hạng cấp thành phố. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, thành phố đã tiến hành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích. Theo kết quả kiểm kê, tính đến ngày 31-12-2015, Hà Nội có tổng số 5.922 di tích, bao gồm nhiều loại hình: Di tích lịch sử, di tích kiến trúc - nghệ thuật, di tích khảo cổ... Tính đến ngày 30-8-2021, Hà Nội có 2.581 di tích được xếp hạng, trong đó có 1.163 di tích/cụm di tích quốc gia, 1.441 di tích cấp thành phố, 20 di tích/cụm di tích quốc gia đặc biệt và 1 di sản thế giới là Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Một bộ phận quan trọng khác trong hệ thống di tích của Hà Nội là hệ thống di tích cách mạng - kháng chiến. Theo kết quả kiểm kê, Hà Nội có 46 di tích thuộc loại hình này đã được xếp hạng, trong đó có 26 di tích cấp quốc gia, 20 di tích cấp thành phố cùng 355 địa điểm được gắn bia lưu niệm sự kiện lịch sử cách mạng - kháng chiến.

Hà Nội cũng là thành phố đầu tiên trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), từ tháng 2-2014 đến tháng 12-2015, Hà Nội đã tiến hành kiểm kê tại 30 quận, huyện, thị xã và nhận diện được 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Công tác kiểm kê đã giúp Hà Nội đánh giá sức sống của di sản, xác định loại hình cần ưu tiên bảo vệ, đặc biệt là các di sản có nguy cơ mai một cao, cần được bảo vệ kịp thời. Tính đến ngày 31-8-2021, thành phố Hà Nội có 3 di sản được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản nằm trong danh mục cần được bảo vệ khẩn cấp, 1 Di sản tư liệu thế giới cùng 20 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là tài sản vô giá, là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, nhất là đối với phát triển du lịch.

Di sản - nền tảng phát triển du lịch và thành phố sáng tạo

Khối lượng di sản văn hóa đồ sộ trên chính là nguồn lực đặc biệt giúp Hà Nội phát huy giá trị di sản thông qua phát triển du lịch, đặc biệt là xây dựng các sản phẩm văn hóa mang bản sắc riêng của Thủ đô. Những năm qua, du lịch văn hóa là một trong những loại hình du lịch quan trọng thu hút du khách trong và ngoài nước đến Hà Nội, là phương tiện quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội an toàn, thân thiện đến với bạn bè thế giới. Nguồn lực đặc biệt ấy đã giúp số lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng nhanh trong những năm qua. Nếu như năm 2008, Hà Nội đón gần 7,67 triệu lượt khách nội địa thì đến năm 2018 đã đón 26,3 triệu lượt, tăng gấp 3,4 lần sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính. Năm 2022, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Hà Nội đã hồi phục mạnh mẽ khi đón khoảng 18,7 triệu lượt khách, gấp 2,4 lần so với năm 2008.

Cũng trong giai đoạn này, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn đã được hình thành, gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách như tour “Đêm thiêng liêng” tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long hay các sản phẩm du lịch di sản như múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa (Đông Anh), di tích đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng trồng hoa xã Tiền Phong (Mê Linh); hệ thống di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ, đền thờ Bác Hồ gắn với Khu di tích K9, Đá Chông, cảnh quan thiên nhiên của Vườn quốc gia Ba Vì... Nhờ bổ sung nguồn lực di sản từ vùng xứ Đoài và Sơn Nam Thượng mà các sản phẩm du lịch Hà Nội ngày càng đa dạng, đặc sắc, tạo được dấu ấn riêng, qua đó thu hút du khách đến với khu vực ngoại thành nhiều hơn. Sự tác động qua lại giữa nguồn lực di sản và du lịch đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đồng thời chứng minh di sản là nền tảng để phát triển du lịch, và ngược lại, du lịch cũng góp phần tích cực trong việc phát huy giá trị của hệ thống di sản văn hóa.

Không chỉ được biết đến với danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn trong lĩnh vực du lịch, năm 2019, Hà Nội là một trong 246 thành phố chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO một phần nhờ vào hệ thống di sản phong phú - “chất liệu” quan trọng để Hà Nội ghi dấu ấn trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Việc được công nhận là thành phố sáng tạo giúp Hà Nội trở thành điểm đến của tri thức và sáng tạo trên toàn thế giới, qua đó thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa và tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào quá trình hội nhập văn hóa.

Huy động các nguồn lực để bảo tồn di sản

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hệ thống di tích đồ sộ cũng gây ra không ít khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ di sản. Hà Nội đã tiến hành phân cấp quản lý di sản từ thành phố xuống đến quận, huyện, phường, xã. Tuy nhiên, công tác bảo vệ di sản văn hóa vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong việc cắm mốc giới bảo vệ, quản lý mặt bằng, không gian di tích sau khi xếp hạng; vẫn có hiện tượng tự ý tu sửa, sơn thếp tượng, hiện vật, đồ thờ, tiếp nhận và bày hiện vật công đức không phù hợp; tự ý xây dựng, tu bổ di tích khi chưa có thỏa thuận của cơ quan văn hóa có thẩm quyền như đã thấy ở chùa Đồng Quang (quận Đống Đa), chùa Lâm So (huyện Quốc Oai), đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa)... Bên cạnh đó, một số di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ nhưng chưa được quan tâm kịp thời như đình Cổ Chế, đình Thần Quy (huyện Phú Xuyên); một số nơi cho mượn mặt bằng di tích để bán hàng, dẫn đến hành vi lấn chiếm đất và không gian di tích như ở chùa Miễu, chùa Thanh Nhàn (quận Đống Đa)...

Từ thực tế trên, những năm qua, ngành Văn hóa Hà Nội đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc xử lý sai phạm; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, các ban quản lý di tích, tập huấn về công tác quản lý di tích... nhằm hạn chế sai phạm trong việc xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo di tích, hạn chế tình trạng mất cắp di vật, hiện vật tại các di tích.

Để bảo tồn di sản văn hóa như là một tài sản, cần có đủ nguồn lực. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, hằng năm, Sở đều có kế hoạch kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi và bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố với sự phối hợp của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) và các sở, ngành của thành phố. Công tác này đã nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và cộng đồng, nhờ đó kịp thời tiến hành giải pháp chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo và bảo tồn nhiều di tích quan trọng. Theo đó, năm 2018, thành phố đã hỗ trợ tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp với tổng kinh phí 40,85 tỷ đồng cho 50 di tích; năm 2021, Danh mục dự án tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp di tích trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2022 được UBND thành phố phê duyệt đã hỗ trợ bảo tồn 112 di tích với tổng kinh phí 139,3 tỷ đồng. Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang phối hợp cùng Sở Tài chính trình UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ đợt 1 cho 62 di tích với tổng kinh phí 71,182 tỷ đồng. Đó là chưa kể nguồn vốn xã hội hóa dành cho việc bảo tồn, tôn tạo di sản... Tất cả những điều này thể hiện sự chung tay của các cá nhân, cộng đồng cùng ngành Văn hóa làm tốt công tác bảo tồn di tích, góp phần phát huy giá trị di sản Thủ đô kể từ khi điều chỉnh địa giới hành chính đến nay.

Bài và ảnh: Bảo Khánh