Xưa và nay

Sắc thái nông thôn mới ở làng Trinh Tiết

Phong Hà {Ngày xuất bản}

Mỗi địa danh làng xã ở nước ta dường như đều gắn liền với truyền thống lịch sử hoặc mang ý nghĩa giáo dục cộng đồng trong sinh hoạt, lao động sản xuất. Và làng Trinh Tiết thuộc xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là một điển hình. Riêng tên gọi của làng này đã như một câu chuyện huyền thoại còn lưu truyền cho đến ngày nay.

lang1.jpg
Cổng làng Trinh Tiết.

Nét đẹp truyền thống

Xã Đại Hưng có ba thôn: Trinh Tiết, Thượng Tiết và Hà Xá. Vùng đất này thuộc Đồng bằng sông Hồng, giáp con sông Đáy, có điều kiện phát triển kinh tế đa dạng theo hướng nông nghiệp, dịch vụ hàng hóa nông sản khá thuận lợi.

Về tên gọi của làng, tương truyền rằng: Phụ thân của Thành hoàng làng Nguyễn Quốc Bảo vốn gốc người “đàng trong” ra Bắc lập nghiệp rồi xây dựng gia đình. Hai vợ chồng chung sống hòa thuận và hạnh phúc. Khi Nguyễn Quốc Bảo ra đời thì bố mất, để lại mẹ góa con côi.

Bà mẹ Bảo là người đàn bà đẹp nức tiếng, khi chồng qua đời, có nhiều đàn ông giàu có đến ngỏ lời cầu hôn nhưng bà vẫn một lòng thủ tiết, tần tảo nuôi con một mình, nhất quyết không tái giá. Đức thủy chung của bà được dân làng cảm kích, coi đó là mẫu hình của người đàn bà chung thủy.

Thế kỷ XI, vua Lý Thánh Tông du thuyền trên sông Đáy, nhìn thấy cảnh sắc thơ mộng của làng Sêu (tên cũ của làng Trinh Tiết) nên đã dừng thuyền lên bờ thăm thú. Nhà vua rất xúc động khi nghe câu chuyện người phụ nữ thủ tiết thờ chồng, nuôi con trở thành một vị tướng tài, giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, và vua đã đặt tên làng Sêu thành làng Trinh Tiết.

Trải qua thăng trầm lịch sử, người dân làng Trinh Tiết vẫn trao truyền cho các thế hệ đạo làm vợ thủy chung với chồng, vượt lên khó khăn để lao động và nuôi con trưởng thành. Nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng trăm thanh niên đã rời làng Trinh Tiết tham gia đánh giặc, nhiều người đã anh dũng hy sinh ngoài mặt trận. Nhưng những người mẹ, phụ nữ trong làng, không ai bảo ai, dù làng cũng không có quy định, đều nhất mực thủ tiết thờ chồng, nuôi con.

lang2.jpg
Những con đường khang trang trong chương trình xây dựng Nông thôn mới ở làng Trinh Tiết hôm nay.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa

Các cụ cao niên trong làng kể rằng: Dù tục “không tái giá” làng không quy định, nhưng người đi trước làm gương cho thế hệ sau, cứ thế mặc nhiên trở thành quy ước, lệ làng bất thành văn.

Cụ Đỗ Thị Loan năm nay hơn 90 tuổi, còn khá khỏe mạnh và minh mẫn, kể rằng: Thuở ấy, làng nằm trong vùng chiêm trũng, ngày mưa đường lầy lội đến đầu gối, làng huy động dân đào các con mương thoát nước nhưng chỉ được vài tháng. Rồi người làng có sáng kiến làm đường gạch - do những cô gái chuẩn bị lấy chồng đóng góp. Cô lấy chồng xa phải đóng 2 mâm đồng để làng làm cỗ, cô lấy chồng gần thì nộp 400 viên gạch, sau đường gạch trong làng đã hòm hòm nên hạ xuống chỉ góp 200 viên. Đến những năm 1940, hầu hết đường làng Trinh Tiết đã được lát gạch phong quang, sạch sẽ. Đến những năm 1950, tục góp gạch lát đường được làng bãi bỏ.

Từ năm 1954 cho đến nay, người dân làng Trinh Tiết cùng với toàn xã Đại Hưng sôi nổi tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đời sống văn hóa ở làng có nhiều khởi sắc nhưng đạo lý thủy chung với chồng năm xưa vẫn như mạch nguồn tuôn chảy trong phụ nữ nơi đây. Luật Hôn nhân và gia đình với những quy định tiến bộ đã giúp người phụ nữ làng Trinh Tiết thoát khỏi ám ảnh trong việc tái giá khi chồng mất, giảm bớt khó khăn khi phải một mình nuôi con và cáng đáng việc gia đình.

Huyện Mỹ Đức đã được công nhận 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Bộ mặt của làng Trinh Tiết ngày càng phong quang, sạch đẹp. Những con đường bê tông, đường nhựa liên thôn, liên xã được nâng cấp; khu vui chơi và trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được xây dựng khang trang, bề thế. Các di tích đình, đền, chùa trong làng được duy tu, bảo tồn. Làng Trinh Tiết nhiều năm liền được công nhận là Làng văn hóa.

Việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở huyện Mỹ Đức nói chung, xã Đại Hưng và làng Trinh Tiết nói riêng được các cấp chính quyền và người dân nơi đây quan tâm, chú trọng, không ngừng bồi đắp những giá trị truyền thống tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Phong Hà