Đô thị các nước

Nỗ lực kéo dài tuổi thọ “đảo rác thiên đường”

Nhật Quang {Ngày xuất bản}

Là đô thị xanh hàng đầu châu Á và thế giới, Singapore luôn cho thấy những nỗ lực và sáng kiến tuyệt vời của họ trong việc bảo vệ môi trường, trong đó có việc xây dựng và biến đảo rác Semakau thành khu sinh thái đa dạng thu hút rất đông khách du lịch, nhà nghiên cứu.

semakau_landfill.jpg
Toàn cảnh đảo Semakau.

“Đảo rác thiên đường”

Semakau là bãi rác duy nhất của Singapore hiện nay và có lẽ cũng là bãi rác nổi tiếng nhất trên thế giới về độ xanh, sạch, thường được gọi với cái tên “đảo rác thiên đường”. Được xây dựng vào năm 1995, Semakau là sự kết hợp của 2 hòn đảo nhỏ nằm cạnh nhau - Pulau Semakau và Pulau Sakeng. Thời điểm đó, trên đảo cũng có dân cư sinh sống nhưng thưa thớt, chính phủ Singapore đã cho di dân và xây một bể chứa với bờ kè dài 7km bằng đá, cát, đất sét, chất chống thấm vây quanh khoảng trống của 2 hòn đảo nhằm khóa chặt nước từ rác thải rỉ ra môi trường nước biển xung quanh. Tổng kinh phí xây dựng lên tới 610 triệu SGD với tổng diện tích 350ha. Năm 1999, đảo rác đi vào hoạt động, có thể chứa 63 tỷ mét khối rác, dự kiến đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải của người Singapore đến năm 2035.

Phần biển trong bờ kè được phân thành 11 ô nhỏ. Rác của toàn bộ đảo quốc Singapore sau khi lọc lại những thứ không đốt được và các sản phẩm tái chế, số còn lại sẽ được đốt để phục vụ các nhà máy biến rác thải thành năng lượng (WTE). Tro rác sau đó được chở ra Semakau để chôn lần lượt vào từng ô cho đến khi đầy, sau đó được phủ đất và tiến hành trồng cây lên trên. Tuy là một đảo rác nhưng Semakau lại đang trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách, thu hút hàng chục nghìn lượt khách mỗi năm. Trên đảo có khu nghiên cứu thủy sản của Trường Đại học Kỹ thuật Nanyang (NTU) cũng như nhiều hạng mục công trình phục vụ du lịch như khu ngư trường nuôi cá, khu ngắm chim, khu dã ngoại... Tháng 7-2005, chính phủ nước này đã cho phép mở cửa khu vực phía Tây Semakau Landfill để đón khách đến tìm hiểu về sinh cảnh biển, ngắm chim, ngắm sao đêm, câu cá thể thao... Đặc biệt, từ năm 2006, Semakau đã có thiết bị phát điện bằng năng lượng gió và mặt trời.

Bao bọc khu vực này là rất nhiều cây xoài, dừa, những bụi hoa giấy đỏ rực và thảm cỏ xanh. Ở Semakau có hơn 700 loại thực vật và động vật, đặc biệt, một số loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng như diệc xám, cá heo trắng Trung Quốc... cũng sinh sống ở đây. Theo quan sát mới đây của các phóng viên hãng AFP, thảm thực vật tự nhiên đã phát triển tốt trên những hố rác đã lấp đầy. Rừng ngập mặn đã trở thành nơi sinh sống của nhiều loại động vật hoang dã. Các phóng viên đã nhìn thấy một vài con diều brahminy sà xuống mặt nước để bắt cá, trong khi một con đại bàng biển bụng trắng lượn vòng phía trên, những con chim nhạn nhỏ di chuyển trên một cái hố đã lấp đầy hay một gia đình linh dương bơi lội trong một cái ao... Theo quy hoạch, sau khi hoàn thành sứ mệnh chứa rác, Semakau sẽ hoàn toàn trở thành hòn đảo xanh - một địa điểm du lịch hấp dẫn.

Nỗ lực hơn nữa

Dù có đảo rác thiên đường được thế giới ngưỡng mộ, học tập, song việc xử lý rác thải vẫn là một trong những vấn đề nan giải của quốc đảo Sư tử. Theo hãng thông tấn AFP, năm ngoái, Singapore thải ra 7,4 triệu tấn rác, trong đó có 4,2 triệu tấn (57%) được tái chế. Rác thải nhựa vẫn là vấn nạn dai dẳng với chỉ 6% lượng rác được tái chế. Thức ăn thừa với tỷ lệ tái chế là 18% cũng là một vấn đề lớn.

Tổ chức môi trường Hòa bình xanh từng chỉ trích Singapore sản sinh lượng rác lớn bằng kích thước cả nước. Bên cạnh đó, các tổ chức môi trường luôn đưa ra các cảnh báo về việc đốt rác có thể gây ô nhiễm và nguy cơ rò rỉ nước từ bể chứa rác ra biển. Chính vì vậy, chính phủ Singapore luôn nỗ lực kiểm soát và không ngừng đưa ra các giải pháp. Theo Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA), đơn vị quản lý đảo rác Semakau, họ đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa tối đa nguy cơ rò rỉ chất thải: Các nhà máy đốt rác được trang bị hệ thống xử lý làm sạch khí gas trước khi xả vào khí quyển, bãi rác được phủ màng chống thẩm thấu và đất sét để giữ mọi vật liệu ô nhiễm ở bên trong khu vực, nước được kiểm tra đều đặn nhằm phát hiện nguy cơ rò rỉ... Trong tương lai, đảo rác có thể được sử dụng cho nhiều kế hoạch khác như xây dựng nhà máy điện mặt trời và biến tro từ bãi rác thành vật liệu làm đường.

Tuy nhiên, với tốc độ xả rác như hiện tại, chỉ còn hơn một thập kỷ nữa, bãi rác này sẽ đầy. Desmond Lee, quản lý bãi rác (Cơ quan Môi trường quốc gia) cho biết: “Đây là bãi rác duy nhất ở Singapore, do diện tích nhỏ và cạnh tranh về nhu cầu sử dụng đất, rất khó tìm kiếm địa điểm khác. Việc cấp bách với chúng tôi hiện nay là tiếp tục sử dụng bãi rác lâu hết mức có thể và kéo dài thời gian hoạt động xa hơn năm 2035”. Chính phủ Singapore cũng đang áp dụng mọi biện pháp để giúp đảo rác Pulau Semakau xinh đẹp tồn tại lâu hơn sau năm 2035. Chẳng hạn như chiến dịch “Không rác thải” được phát động vào năm 2019 nhằm tăng cường tỷ lệ rác tái chế lên mức 70% và cắt giảm 30% lượng rác đổ ra Semakau. Và, với dân số ngày càng tăng đều đặn, các nhà chức trách Singapore chắc chắn sẽ còn đưa ra các giải pháp táo bạo, tiết kiệm không gian hơn nữa.

Nhật Quang