Hà Nội văn

Những chiều xưa cũ

Truyện ngắn của Đặng Thùy Tiên {Ngày xuất bản}

Gã cầm điếu thuốc đắt tiền hút một hơi rồi nhả ra không gian một mùi thơm nhân tạo. Gã nói, chả thèm nhìn vào mặt tôi lấy một cái:

minh-hoa-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng.

- Một năm mày kiếm được mấy tỷ?

Tôi thộn mặt ra, nỗi tự ái dâng lên. Tiên sư cái thằng, lại khoe khoang tiền của đây. Tôi buôn bán làng nhàng qua ngày, chỉ kiếm đủ hai bữa rau dưa. Tôi biết so với thằng bạn cũ đang ngồi trước mặt đây thì quả là tôi kém cỏi. Thôi thì cứ nhìn nhận thẳng thắn, mình có ăn trộm ăn cắp của ai đâu mà sợ, đó là những đồng tiền thiện lương do mình làm ra cơ mà. Tôi chép miệng, thở dài:

- Chà! Thời buổi giờ làm ăn khó lắm mày ạ! Tao chỉ kiếm đủ ăn thôi, chẳng dám nghĩ gì tới dư dả.

Đôi mắt đang lim dim của gã bỗng mở to đầy vẻ ngạc nhiên. Gã chồm tới, nhổ toẹt bãi nước bọt ra chậu cây cảnh trước mặt.

- Thế thì mày nhầm. Người có đầu óc tính toán, ở đâu cũng làm ra tiền cả.

Tôi chỉ còn biết câm nín. Tôi chẳng giận nổi vì gã nói đúng. Chính gã là minh chứng cho điều gã nói đấy thôi. Gã nghỉ học từ giữa năm lớp mười một. Ra đời với hai bàn tay trắng, gã tạo ra một cơ ngơi hơn ba mươi mét mặt tiền ngay trục đường chính của thành phố, khách ra vào cửa hàng nườm nượp mỗi ngày. Gã thuê mười lăm nhân viên làm ở ba mảng chẳng giống nhau, ở ba nơi khác nhau. Tôi phục gã sát đất vì chẳng biết quản lý kiểu gì mà mọi thứ vận hành trơn tru, đều đặn hằng tháng rót tiền vào túi gã.

Trời vẫn mưa tầm tã. Tôi đột nhiên thấy mặt mình ran rát. Tôi suy nghĩ rất đơn giản, biết đủ là được, chính bởi vậy mà nhiều lúc tôi đã ì trệ, có lần tôi đã phải dại mặt vay tiền gã.

Ngày còn đi học, ngày nào gã cũng chạy con xe đạp cà tàng qua nhà đón tôi. Tôi và gã đèo nhau đi qua những chiều mưa, những buổi sáng mùa đông lạnh lẽo. Có hôm đi học muộn, gã đạp xe vèo vèo qua con đường đất giữa cánh đồng tù mù sương, tới khi dựng được chiếc xe đạp vào chỗ để xe của nhà trường, tôi quay ra nhìn gã thì ngay chỗ bờ mi mắt cong vút như mắt con gái của gã đã đọng lại một hàng những giọt sương trắng xóa.

Gã ngồi cùng bàn với tôi, là đứa mải chơi, nghịch ngợm, thường xuyên bị nhắc tên vào tiết chào cờ. Ngược lại, tôi học khá nhất nhì lớp. Đến tiết kiểm tra tôi thường cho gã chép bài, lần nào điểm gã cũng hơn tôi. Tới một lần bị cô chủ nhiệm bắt được, chúng tôi bị đổi chỗ ngồi. Gã bảo với tôi, tao đi học cho vui, chẳng quan trọng điểm số.

Gã bỏ học đúng vào kỳ thi kết thúc học kỳ một. Tôi sang nhà gã, nằm lỳ ở đó mấy ngày cũng không lay chuyển được quyết định của gã. Tôi trở về nhà, vừa buồn vừa tiếc cho gã. Tôi lao đầu vào học, tới năm lớp mười hai còn chẳng có thời gian để ngủ. Tôi chăm chăm ôn thi đại học, tôi bỏ quên gã. Tôi và gã chẳng mấy khi gặp nhau nữa, dù nhà cách nhà chưa tới một cây số.

Thi trượt đại học, tôi giấu gia đình về Hà Nội ôn thêm một năm nữa nhưng thi thế nào vẫn thiếu nửa điểm mới đỗ vào chuyên ngành mình mong muốn. Tôi nộp nguyện vọng hai vào một trường khác, học xong ở lại thêm hai năm đi làm thuê, tìm kiếm cơ hội ở thủ đô, cuối cùng vẫn xách ba lô về quê sinh sống. Tính ra tôi đã gửi lại bảy năm thanh xuân ở đất kinh kỳ.

Tôi trở về nhà. Đón tôi bên chầu rượu là một người đàn ông đã nếm trải đủ dư vị cuộc đời, câu nào cũng bỗ bã, gai góc khiến cái thằng tôi vốn mặt búng ra sữa, lại thêm tính tự đại của một anh chàng mang tiếng trí thức trong lòng không khỏi tự ái. Gã đáp trả cái tự ái vô lý của tôi bằng những tệp tiền polyme mới cứng. Tôi không chơi với gã vì tiền, gã biết điều ấy nhưng cái thiếu nhất trên đời của tôi chính là tiền.

Nhiều lần tủi phận, tôi trào nước mắt, số phận thật là trớ trêu. Tiền không mua được tất cả nhưng tất cả đều có thể mua được bằng tiền. Gã an ủi tôi, cũng như thể gã chửi tôi vậy. Từ sau lần gặp ấy, tôi cố tình tránh mặt, mối quan hệ xưa nhạt dần theo tháng năm, cho tới mãi gần đây sau một biến cố khiến con trai lớn của tôi phải nhập viện. Hàng chục cuộc gọi đi nhưng không có ai hồi đáp về việc sẽ cho tôi vay tiền. Tôi vốn không giỏi tạo mối quan hệ xã hội, chưa vay tiền ai, cũng không dư dả cho ai vay bao giờ. Cùng quẫn, tôi gọi điện cho gã, gã lao ô tô thẳng tới nhà đưa tiền và đưa con tôi đi viện.

Dần dần, tôi và gã quay lại quan hệ bạn bè nhưng vẫn có điều gì đó ngáng trở tôi để có thể coi gã như thằng bạn thân thiết như thuở chúng tôi còn khờ dại. Tôi nhớ con đường đi học hồi ấy chúng tôi đã gọi bằng một cái tên rất sang, rất thơ mộng: "Con đường huyền thoại". Sự thật thì ngày nào đi học chúng tôi cũng phải đạp xe qua con đường đầy ổ trâu, ổ gà, một bên là đồi chè, một bên là đồng cỏ xanh mướt mắt. Đám trẻ chăn trâu thấy bọn tôi quần là áo lượt hai buổi tới trường thì rất ngứa mắt, thường trêu chọc chúng tôi, nhất là mấy bạn nữ. Ngày nào đi qua đoạn đường ấy chúng tôi cũng bị bọn chúng ném phân trâu vào người. Bọn con trai chúng tôi thì chẳng sao, đến trường vào nhà vệ sinh giặt qua quần áo rồi mặc vào, lên lớp bật quạt thật to lên là khô. Chỉ khổ mấy bạn nữ, hôm nào quên mang theo quần áo thì chỉ có nước ngồi khóc. Nhà xa trường, đi về tới nhà thay xong quần áo thì cũng qua buổi học.

Bẵng đi một buổi học không thấy gã sang đón tôi như thường lệ, trên đường đi học chúng tôi gặp đám trẻ chăn trâu nhưng chúng chỉ gườm gườm nhìn chứ không thấy ném vật hôi hám lên người bọn tôi nữa. Đi học về tôi vứt cặp sách chạy ngay sang nhà gã. Cả người gã sưng vù, mặt mũi bầm tím. Tôi gặng hỏi mới biết gã đi đánh nhau với đám trẻ chăn trâu. Một mình gã hạ gục cả đám, bắt chúng hứa không bao giờ được hành xử mất dạy như thế với bọn tôi nữa. Tôi không biết lúc ấy gã đã hân hoan như thế nào với chiến thắng của mình, tôi chỉ cảm thấy thương xót gã vô cùng.

Gã không có cha, chỉ có mẹ, có anh, có chị. Là con út của một hộ cận nghèo, quần áo gã mặc đi học đều là đồ mặc lại của anh trai, thường rộng thùng thình, sứt chỉ hoặc bám đầy nhựa bẩn. Đám con trai xa lánh gã vì gã rất ngỗ nghịch, thường có tên trong danh sách học sinh cá biệt. Đám con gái càng không có thiện cảm với gu ăn mặc tồi tàn của gã. Tôi chơi với gã có lẽ vì một sự đồng cảm nào đó, bởi gia cảnh nhà tôi không khá hơn là mấy.

Chúng tôi bận bịu với cuộc sống riêng, mải lo cơm áo gạo tiền, cùng ở trong một thành phố nhưng chẳng mấy khi thấy mặt nhau. Buổi họp lớp cuối năm, gã đường bệ đánh con xe Camry đen bóng đậu giữa sân nhà hàng. Tôi ngước thấy ánh mắt ghen tị của đám con trai, còn bọn con gái thì trầm trồ ngưỡng mộ. Khi cả bọn đã ngất ngưởng bên mâm rượu thì gã vẫn thản nhiên. Gã bảo tôi, gì chứ rượu chè thì gã bất bại, không thế thì còn làm ăn gì được.

Đến tăng hai, đi hát karaoke, gã bảo tôi món này gã chẳng khoái. Gã rủ tôi ra ngồi ngoài chòi uống cà phê. Ánh mắt gã vô hồn, xa xăm tận đẩu đâu.

- Mày biết trên đời này tao căm nhất điều gì không? Là nghèo. Nó khổ, nó hèn lắm mày ạ. Tao phải tìm mọi cách, tính toán mọi thứ cho ra tiền. Nói tao ngưỡng mộ mày thì không đúng vì mày ngoài bằng cấp thì có cái gì hơn tao đâu. Nhưng tao ngưỡng mộ sự học hành của mày. Mày học xong về vứt bằng cho mọt gặm nó phí công mày, phí của cải gia đình mày đổ cho mày ăn học. Mà thôi, tao chả thèm nói, mỗi người một lựa chọn, như tao cũng vậy.

Gã ngừng lại, rít một hơi thuốc rồi nói tiếp:

- Mày biết tại sao tao lại nghỉ học không. Không, tao chẳng bao giờ hối hận vì việc ấy, tao thừa nhận lúc ấy tao quá nông nổi. Nông nổi vì tức giận, vì cay cú. Mày biết con Kh. hoa khôi khóa mình không? Tao nhờ thằng Mạnh viết thư tán nó. Không ngờ nó hẹn gặp tao. Ngay đằng sau trường học, chỗ cái bể nước bằng xi măng bọn mình hay lấy nước để tưới hoa trong khuôn viên trường ấy. Nó chỉ thẳng mặt tao mà chửi: “Nhà mày nghèo, cái áo không có mà mặc còn đòi tán tao”. Đó là câu nói làm tao thấy nhục nhất. Tao thừa nhận tao nghèo, lại còn nghịch, nhưng tao không ngu. Tao đã cứ tưởng chỉ cần sự chân thành thì trái tim sẽ đến với trái tim mày ạ. Lúc ấy tao nhận ra, chỉ có tiền, thật nhiều tiền thì mới nói được làm được thôi.

Tôi lướt nhanh qua mặt gã, không dám nhìn lâu. Khuôn mặt chai sạn sự đời nhưng trong lòng chất chứa nhiều tâm sự. Gã có tiền nhưng cũng thừa sự cô đơn. Bên cạnh gã người ta nể trọng, người ta cũng đố kị. Thương trường như chiến trường, gã có tiền nhưng cũng luôn phải dè chừng đối thủ. Tôi nhìn gã mà cố hình dung ra hình dáng thằng bạn nối khố năm nào, cái áo trắng rách cả túi, cái quần rộng thùng thình phải lấy dây chun buộc bụng, miệng nở một nụ cười thánh thiện chở tôi trên chiếc xe đạp cà tàng đi qua những buổi chiều xưa cũ...

Truyện ngắn của Đặng Thùy Tiên