Hà Nội 360

Người ươm mầm tình yêu nghệ thuật truyền thống

Bảo Châu {Ngày xuất bản}

Là người làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát luôn muốn tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, độc đáo để thu hút du khách về với địa phương.

Chính vì lẽ đó, việc tạo ra bộ sưu tập đồ sộ tượng điêu khắc sơn mài với 1.010 tượng trâu, 2.022 tượng hổ, 2.023 tượng mèo... chưa làm anh thỏa “cơn khát” sáng tạo.

Trong dịp hè này, anh đã mở lớp in tranh khắc gỗ miễn phí cho du khách và các em nhỏ đến tham quan, trải nghiệm, từ đó góp phần ươm mầm tình yêu với nghệ thuật truyền thống ở đất “hai vua”.

vh1.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bên các tác phẩm của mình.

Đưa truyền thống tiếp cận thế hệ trẻ

Chúng tôi về làng cổ Đường Lâm trong một buổi sáng chủ nhật lất phất mưa bay. Trong không gian khoảng 200 mét vuông (gồm cả nhà và xưởng), khoảng 50 học viên đang miệt mài bên những sản phẩm tranh khắc gỗ. Nhìn những gương mặt trẻ đang say sưa với công đoạn tô, vẽ các sản phẩm mới thấy được sức hấp dẫn của nghệ thuật truyền thống với thế hệ trẻ vẫn còn rất lớn.

Lặng lẽ quan sát con gái tập vẽ, chị Nguyễn Nhật Hà (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho biết: “Tôi thấy lớp học này thực sự hấp dẫn, nhất là trong giai đoạn các em học sinh đang nghỉ hè. Các hoạt động nghệ thuật giúp trẻ thể hiện ý tưởng, tư duy và cảm xúc của mình một cách sáng tạo. Hơn nữa, lớp học đặt tại làng cổ Đường Lâm - một trong những “địa chỉ đỏ” về văn hóa, lịch sử nên càng có ý nghĩa hơn”.

Thực ra không phải gần đây lớp học miễn phí mới được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát mở ra, mà cả chục năm nay, anh đã mở lớp sơn mài miễn phí. Tuy nhiên, không dễ để học được nghệ thuật sơn mài vốn đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, nên sức hút với du khách và các em nhỏ chưa cao. Bởi vậy, mùa hè năm nay, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã quyết định mở lớp in tranh khắc gỗ để mở rộng đối tượng có thể đến đây trải nghiệm.

Chia sẻ về lớp học in tranh khắc gỗ miễn phí, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết, sau đại dịch Covid-19, anh rất muốn thực hiện một ý tưởng nào đó để thu hút khách du lịch về với Đường Lâm. Vì thế, mùa hè năm nay, anh quyết định mở lớp với mong muốn tạo ra một lớp học mang tính trải nghiệm để các em nhỏ và du khách có thể vừa chơi, vừa học.

“Từ đầu hè đến nay, có khoảng 2.000 người đã đến học tại lớp học này, trong đó chủ yếu là trẻ em ở khu vực nội thành Hà Nội. Thực ra, tôi không muốn gọi là lớp học miễn phí mà là lớp học yêu thương, khi tôi đang trao đi yêu thương cũng là lúc tôi nhận lại yêu thương từ các học viên của mình” - họa sĩ Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.

vh2.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chụp ảnh giao lưu cùng với các học viên tại lớp in tranh khắc gỗ miễn phí của anh.

Bên cạnh đó, lấy thông điệp mang văn hóa truyền thống đến gần hơn với mọi người làm mục tiêu hoạt động nên bất cứ ai đến với lớp học ngoài việc được trải nghiệm miễn phí còn được mang sản phẩm về nhà.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ: “Đến với lớp học, các học viên sẽ được trải nghiệm nghệ thuật để khơi dậy tình yêu với làng cổ Đường Lâm. Đó cũng là cách đưa mỹ thuật sáng tạo đến gần hơn với cộng đồng, trao lại cho các thế hệ sau ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật truyền thống. Tôi là một nghệ nhân của làng nên việc mở lớp học miễn phí với tôi là đang được nhiều hơn mất. Thứ tôi nhận lại đáng quý hơn, đó là tình cảm, là sự ủng hộ của mọi người”.

Dự định trong thời gian tới, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sẽ mở cơ sở 2 ở sân đình làng Mông Phụ để có không gian rộng rãi hơn cho các hoạt động du lịch trải nghiệm.

“Bản thân là Chủ nhiệm Câu lạc bộ mỹ thuật Sơn Tây, tôi muốn không gian này sẽ trưng bày các tác phẩm của các họa sĩ Sơn Tây, bởi thực tế hiện nay nhiều họa sĩ Sơn Tây không có điều kiện quảng bá tác phẩm của mình. Hơn nữa, tôi muốn kết nối để mang đến làng cổ Đường Lâm những sản phẩm của các làng nghề khác trên địa bàn Hà Nội, tạo điểm giao lưu, gặp gỡ giữa các nghệ nhân, người làm nghề và du khách”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát nhấn mạnh.

vh3.jpg
vh4.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chụp ảnh giao lưu cùng với các học viên tại lớp in tranh khắc gỗ miễn phí của anh.

“Phù thủy sơn mài”

Sinh ra và lớn lên tại làng cổ Đường Lâm, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát có nhiều lợi thế khi đến với nghệ thuật. Bởi thế, 20 năm trước, sau khi tốt nghiệp khoa Sơn mài, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, anh đã trở về Đường Lâm.

Nhiều năm qua, anh đã dành thời gian sáng tạo theo chủ đề 12 con giáp. Dịp Xuân Quý Mão năm 2023 vừa qua, anh đã cho ra mắt bộ sưu tập sản phẩm 2023 tượng mèo đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ, có sự nâng cấp về chất liệu. Đặc biệt là bộ ghế mèo “Bữa tiệc ngày xuân” mang đậm phong cách tranh Đông Hồ, gồm 7 ghế và 1 bàn cá, được trưng bày giữa khoảng sân rộng, thể hiện mong muốn về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người Việt trong dịp Tết đến, xuân về.

Không gò bó trong bất cứ khuôn mẫu nào, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát mày mò sáng tạo để có những sản phẩm vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại, mục đích cuối cùng là đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Không chỉ điêu khắc sơn mài mèo trên gỗ mít và tre như thông thường, anh còn kết hợp với chất liệu đá ong nổi tiếng ở đất Đường Lâm để mang đến nét độc đáo, thú vị...

Ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội đánh giá, anh đã không những làm tốt công tác gìn giữ nghề sơn mài truyền thống mà còn góp công trong việc thu hút du khách đến với Đường Lâm.

"Nguyễn Tấn Phát là một họa sĩ được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản nên cách tạo hình trong các tác phẩm của anh rất đẹp, rất có hồn. Riêng trong lĩnh vực sơn mài truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã giữ được cách làm sơn mài theo lối cổ mà hiện nay ít có nghệ nhân làm được. Nguyễn Tấn Phát là một nghệ nhân giỏi, có trách nhiệm với nghề, luôn sẵn sàng truyền nghề, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ thông qua các lớp học miễn phí. Hy vọng, từ các lớp đặc biệt này, các em nhỏ sẽ ứng dụng được những kỹ năng, phong cách làm nghề của anh để giữ nghề trong tương lai” - bà Hà Thị Vinh nhận xét.

Nhiều người đặt cho Nguyễn Tấn Phát biệt danh “Phù thủy sơn mài” bởi anh luôn là người phá vỡ sự nhàm chán, rập khuôn để hướng đến những sản phẩm độc đáo, đặc sắc mang tâm hồn của người Việt trong thời đại mới.

Bảo Châu