Hà Nội 360

“Thủ phủ” của đồ gỗ nội thất xưa...

Nguyễn Mai 24/08/2023 06:58

Canh Nậu được biết đến là một trong những làng nghề mộc truyền thống lâu đời của huyện Thạch Thất, Hà Nội. Với đôi tay tài hoa, khéo léo, người thợ nơi đây đã sản xuất đa dạng các sản phẩm: Tủ bếp, tủ quần áo, giường, cửa, cầu thang...

Đặc biệt, trải qua hàng trăm năm, người Canh Nậu vẫn giữ được nghề truyền thống, đó là đóng đồ gỗ theo lối cổ, như: Sập gụ, tủ chè, trường kỷ, tủ thờ…

do-go.jpg
Giới thiệu sản phẩm điêu khắc gỗ của làng nghề Canh Nậu (huyện Thạch Thất).

Trong rất nhiều làng nghề sản xuất đồ mộc ở Hà Nội, có lẽ Canh Nậu là một trong rất ít làng còn duy trì đóng đồ gỗ nội thất truyền thống. Ông Đỗ Hữu Long, 55 tuổi, nhưng có thâm niên hơn 40 năm làm nghề mộc ở Canh Nậu cho biết, gia đình ông chuyên đóng các sản phẩm: Sập gụ, tủ chè, trường kỷ... Ông Long theo nghề mộc từ năm 14 tuổi. Nhờ nghề này mà ông đã tậu được đất, làm được nhà, nuôi dạy con cái thành đạt.

Cũng chuyên làm các sản phẩm đồ gỗ theo lối cổ, anh Nguyễn Trung Thắng, ở thôn 3, xã Canh Nậu cho hay: Sập gụ, tủ chè, trường kỷ là những món nội thất rất quen thuộc của người Việt Nam xưa. Tuy vậy, đây là hàng có giá trị rất cao, nên thời xưa chỉ có các gia đình giàu có mới sở hữu được.

Theo anh Thắng, ngày nay, kinh tế khấm khá, nhiều gia đình có điều kiện, thích quay về với các sản phẩm nội thất truyền thống, nên làng nghề Canh Nậu vẫn duy trì và phát triển. Sập gụ, tủ chè thường được đóng bằng các loại gỗ cẩm, trắc, gụ, mun, có chất lượng rất tốt, độ bền cao; kỹ thuật đóng cầu kỳ. Ngoài phần mộc, một chiếc tủ hay sập thường kết hợp với các chi tiết khảm trai, ốc…, nên cần rất nhiều công thợ. Chính vì vậy, giá dao động của 1 tủ chè thường từ 100 đến 300 triệu đồng, tùy theo chất liệu gỗ và độ tinh xảo của tủ.

Còn theo anh Nguyễn Lương Biên, ở xã Canh Nậu, bên cạnh các sản phẩm sập gụ, tủ chè truyền thống, anh còn thực hiện một số tác phẩm điêu khắc gỗ. Mới đây, anh đã điêu khắc cành phật thủ 9 quả, có thêm cả hoa, lá và nụ, rất độc đáo. Tác phẩm được giới thiệu tại Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2023 do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức tại huyện Thạch Thất.

Hiện tại, xã Canh Nậu có hơn 1.700 hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ. Các sản phẩm chủ yếu là mộc dân dụng, mỹ nghệ, đồ thờ, đồ gỗ chất lượng cao… từ nguồn nguyên liệu gỗ tự nhiên, nhập của các nước: Lào, Nam Phi. Nhiều xưởng mộc lớn mang lại việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/ tháng; thậm chí thợ tay nghề giỏi có thu nhập tới 20 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, làng nghề vẫn còn một số khó khăn. Năm 2011, xã được triển khai dự án điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên diện tích 10,7ha, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu mặt bằng cho các hộ dân. Điểm sản xuất chật chội ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư và không thuận tiện cho giao thông phục vụ sản xuất, vận chuyển, bốc dỡ vật liệu, hàng hóa...

Theo Phó Chủ tịch Hội Làng nghề Canh Nậu Đỗ Hữu Long, Hội thường xuyên sinh hoạt để các hội viên hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn. “Chúng tôi san sẻ nhau mỗi khi ai đó nhận được nhiều đơn hàng. Các nghệ nhân, thợ giỏi uốn nắn, truyền kinh nghiệm cho thế hệ trẻ để nâng cao tay nghề, gìn giữ vốn quý cha ông để lại”, ông Đỗ Hữu Long chia sẻ...

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, để hỗ trợ các làng nghề, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Mới đây, Sở đã tổ chức Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2023 tại huyện Thạch Thất với mong muốn giúp các hộ sản xuất nói chung và làng nghề nói riêng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm…

Nguyễn Mai