Xưa và nay

Chùa Một Mái và Nhà lưu niệm Bác Hồ

Quỳnh Ngọc {Ngày xuất bản}

Chùa Một Mái, hay “Bối Am tự”, nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội).

mot-mai.jpg

Chùa được khởi dựng vào cuối thế kỷ XIX, mang phong cách kiến trúc đặc trưng thời Nguyễn theo kiểu chữ “tam” với các công trình gồm: Tam quan và gác chuông kiểu 8 mái; nhà Tổ - nhà Mẫu; chùa chính gồm tiền đường, thượng điện. Tòa tiền đường gồm 3 gian chạy dọc phía ngoài với 4 bộ vì kèo 4 hàng chân. Thượng điện chỉ có một mái tựa vào vách núi kiểu chồng diêm, phía sau là vách núi nên dân gian thường gọi là chùa Một Mái. Hệ thống tượng Phật của chùa được đặt trực tiếp ở các bệ trên sườn núi, tạo nên cảnh sắc thanh tịnh.

Chùa Một Mái có giá trị về tín ngưỡng, tâm linh và là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lưu lại để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong khuôn viên di tích hiện còn “hang Bác Hồ” - gian buồng Bác từng nghỉ, được xây bằng đá. Ngoài ra, Bác cũng nghỉ ngơi, làm việc tại buồng trong của ngôi nhà Tổ dưới chân chùa.

Trong thời gian từ ngày 3-2-1947 đến đầu tháng 3-1947, chùa Một Mái là nơi Bác trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhiều quyết sách, sắc lệnh, chỉ thị quan trọng đã được Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng và Chính phủ bàn bạc, quyết định tại đây. Chiều tối ngày 3-3-1947, Bác rời Quốc Oai lên Việt Bắc, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến. Sau khi kháng chiến giành thắng lợi, tháng 10-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương trở về Thủ đô. Người còn đến thăm nhân dân xã Sài Sơn và chùa Một Mái hai lần nữa vào ngày 19-5-1957 và ngày 19-5-1959.

Từ năm 1984, chính quyền và nhân dân xã Sài Sơn đã đầu tư, tu bổ khu nhà Tổ của chùa Một Mái trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Trong nhà lưu niệm hiện còn lưu giữ những hiện vật, hình ảnh, tư liệu gốc có giá trị về Bác như 1 chiếc bàn gỗ, 1 chiếc máy chữ cũ và 1 chiếc đèn dầu hỏa để Bác làm việc, 1 chiếc giường gỗ kê sát tường - nơi Bác nằm, tấm áo của Bác, hình ảnh Bác về thăm chùa Một Mái năm 1959 cùng một số bút tích của Người.

Với những giá trị quý báu về văn hóa, lịch sử, chùa Một Mái và quần thể di tích chùa Thầy đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2015. Tháng 4-2023, nơi đây tiếp tục được công nhận là Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt của thành phố.

Quỳnh Ngọc