Phát triển nghề sơn mài Hạ Thái
Làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái) là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của huyện Thường Tín. Những năm qua, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất ở làng nghề đã đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được xếp hạng 3 sao, 4 sao.
Điển hình là 2 sản phẩm: Hộp sơn mài khảm trai và hộp sơn mài gắn sừng của Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng OCOP 4 sao.
Gian trưng bày của Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy tại làng nghề Hạ Thái khá đa dạng các mẫu sản phẩm. Giám đốc công ty Đỗ Hùng Chiêu chia sẻ, năm 1996, ông bắt đầu xây dựng xưởng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chính là tranh sơn mài, phục vụ khách hàng trong nước. Khi ấy, tranh được làm chủ yếu trên chất liệu gỗ dán Cầu Đuống.
Để phát triển và mở rộng thị trường, năm 2011, Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy được thành lập, sản xuất thêm các mặt hàng: Khay, hộp, bát, đĩa, bình hoa... với các chất liệu khác như gỗ MDF, gỗ dán Đài Loan (Trung Quốc). Sản phẩm sơn mài cũng mở rộng trên nhiều chất liệu tre, giấy ép, gốm sứ; vỏ trứng, vỏ trai; sừng trâu; bạc, vàng…
Theo ông Đỗ Hùng Chiêu, để có một sản phẩm sơn mài hoàn hảo phải trải qua 15 công đoạn khác nhau; với nguyên liệu là sơn tự nhiên, sơn hạt điều, đất phù sa sông Hồng, bột đá, mùn cưa. Riêng khâu làm vóc phải trải qua 9 lần sơn, mỗi lần sơn là một lần mài nhẵn.
Liên tục như vậy, vừa sơn, vừa mài, 9 lượt mới hoàn thành một sản phẩm. Sau phần cốt vóc, đến phần trang trí mỹ thuật, phải tùy từng đề tài để trang trí, sử dụng vỏ trứng, vỏ trai, vỏ ốc; sừng trâu, hay bạc, vàng… Khi vẽ trang trí xong, được phủ sơn bóng 2 lần và tiếp tục đánh bóng sản phẩm cho đến khi đạt chuẩn, lúc đó mới có một sản phẩm sơn mài hoàn chỉnh.
Với những sáng tạo trong làm nghề, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, sản phẩm của Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy từng bước chinh phục được thị trường trong nước. Đặc biệt, năm 2015, tại hội chợ Hà Nội Gift Show, công ty đã kết nối được với một doanh nghiệp Hoa Kỳ và ký kết xuất khẩu với 2 dòng sản phẩm chính: Hộp sơn mài gắn sừng và hộp sơn mài khảm trai.
“Để xuất khẩu được sang thị trường Hoa Kỳ, sản phẩm phải được làm từ nguyên liệu có trong tự nhiên. Dù tiêu chuẩn khắt khe, song đến nay, hàng nghìn sản phẩm đã được xuất sang thị trường này và được người tiêu dùng Hoa Kỳ ưa chuộng. Không riêng thị trường Hoa Kỳ, hiện công ty chúng tôi còn có hàng trăm mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Australia, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Hàn Quốc", ông Đỗ Hùng Chiêu nói thêm.
Cũng theo ông Đỗ Hùng Chiêu, sản phẩm được xếp hạng 4 sao OCOP là nguồn lực để công ty mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Trung bình mỗi năm doanh thu của công ty đạt gần 5 tỷ đồng; công nhân của công ty cũng có mức thu nhập ổn định, bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng/người. Trong những tháng cuối năm, các đơn hàng sẽ tăng khoảng 60% so với các tháng trong năm, do nhu cầu dịp lễ, Tết tăng, nên công ty yên tâm sản xuất, không phải lo khâu tiêu thụ.
Đánh giá về các sản phẩm sơn mài của Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy nói riêng và các sản phẩm làng nghề Hạ Thái nói chung, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Thái Đỗ Văn Hùng cho biết, từ một làng nghề truyền thống, các hộ sản xuất, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới, bắt kịp xu thế thị trường, tạo ra những sản phẩm làng nghề có giá trị, từng bước chinh phục được các thị trường quốc tế "khó tính". Để phát huy nguồn lực làng nghề, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp, hộ sản xuất đã tham gia đánh giá, phân hạng tại Chương trình OCOP. Trong đó, Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy có 2 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và đang nâng cấp lên 5 sao.
Có thể thấy sự chuyển động rõ nét của làng nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái thông qua sự lớn mạnh của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn xã Duyên Thái. Với bước đệm từ làng nghề truyền thống, có nhiều sản phẩm được xếp hạng 3 sao, 4 sao OCOP, đồng thời được UBND thành phố công nhận là điểm du lịch làng nghề của Thủ đô, Hạ Thái đang từng bước phát huy các nguồn lực của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.