Hội vây
Đi khỏi sa(1) ông Nhuế một đoạn ngắn thì dẫn đến lối nhỏ men thẳng vào bìa rừng, nơi dãy dương bà Bướm án ngữ hướng đông bắc của làng. Nắng cuối hạ bỏng rát, mới sáng sớm mà tuyệt nhiên không còn một giọt sương nào còn sót lại. Sương ắt đã tan nhanh khi mặt trời vừa mọc. Nhân nghĩ, mùa này, chỉ có loài lan huệ là hãy còn chịu được.
Hai bên lối nhỏ hoa nở rộ một màu cam đỏ yêu kiều, nhẫn nại và kiêu hãnh. Nhân bước đi không vội, anh mãi nghĩ không biết do đâu mà quê hương anh lại có một loài hoa thật đẹp, ngay cả những ngày hè khô ran và nứt nẻ, lan huệ vẫn âm thầm rực rỡ. Sau lưng anh là tiếng nước chảy từ dòng sông Đá Giăng, anh thấy mình như lạc vào thiên thai trong âm vọng hun hút của cánh rừng già trước mặt lẫn trong tiếng chim cu gù nhau buổi sáng. Bỗng trước mắt anh bày ra một cảnh tượng gây sững sờ. Đám lan huệ ven đường bị vầy nát trong máu me vương vãi. Nhân lạnh người khi nghĩ rằng ngài đã về.
Mấy hôm nay, cái tin ngài về làng rộ khắp nơi. Đây không phải lần đầu ngài xuống núi, nhưng chưa mục sở thị dấu vết nên Nhân vẫn chưa muốn tin. Anh nghĩ có thể do tiếng của ngài vang xa hơn, chứ áp sát bìa rừng thì xưa nay ngài chưa từng lộ diện. Năm trước nữa, dân làng đồn đoán ngài xuống sa ông Nhuế uống nước, vì hôm sau, cả đoạn sa rách nát như không chịu nổi sức nặng của ngài. Không biết cá trên sa bị ngài ăn sạch hay theo chỗ thủng chui hết xuống vực Ao, chỉ biết cái sa trống trơn, rách bươm.
Năm nay nắng hạn dữ quá nên trên rừng khô kiệt hơn, có khi ngài khan nước uống thành thử phải tìm về sớm hơn thường lệ. Mọi bận thường cuối hạ đầu thu, ngài về mươi hôm quanh quất vài đám nương rẫy rồi chuyển sang núi khác kiếm ăn. Những ngày xuống núi như thế, dù ngài không động tới một con heo, con chó trong làng thì tiếng gầm của ngài vọng lại cũng đủ khiến cả làng kinh sợ.
Gây náo động như lần này, Nhân thấy có gì không yên. Ngài tuy mang danh chúa sơn lâm nhưng trong rừng con nai con hoẵng con chồn con cheo cũng đủ làm mồi, chứ ngài đâu có cừu thù gì với xóm nhỏ trong thung lũng xứ Lộc Yên. Anh nghĩ, hay có thể mình đã sai, dân cả làng tuy không kinh động tới ngài nhưng mươi mùa xuân gần đây, hội săn bắt có vẻ riết róng quá, ngay cả loài trăn mọi mùa hè đến đều xuống giếng nước choái(2) sau nhà ông Tưu nằm tư lự mà gần đây cũng không thấy nữa. Nhân chợt thèm hình ảnh những trưa hè không xa đó đến nao lòng. Cả đám trẻ lít nhít trong làng bất chấp giữa ngọ nắng chang chang chui vào vườn ông Tưu, bò lên choái sau rậm rạp chỉ để xem con trăn cuộn tròn im lìm bên giếng đá. Thật kỳ lạ, Nhân nhớ như in cái giếng sâu chưa tới hai mét nằm trong hốc đá mát rượi, nước đầy quanh năm bất chấp nắng mưa. Trăn không về đã mấy mùa, anh vô tâm không để ý tới, anh còn vướng bận với chuyện xóm giềng, gánh vác họ mạc.
Mấy hôm nay, tiếng gõ mâm thau, nồi đồng, tiếng đập vào nong nia khiến lòng anh bứt rứt không yên. Một nỗi bất an xâm chiếm thôn nhỏ Lộc Yên. Bây giờ, trước mắt anh, vùng lan huệ nhàu nát những vệt máu mới khô càng khiến anh lo lắng. Một nỗi thương cảm dấy lên trong lòng khi sáng nay, ngoại gọi anh qua nhà nói con chó lớn đã bị cọp rình bắt mất. Không biết con cọp này nhảy kiểu gì mà cái sân rộng nó chỉ để lại hai dấu chân ở cuối sân và không nghe tiếng chó ẳng. Nhân an ủi ngoại, chắc là con chó chạy lạc nhà nào chứ nếu thật là dấu chân cọp nhảy thì đã phải kinh động cả làng rồi. Nhân nói cứng vậy nhưng giờ đứng đây, anh có cảm tưởng như đang phơi ra trước mắt cảnh chúa tể sơn lâm nuốt tươi con chó của ngoại...
***
Tin lập hội vây cọp lan nhanh hơn gió thổi. Sau khi dò la được chắc chắn Hang Dơi là nơi cọp lui về thường xuyên, không khí náo nhiệt lan ra khỏi Lộc Yên thôn. Dân làng trừ người già yếu, ốm đau, không ai bảo ai, tùy sức mình mà chuẩn bị. Trai tráng khỏe mạnh tự động đến các chủ thợ săn để gánh lưới, mài giáo mác. Số khác lo sắm mỗi người một tấm gai. Làng sẵn tre đốn lấy nhánh, sắp chéo theo hình mắt cáo, nẹp lại rồi cột bằng loại dây mây chắc chắn nhất. Tấm gai này có chiều ngang tầm một mét, chiều cao hơn đầu người, còn được gọi là tấm khịa. Khịa phải làm nhiều vì giăng nhiều lớp. Đàn ông con giai lo việc khí giới. Đàn bà con gái thường ngày chăm chỉ tằm tang nay thêm việc xay lúa, giã gạo, nấu cơm, kéo mo cau phơi sương làm cơm nắm. Cơm vây hội cũng chẳng khác ngày thường là mấy, chủ yếu là mắm thơm, muối mè nhưng được nấu trong những nồi gang to đùng quanh năm nằm im trên giàn bếp.
Ngày đầu tiên vây hội, Nhân dẫn đầu đám trai tráng trong thôn nhằm thẳng hướng Hang Dơi, áng chừng còn cách một khoảng hợp lý thì bắt đầu phát đường băng theo hình vòng cung khép kín, giăng lưới lớp ngoài, tấm khịa lớp trong. Cánh rừng càng náo nhiệt tiếng người, chúa tể sơn lâm càng im tiếng. Vốn đa nghi, ngài lui mình sâu thêm vào nơi trú ngụ.
Tối hôm đó, làng cũng đóng chặt cửa nhưng không nghe hôm sau có con heo, con chó nào bị bắt đi.
Sang ngày thứ ba thì khịa đã đan kín cả một vùng. Người làng Lộc Yên, người thôn Xóm Bàu, người vùng Thạnh Bình hăng hái lắm. Tiếng trống, tiếng mõ vang lên liên hồi. Không khí náo nhiệt đến mức phu nhân ông Thông, ông Phán, quan huyện bà cũng tò mò đến xem. Phu nhân đi rừng mà áo quần lượt là, môi son má thắm khiến cho các chàng trai đương độ sung sức tham gia vây hội cũng muốn chòng ghẹo. Cứ hai người căng một sợi dây rừng giữa lối đi chờ các bà tiến tới, lập tức kéo cao sợi dây chằng lại. Phu nhân suýt ngã tức lắm, giẫm chân inh ỏi khóc nhưng rồi tiếng của các bà chìm lấp giữa âm thanh náo loạn giữa núi rừng.
***
Âm thanh huyên náo ngày một giảm dần, đến ngày thứ chín thì người ra chỉ còn nghe tiếng trống, tiếng mõ khua lên từng đợt. Con cọp này tinh khôn quá. Thòng lọng dây rừng treo khắp mà ngài chạy ra chạy vào vẫn tránh được. Giáo mác sắc nhọn chờ sẵn nhưng vẫn chưa có cơ hội cho những tay săn thiện nghệ.
Ngài chắc đói lắm, Nhân nghĩ. Hang Dơi là nơi Nhân đã vài lần đến đó, nó không thích hợp làm chỗ ẩn mình dài ngày vì ngoài lối độc đạo dẫn vào, mùi phân dơi khét lẹt khiến không con vật nào ưa bén mảng. Nhân còn biết, sau lưng Hang Dơi là lối lên Bằng Mây, qua dương Chức là nơi mọi năm ngài vẫn thường trú ngụ. Lối đi ấy làng đã vây kín bằng những tấm khịa và lưới vây. Hội vây đan kín và thu hẹp từng ngày, sức người bắt đầu cạn nhưng sức ngài thì chưa thể hình dung. Đói quá, ngài có thể càng trở nên nguy hiểm.
Buổi chiều hôm ấy, Nhân là người đầu tiên được tin sáng mai quan huyện sẽ cho lính tập mang súng lên bắn hạ. Hội vây còn lại hơn mươi thanh niên, đa phần là những tay săn chắc khỏe, sáng mai sẽ lên sớm để hỗ trợ lính tập vào tận hang ổ, phòng khi ngài vẫn còn sung sức.
“Bắn hạ”, Nhân thoáng rùng mình. Vây hội cũng là để bắt ngài, bắn hạ là tận diệt ngài. Nhưng cái khí thế vây hội hừng hực bỗng chốc tiêu tan khi Nhân tưởng tượng ra cảnh ngài bị hạ gục, máu me be bét. Trong Hang Dơi, ngài hẳn đang rất đói.
Từ dương bà Bướm nhìn xuống làng, Nhân thấy mấy lượn khói bốc lên trong buổi chiều tà. Chắc hẳn vài nhà đương nhen lửa nấu bữa tối. Tiếng trống, tiếng mõ cũng đã ngưng. Trong im lặng bất chợt của núi rừng, Nhân như nghe tiếng thở dài vọng đến từ quá khứ xa xôi. Anh giật mình, lẽ nào đó là tiếng thở dài trong ngày tận của chúa sơm lâm. “Bắn hạ, trời ơi!”, Nhân kêu khẽ, cảm thấy rợn người. Anh ước gì ngài vẫn tung hoành nơi rừng già nghiêm cẩn, anh ước gì ngài đừng vì nước cạn rừng khô mà quấy nhiễu dân làng.
***
Nắng sớm mùa hạ vẫn chan chát bìa rừng. Lính tập một toán, theo sau là những thanh niên còn sung sức nhất làng, tay súng, tay giáo mác quyết chí tiến vào Hang Dơi...
Hội vây đã tan.
Kỳ lạ thay, sáng hôm ấy, đám lính tập và những tay săn thiện xạ chưng hửng sau loạt súng bốn bề xả vào hang đá khét lẹt. Lối sau Hang Dơi, những tấm khịa và lưới vây đã được ai đó tháo ra, xung quanh còn in rõ dấu chân ngài.
----------
(1) Sa (tiếng địa phương Quảng Nam): Dụng cụ ngăn sông, suối bằng vật liệu gỗ hoặc tre để đánh bắt cá, giống như đơm, đó nhưng to, rộng hơn.
(2) Choái: Quả đồi có trồng cây lâu năm.