Xưa và nay

Đình Hòe Thị

Quỳnh Ngọc {Ngày xuất bản}

Được dựng vào khoảng thế kỷ XVII, đình Hòe Thị là nơi phụng thờ vị Thành hoàng làng là danh tướng Phan Ông Tây Nhạc - người có công giúp Hùng Duệ vương dẹp giặc, bảo vệ đất nước và phu nhân Hoa Dung.

dinh-lang.jpg

Ban đầu, đình được dựng trên đất xóm Gáo nằm ven con đường đến bến đò Cổ Sở trên sông Đáy (tức bến Giá, nay thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức). Năm 1831, đình được di chuyển ra vị trí hiện nay là khu vực ngã ba phố Phương Canh - Hòe Thị (thuộc phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Đình Hòe Thị tọa lạc trên một thế đất cao ráo và rộng rãi, nhìn về hướng nam, xung quanh khuôn viên là nhiều cây cổ thụ lớn. Ngoài cùng là tam quan ngoại được xây kiểu nếp nhà 3 gian có cửa gỗ, đầu hồi bít đốc với hai trụ biểu nhô ra. Tiếp đó là một ao bán nguyệt có gò đất nhỏ nổi ở giữa rồi đến nghi môn gồm 2 trụ biểu. Kế đến là sân đình, hai bên là nhà tả, hữu mạc, tương truyền là nơi xưa kia quân lính nghỉ ngơi. Bên tả có một miếu thờ thần Hổ cũng là lối kiến trúc ít gặp ở các ngôi đình khác. Sau nhiều lần trùng tu, kiến trúc hiện tại của đình Hòe Thị mang dấu ấn phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, khá độc đáo với lối kiến trúc kiểu “tiền Nhất, hậu Đinh”, tức là tiền tế xây kiểu chữ “Nhất”, hậu cung xây kiểu chữ “Đinh” kết nối với nhau thành hình chuôi vồ.

Trong đình Hòe Thị hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như 31 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến, sắc có niên đại sớm nhất ghi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710), muộn nhất là 6 đạo sắc đời vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định (1889 - 1924); 1 bức hoành phi lớn tại tiền tế đề bốn chữ “Hộ quốc tý dân”, do quan Tiết chế Bắc kỳ Hoàng Kế Viêm đề tặng dân làng năm Tự Đức (Giáp Tuất, 1874). Ngoài ra còn có nhiều di vật có giá trị về lịch sử và mỹ thuật như hương án, khám thờ khắc gỗ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII hay các bức cốn chạm khắc rồng, mây...

Hằng năm, từ ngày 10 đến 13 tháng Hai, hội làng Hòe Thị được tổ chức với nhiều nghi lễ đặc sắc như lễ rước kiệu Bà từ đình Thị Cấm về đình Hòe Thị và ngược lại, theo sau kiệu là các “đĩ bồng” là những chàng trai giả gái đeo trống cơm nhỏ trước ngực và lả lướt múa. Không thể thiếu trong lễ hội là phần thi đấu cờ người đặc sắc.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, năm 1990, đình Hòe Thị đã được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Quỳnh Ngọc