Từ chợ phiên truyền thống đến chợ đêm Đồng Xuân đương đại
Văn hóa nông nghiệp Việt Nam từ xa xưa truyền lại một nét đặc sắc không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng: Chợ phiên. Những phiên chợ ấy đã đi vào ca dao: “Chợ Bưởi một tháng sáu phiên/ Rủ nhau đi chợ nên duyên đèo bòng/ Ngày tư, ngày chín em mong/ Buồng cau, con lợn bận lòng anh lo...”. Ấy là câu ca dao về chợ Bưởi, một trong những chợ phiên lâu đời nhất của đất Thăng Long xưa.
Tiếp nối truyền thống
Chợ phiên gắn liền với chu kỳ canh tác nông nghiệp của nền văn minh lúa nước, tạo nên những vòng lặp khép kín, đều đặn và tương ứng với nông lịch. Chợ phiên họp không chỉ để bán mua, giao thương kinh tế, mà còn để người dân giao tiếp, gặp gỡ, giao lưu văn hóa. Khi đi chợ, các bà các chị hỏi han, trò chuyện, tâm sự cùng nhau. Dù là mua hay bán cũng luôn có dăm ba câu chuyện làm quà như món ăn tinh thần cho cả người mua và người bán. Đi chợ phiên không nhất thiết vì cần mua hay cần bán, mà giống như một chuyến đi chơi, đi giao lưu kết bạn. Vì vậy, chợ phiên là nơi hiển thị đầy đủ và sâu sắc đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội của cư dân trong khu vực.
Hà Nội vốn là đất Kẻ Chợ với vô số các chợ phiên, mỗi làng mỗi trại ấp đều có chợ họp theo các kỳ phiên trong tháng. Ngày nay, chỉ còn lại hai chợ còn giữ được lệ họp chợ theo phiên, đó là chợ Bưởi và chợ Mơ. Và khi các phiên chợ thời vụ nông nghiệp dần biến mất thì chợ đêm Đồng Xuân họp vào ba đêm cuối tuần, ra đời năm 2003. Chợ mang chút lề xưa thói cũ nhưng vô cùng mới mẻ và hiện đại.
Hình thành trên tuyến phố buôn bán sầm uất bậc nhất Hà Nội, kết nối với chợ Đồng Xuân - chợ trung tâm đầu mối hàng hóa lâu đời và lớn nhất Hà Nội, chợ đêm Đồng Xuân có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa ở Thủ đô. Mức độ phổ biến và tính biểu tượng của trục không gian này bản thân nó đã mang lại ấn tượng và sự hấp dẫn, thu hút người dân cũng như du khách.
Không gian chợ đêm Đồng Xuân là nơi hợp lưu các khía cạnh xã hội, văn hóa, kinh tế và không gian mua sắm. Chợ hình thành trên một tuyến phố kéo dài trên trục di sản: Hàng Ngang - Hàng Đào - Hàng Đường - Đồng Xuân, từ một quảng trường nhỏ trước khu chợ nổi tiếng bậc nhất của Hà Nội, với mặt tiền vẫn lưu giữ lại hình dáng kiến trúc lịch sử. Mỗi một nút giao nhau trên hành trình xuyên tuyến lại đem đến những trải nghiệm văn hóa, xã hội khác nhau. Sự đa dạng của hoạt động trên nền tảng khu phố di sản đã làm nên sự thú vị khó cưỡng. Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục mang dáng dấp kiểu phương Tây, vừa là điểm kết thúc của khu phố cổ, vừa như mở ra một không gian công cộng hết sức đặc biệt - hồ Gươm. Chuỗi không gian di sản đô thị tiếp nối nhau với các kiến trúc qua các thời kỳ lịch sử chính là nền tảng cho thành công của chợ đêm Đồng Xuân.
Không giống như những khu trung tâm thương mại hào nhoáng, đắt đỏ dường như chỉ dành cho một số tầng lớp dân cư nhất định, chợ đêm chào đón bất cứ ai. Từ người bán rong, sinh viên, khách du lịch tới người dân địa phương. Chợ đêm đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành Du lịch. Việc hòa mình vào dòng người đông đúc tham gia chợ đêm Đồng Xuân giống như hòa vào dòng chảy cuộc sống sôi động vốn được trao truyền, tiếp nối từ đất Kẻ Chợ xưa.
Vẫn còn đây nét văn hóa Hà thành
Cũng giống như các bà, các chị năm xưa đi chợ phiên, mục đích của một chuyến đi dạo quanh chợ đêm không chỉ để mua một vài món đồ, mà còn là giao tiếp, trò chuyện, làm quen. Sau một tuần làm việc ở công sở và những công việc không tên trong gia đình, việc bước đi giữa các gian hàng đầy màu sắc cho khách bộ hành cơ hội tương tác với nhau, với người bán hàng trong một không gian đa sắc đầy sống động. Trong không gian đó, mọi giác quan của con người đều được đánh thức, kích hoạt. Những món đồ vô tình nhìn thấy trên quầy hàng, được lựa chọn mua đã mang đến một trải nghiệm giao tiếp xã hội ngoài phạm vi đời sống hằng ngày lặp đi lặp lại, tạo nên sự hưng phấn, thích thú cho người tham gia, kích thích tâm lý chờ mong cơ hội quay trở lại để có được trải nghiệm tiếp theo.
Việc đóng cửa một tuyến đường giao thông vào các buổi tối cuối tuần, chuyển đổi công năng trở thành một khu chợ đêm tạo nên một sự biến đổi diện mạo hấp dẫn. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng và các hoạt động cộng đồng khác tại hồ Gươm và khu vực phụ cận đã tạo nên một không gian liên kết có sức hút với nhiều tầng lớp nhân dân cũng như khách du lịch.
Với góc nhìn “đô thị vị nhân sinh”, thành công của chợ đêm Đồng Xuân và các khu phố đi bộ lân cận xuất phát từ việc khai thác giá trị vật chất vốn có của đô thị di sản để tạo nên sự tương tác đặc biệt giữa con người với con người, giữa con người với cuộc sống đô thị qua hình thức “chợ phiên” - vốn văn hóa bản địa. Điều này cũng đem đến nhận thức về giá trị của yếu tố cốt lõi nhằm bảo tồn và phát huy giá trị đô thị di sản một cách bền vững.