Nghề đồng nát ở Hà Nội
Hình ảnh những người đàn bà gánh đôi quang hay cọc cạch đạp xe, miệng rao, đi vào ngõ này, ra ngách kia thu gom đồng nát từ lâu đã trở thành quen thuộc với người Hà Nội.
Vì tiếng rao “Ai đồng nát bán đê!” lưu truyền từ đời này sang đời khác nên đồng nát trở thành danh từ chung chỉ phế liệu như đồng, sắt, nhôm, chai nhựa, giấy hay những thứ hỏng hóc, đồ cũ không còn sử dụng... Một thời, các bà, các cô đồng nát còn mua lông gà, lông vịt, tóc rối, chai lọ, mảnh thủy tinh. Ở các tỉnh phía Nam, những người làm nghề này được gọi là “ve chai”. “Ve chai” có thể do đọc trại từ “Fèi chái” của người Hoa ở Chợ Lớn chỉ phế liệu. Ở miền Trung (trong đó có Nghệ An), nghề đồng nát gọi là “đi sọt”, “đi cân”.
Có ý kiến cho rằng, nghề đồng nát có từ thế kỷ XVII, xuất xứ ở làng Nôm (thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) khi dân đi mua đồng nát về bán lại cho các lò đúc đồng trong vùng. Ở làng này vẫn lưu truyền câu ca dao: “Đồng nát thì về cầu Nôm/ Con gái nỏ mồm về ở với cha”. Khi đi mua, họ rao: “Ai đồng nát bán đê!”.
Tuy nhiên, nghề đồng nát có thể xuất hiện sớm hơn. Trong cuốn “Quảng tập viêm văn” (xuất bản năm 1896 tại Hà Nội) của Edmond Nordemann, người thông thạo tiếng Việt (dạy trường Thông ngôn Hà Nội), trong 30 câu rao mà ông sưu tầm được, có 3 câu rao về đồng nát là: “Ai bao chè, tiền gãy bán đê!”, “Ai đồng nát bán đổi, hàn nồi không?” và “Ai đồng nát, thau thiếc, gang sắt bán không?”. Những câu rao này xuất hiện trước câu rao của người làng Nôm. Dựa vào một số làng đúc đồng ở Bắc Ninh có từ 1.000 năm nay, các nhà nghiên cứu lịch sử tiền Việt Nam nhận định, “nghề đồng nát” có xuất xứ ở một vài làng quanh các làng đúc đồng đất Bắc Ninh. Tại sao người mua đồng nát lại rao: “Bao chè, tiền gãy”, “Đồng nát bán đổi, hàn nồi” và “Ai đồng nát, thau thiếc, gang sắt bán không?”.
Xa xưa, người Trung Quốc đã xuất khẩu chè đi khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Để chè không mốc và giữ được mùi thơm lâu, họ đóng chè trong các bao bằng thiếc cán mỏng. Người các vùng quê thường mua chè đã sao ở chợ mang về đựng trong lọ gốm, nhưng quan lại, tầng lớp trung lưu ở kinh đô thì uống chè Tàu bao thiếc. Dùng hết chè, họ vứt bỏ bao. Vì sử dụng hằng ngày, luôn chịu nhiệt cao nên nồi đồng dùng lâu sẽ bị cháy và thủng. Mua mới thì nhiều tiền, vì thế, các gia đình thuê thợ hàn chỗ thủng để dùng tiếp; khi không thể hàn được nữa thì họ mới bán. Thau thiếc, thau đồng dùng lâu, chịu va đập nhiều nên cũng bị bẹp, hỏng.
Vì sao tiền lại gãy? Người Việt có tiền riêng từ thời Đinh, đúc bằng đồng. Từ nhà Lý cho đến nhà Nguyễn (trừ nhà Hồ in tiền giấy), tất cả các triều vua đều đúc tiền bằng đồng. Hà Nội xưa có các lò đúc tiền. Đầu thế kỷ XIX, khu vực Tràng Tiền Plaza hiện nay là xưởng đúc tiền của triều Nguyễn. Nếu đúc bằng đồng nguyên chất, tiền rất mềm, khi lưu thông có thể bị méo mó nên các lò đúc phải pha thêm kim loại khác để tiền cứng hơn. Kỹ thuật pha trộn không cao dẫn đến chất lượng không đồng đều, vì thế khi giao dịch tiền có thể bị gãy. Xưa, Việt Nam chỉ có mấy mỏ đồng ở vùng Phú Thọ, Tuyên Quang, trữ lượng quặng rất ít trong khi thiếc, đồng lại tái chế được nên xuất hiện người ra kinh thành Thăng Long mua “bao chè, tiền gãy, nồi đồng nát” về bán cho các lò đúc.
Vì đồng là kim loại quan trọng, lại hiếm nên khi quân Minh xâm lược nước ta, chúng đã cho phá tháp Báo Thiên bằng đồng bên hồ Lục Thủy (hồ Gươm) để đúc súng. Thế kỷ XVII, các nhà buôn Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha lập thương điếm ở Thăng Long chủ yếu để bán đồng vì họ biết triều đình phong kiến cần kim loại này.
Theo một nghiên cứu, năm 1992, Hà Nội có 5.775 người thu mua phế liệu trong nội thành. Năm 1996 tăng lên khoảng 7.750 người. Hiện nay, Hà Nội có gần 1.000 cơ sở thu mua phế liệu đồng nát, trong đó có 271 cơ sở là của người Nam Định, 366 cơ sở có chủ là người Hà Nội, số còn lại là của người nơi khác... Hà Nội xưa có làng Triều Khúc chuyên mua lông gà, lông vịt về sản xuất phất trần và sơ chế để xuất khẩu. Từ thu mua lông gà, lông vịt, Triều Khúc chuyển sang thu gom và sơ chế phế liệu. Hiện nay, làng Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) là làng đồng nát lớn nhất Hà Nội. Họ thu mua đủ loại phế liệu về để phân loại, sơ chế, sau đó bán cho các cơ sở sản xuất ở trong nước và nước ngoài.
Hà Nội hiện đông dân, tiêu dùng có xu hướng theo mốt nên đồ cũ thải ra ngày càng nhiều, vì thế, số người mua đồng nát cũng tăng lên. Mạng lưới đồng nát ở Hà Nội là khâu quan trọng giúp cung cấp vật liệu cho sản xuất, nói cách khác, họ là mắt xích trong kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, nhưng cũng gây ô nhiễm môi trường. Nếu không giải quyết được vấn đề ô nhiễm thì sẽ gây hại đến sức khỏe của người trong mạng lưới, dân cư xung quanh kho chứa, khu vực chế biến...