Hà Nội 360

13 năm “chữa lành” những con đường

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Công {Ngày xuất bản}

Tuy chỉ là một công nhân bình thường nhưng 13 năm nay, cứ hễ đi đến đâu thấy đường bị hỏng là anh Hiếu vá đường đến đó. Điều anh mong muốn là sẽ không có ai vì những ổ gà, ổ voi trên đường mà gặp tai nạn giao thông (TNGT).

duong-4.jpg
13 năm nay anh Hiếu cùng các thành viên “Nhóm vá đường Thường Tín” đã chữa lành biết bao con đường.

Những chú ong đêm

Đã 10h đêm, khi các gia đình dần chìm vào giấc ngủ sau một ngày lao động, học tập thì anh Phạm Văn Hiếu, sinh năm 1991, nhóm trưởng “Nhóm vá đường Thường Tín” lại cùng các thành viên chuẩn bị cho công việc vá đường.

Lần này, nhóm thực hiện vá tại đoạn đường gần cây xăng làng Mui, xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín), đoạn giao với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đó là một ổ voi khá dài (gần 3 mét) do bị một số xe có trọng tải lớn cày nham nhở. Nếu không thực hiện vá đường thì có nguy cơ gây TNGT, đặc biệt là khi trời tối, tầm nhìn hạn chế.

Tham gia vá đường lần này có 9 thành viên, họ không thuộc bất cứ tổ chức nào, chỉ đơn thuần cùng một mong muốn “chữa lành vết thương” trên các con đường để hạn chế TNGT. Nhóm dần trở nên chuyên nghiệp sau hàng trăm lượt vá đường lớn nhỏ suốt nhiều năm qua trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như một số tỉnh lân cận.

Nhóm chuẩn bị “đồ nghề” gồm búa xẻng, đá dăm, nhựa đường rất cẩn thận, phân công người chốt chặn xe hai đầu, người nhào trộn vật liệu một cách bài bản. Chỉ sau khoảng 60 phút, nhóm đã vá xong "ổ voi". Sau đó, anh Hiếu nhờ xe tải đi qua cán đi cán lại nhiều lượt cho phẳng, canh chừng đến khi nhựa đường khô thì mới ra về.

duong-2.jpg
“Nhóm vá đường Thường Tín” sửa vá đường trong đêm.

Anh Phạm Văn Hiếu cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Khê Hồi (xã Hà Hồi, huyện Thường Tín) gần đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Năm 2010, trong một lần đi làm về vào lúc trời sẩm tối, tôi chứng kiến 2 vụ ngã xe trên đường, nguyên nhân đều do đi vào ổ gà. Ít ngày sau, chính tôi cũng bị ngã xe khi đi vào ổ gà lúc qua hầm chui cao tốc. Hôm đó trời mưa, nước ngập nên rất nhiều người bị ngã. Về nhà tôi nghĩ cần phải vá đường, nếu không thì sẽ có rất nhiều vụ TNGT xảy ra chỉ vì một ổ gà”.

Hồi sinh những con đường

Tuy mức thu nhập từ nghề công nhân chẳng dư dả gì nhưng anh Hiếu không tiếc tiền bỏ ra để vá đường. Thời gian đầu, anh Hiếu thường trích một phần thu nhập hằng tháng để “ném” vào những đoạn đường bị cày xới thành ổ gà, ổ voi.

Về sau, khi nhận thấy nguồn lực tài chính của bản thân không thể đủ để mua vật liệu, anh Hiếu đã tận dụng vật liệu rơi vãi, số thừa ở các công trình và xin về để đi vá đường. Biết việc làm ý nghĩa của anh Hiếu, chủ các công trình xây dựng đều không bán mà tặng anh vật liệu thừa như đá dăm, nhựa đường, gạch...

Vật liệu vá đường đã có nguồn cung cấp nhưng anh Hiếu lại gặp phải sự ngăn cản của gia đình, bởi anh làm công việc này chủ yếu về đêm, vừa nguy hiểm lại ảnh hưởng tới sức khỏe.

Mẹ anh Hiếu, bà Lê Thị Chiến chia sẻ: “Cả ngày đi làm về, ăn cơm xong thì cần nghỉ ngơi mai đi làm tiếp nhưng hầu như ngày nào Hiếu cũng đi vá đường. Tôi ngăn cản mãi nhưng cháu bảo “mẹ cứ yên tâm, con sẽ về trước 12h đêm”. Nhiều hôm Hiếu đi vá đường về muộn, tôi rất lo lắng, gọi điện thoại thì không được. Lát sau cháu về thì mới biết đang dở tay không để ý điện thoại. Về sau thành quen, tôi cũng không ngăn cản nữa”.

Sau 6 năm đi vá đường trên các đoạn đường từ huyện Thanh Trì đến Thường Tín, Phú Xuyên, Hiếu nhận được sự ủng hộ và đồng hành của một số bạn trẻ, chủ yếu là sinh viên, cá biệt có cụ ông đã ngoài 70 tuổi ở xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín) cũng tham gia vá đường cùng Hiếu.

Bạn Lê Văn Dũng, 26 tuổi, ở thôn Hà Vỹ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín), thành viên của nhóm chia sẻ: “Tôi mới tham gia nhóm được hơn 1 năm qua và cũng đi vá đường được vài chục lần. Ban ngày tôi đi làm công nhân, tối nhận được thông báo từ anh Hiếu thì lại đi vá đường. Chứng kiến những đoạn đường bằng phẳng cho người dân đi, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, cho dù họ có thể không biết chúng tôi là ai”.

Trong số hàng trăm lượt vá đường do nhóm thực hiện, anh Hiếu nhớ nhất lần vá đường ở gần Nhà máy Đường Vạn Điểm (huyện Phú Xuyên) vào năm 2018. Đoạn đường có nhiều xe trọng tải lớn đi qua nên khá nhiều ổ voi, trong đó có một ổ voi rộng khoảng 6 mét. Biết sức mình không đủ, anh Hiếu đã gọi thêm bạn bè và một số người dân sống quanh khu vực, không ngờ có rất nhiều người ủng hộ và cùng anh vá đường. Thậm chí, một bác quản lý công trình đã chở hẳn một chuyến xe tải vật liệu đến hiện trường. Mỗi người một việc, chỉ trong khoảng 2 giờ là họ đã “xóa sổ” ổ voi.

duong-3.jpg
Nhiều người ủng hộ cả chuyến xe tải vật liệu đến hiện trường để nhóm vá đường.

Ông Lê Đức Duy, Trưởng thôn Khê Hồi (xã Hà Hồi) cho biết: “Hiếu là một thanh niên chăm chỉ, chịu khó lao động và sống hòa nhã với cộng đồng dân cư. Nhiều năm nay, Hiếu thường xuyên đi san lấp, vá ổ gà trên các tuyến đường giao thông, góp phần giảm thiểu các vụ ngã xe, đặc biệt là khi trời mưa. Việc làm của Hiếu và nhóm bạn trẻ rất có ý nghĩa, thể hiện tinh thần cống hiến của tuổi trẻ cho cộng đồng".

Hành trình không điểm dừng

Suốt 13 năm “vác tù và hàng tổng”, đã không ít lần anh Hiếu gặp rắc rối nhưng chưa bao giờ anh nghĩ sẽ dừng công việc vá đường. “Có lần tôi ra vá đường, người dân sống gần đó không biết, tưởng tôi phá đường nên đã báo chính quyền địa phương, tôi cũng phải giải thích mãi họ mới hiểu cho. Có lần vừa vá xong, chưa kịp khô thì đã có xe đi qua nên phải vá lại. Tuy nhiên, công việc nào cũng có cái khó, rủi ro, đã lựa chọn rồi thì phải chấp nhận nên tôi không oán trách gì cả, cứ làm với nhiệt huyết của mình thôi” - anh Hiếu chia sẻ.

Không chỉ san lấp, vá đường trên những tuyến đường tại các huyện phía nam thành phố Hà Nội, nhóm của anh Hiếu còn vá đường ở các tỉnh lân cận. Như hồi tháng 4-2023, nhóm đã vá một ổ gà trên tuyến đường gần Khu công nghiệp Đồng Văn 2 (huyện Duy Tiên, Hà Nam). Hôm đó có hơn 10 thành viên tham gia, công việc hoàn thành thì đã quá 12h đêm.

Anh Hiếu cho biết mình sẽ duy trì công việc này đến khi nào sức khỏe còn cho phép. Anh cũng hy vọng các cơ quan chức năng có biện pháp quyết liệt hơn để chặn xe quá tải cày xới mặt đường, đặc biệt là về ban đêm, như vậy thì sẽ giảm được lượng ổ gà, ổ voi trên đường, giảm thiểu TNGT.

Anh Lý Văn Sơn, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hà Hồi khẳng định: Trong những năm qua, việc làm của nhóm anh Hiếu đã truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng. Đó là tấm gương tuổi trẻ nguyện cống hiến sức mình cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Công