Xưa và nay

Chùa Phổ Tế

Thủy Hương {Ngày xuất bản}

Chùa Phổ Tế (hay chùa Tam Thôn, chùa Ma) nằm trên địa bàn xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII, trên nền cũ của chùa Phổ Cứu.

Đây là một trong ba ngôi cổ tự nổi tiếng của Thăng Long, cùng với chùa Cổ Loa và chùa Pháp Vân được lưu truyền trong ca dao: "Thứ nhất là chùa Cổ Loa/ Thứ nhì Phổ Tế, ba là Pháp Vân".

chua-pho-te.jpg

Chùa được xây dựng bởi Trương Bá Hoãn, hiệu Bích Khê, và Thông Huyền, người thôn Trung Thịnh (tổng Bạch Sam, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam), nay thuộc xã Trường Thịnh (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ông là một vị quan tài giỏi, nhưng do bất mãn với triều đình Lê - Trịnh mục nát nên cáo quan về quê. Năm 1789, khi vua Quang Trung đem quân ra Bắc tiêu diệt giặc Thanh, Trương Bá Hoãn có công giúp nhà Tây Sơn hàn gắn mối quan hệ với nhà Thanh. Do đó, ông được vua vời về kinh đô, giữ chức Hiệu Thảo tại Viện Hàn lâm. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, ông cáo quan trở về quê và xuất gia đi tu, lấy pháp danh là Hi Thiền. Thấy chùa Phổ Cứu đổ nát, hoang phế, năm 1792, ông vận động người dân và Phật tử quanh vùng đóng góp công của để khởi dựng và lấy tên chùa là “Phổ Tế”, với ý nghĩa là “phổ độ chúng sinh” (cứu độ hết thảy chúng sinh). Ngoài ra, do chùa nằm giữa cánh đồng giáp giới ba thôn Trung Thịnh, Yên Trường, Đống Vũ nên người dân còn gọi là chùa Ba Thôn hay chùa Tam Thôn.

Chùa Phổ Tế nằm trong khuôn viên tĩnh mịch, dưới những tán cây đại thụ. Đầu thế kỷ XXI, chùa được trùng tu lớn và mở rộng quy mô. Tam quan chùa khá đồ sộ, gồm 3 tầng, bên trên có gác chuông, hai bên là lầu chuông, lầu trống. Sau tam quan là một khoảng sân rộng, hai bên là hai giếng tròn lớn. Tiền đường được xây kiểu cổ diềm 8 mái, gồm 3 gian 2 dĩ, phía trước là hàng hiên với các cột đá. Tòa thiêu hương và thượng điện rộng kết nối với tiền đường thành hình chuôi vồ. Bên trong đặt hai tấm bia cổ thời Tây Sơn và hệ thống tượng Phật giáo theo hệ phái Bắc tông. Bên ngoài thượng điện là nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà ni nằm ở phía bên phải; bên trái thượng điện, kéo dài đến phía sau chùa là vườn mộ tháp rộng, nơi yên nghỉ của các vị sư đã trụ trì chùa.

Chùa Phổ Tế được chính quyền địa phương và người dân thường xuyên trùng tu, bảo tồn bằng nguồn vốn xã hội hóa. Mặc dù chưa được xếp hạng nhưng chùa Phổ Tế đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiến hành kiểm kê năm 2016 để có các biện pháp bảo vệ phù hợp, đúng quy định.

Thủy Hương