Sống đẹp

Nữ cán bộ cơ sở giỏi hòa giải

Thu Hiền {Ngày xuất bản}

Tới phường Định Công (quận Hoàng Mai), hỏi bà Phan Thị Kim Tấn, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố 23 hầu như ai cũng biết. Mọi người dành lời ngợi khen người phụ nữ luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, nhất là công tác hòa giải, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

hoa-dep.jpg
Bà Phan Thị Kim Tấn (ngoài cùng bên trái) nhận Giấy khen của UBND quận Hoàng Mai tại Hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023.

Cầu nối người dân với chính quyền

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, năm 18 tuổi, cô gái Phan Thị Kim Tấn theo học Trường Trung cấp Nông nghiệp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, trở về địa phương, cô tham gia Hợp tác xã Đại Thắng, xã Định Công, huyện Thanh Trì (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai). Với tính năng động, nhiệt huyết, Kim Tấn lần lượt được phân công phụ trách kỹ thuật của hợp tác xã, Bí thư Chi đoàn, xã đoàn, Tổ trưởng Tổ tải thương trong chiến dịch “Hà Nội 12 ngày đêm khói lửa” năm 1972. Tay cày, tay súng, vừa tham gia cấy cày, cô gái trẻ vừa học làm y tá, băng bó, xử lý vết thương cho bà con nhân dân và các chiến sĩ bộ đội, góp phần nhỏ bé làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Trải qua nhiều năm phấn đấu, năm 1995, bà Kim Tấn được bầu vào cương vị Phó Chủ tịch UBND xã Định Công, đến năm 2000 thì về nghỉ hưu tại địa phương.

Trở về địa phương, tuy nghỉ hưu nhưng lại không “nghỉ việc”, bà Tấn được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải. Nhận thức rõ vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, bà luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân. Đối với những việc vượt thẩm quyền của tổ hòa giải, bà báo cáo chính quyền, giúp cấp trên có phương án giải quyết công việc nhanh chóng.

Hơn 20 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở, bà Tấn đã kịp thời giải tỏa nhiều bức xúc nảy sinh từ cộng đồng, mâu thuẫn vợ chồng, sự mất đoàn kết giữa anh em trong gia đình, làng xóm... Bà trở thành cầu nối vững chắc giữa người dân với chính quyền, được nhân dân nể trọng, quý mến.

Chia sẻ về công việc của mình, bà Tấn cho biết còn nhớ như in vụ việc tranh chấp đất đai của dòng họ Bùi và họ Đặng. Vụ việc khiếu kiện vượt cấp, kéo dài nhiều năm, phức tạp. Nắm bắt được tình hình, bà Tấn cùng các chi hội, đoàn thể, tổ dân phố họp bàn và tìm giải pháp hòa giải.

Bà cùng tổ hòa giải đến gặp gỡ từng người có uy tín, có liên quan trong vụ tranh chấp, phân tích có tình có lý, khơi dậy truyền thống “tình làng nghĩa xóm” tốt đẹp của người Việt Nam. Sau nhiều lần động viên, kiên trì giải thích các vấn đề thấu tình, đạt lý, hai dòng họ đã vui vẻ đồng thuận. Họ Đặng đã trả lại đúng phần diện tích đất khu mộ tổ họ Bùi, những mâu thuẫn được hóa giải hoàn toàn. Đây là một vụ việc điển hình cho thấy được vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở.

Tâm huyết với công việc hòa giải, bà Tấn tâm sự: “Để hòa giải thành công, người cán bộ phải nỗ lực mỗi ngày rèn luyện kỹ năng “dân vận khéo”, lời nói và hành động phải mẫu mực thì người dân mới tin và nghe theo”.

Sẵn lòng giúp đỡ mọi người

Trong gia đình, bà Phan Thị Kim Tấn dạy con cháu: “Phải đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc người nghèo khó hoạn nạn”. Bản thân bà đã giúp đỡ nhiều trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, những gia đình khó khăn trên địa bàn, những đồng bào ở mọi miền đất nước.

Gia đình bà Tấn có phòng trọ cho thuê. Bà thường cho những sinh viên nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nơi xa đến ở trọ. Người thuê nhà được bà giảm tiền phòng, tiền nước, tiền điện, được mừng tuổi mỗi khi Tết đến, xuân về. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, trong khó khăn chung, bà đã hỗ trợ toàn bộ tiền nhà cho 5 hộ gia đình. Tích cực, gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động phong trào, bà Tấn đã 15 lần tham gia hiến máu nhân đạo. Sau vụ cháy chung cư mini xảy ra ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Chi hội Chữ thập đỏ nơi bà Tấn sinh sống quyên góp được 8 triệu đồng tiền ủng hộ. Riêng bà và em trai đã ủng hộ 2,5 triệu đồng. Trong mắt bà con khối phố, bà không chỉ là người sống có tình có nghĩa, mà còn là tấm gương sáng về việc luôn giúp đỡ bà con trong phường và người khó khăn.

Bà Trần Thị Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Định Công cho biết: “Mọi phong trào chữ thập đỏ ở khu dân cư, tổ dân phố, bà Tấn luôn ủng hộ đầu tiên và vận động gia đình, nhân dân tham gia, góp phần quan trọng vào kết quả vận động của tổ dân phố 23 luôn đạt kết quả cao”.

Bà Mai Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Định Công cũng cho biết: “Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, bà Tấn đã dùng phương châm này để cùng các thành viên trong tổ hòa giải tham gia hòa giải nhiều vụ việc. Những trường hợp khó, bà liên hệ với UBND phường, tham khảo ý kiến chuyên môn của cán bộ tư pháp để nắm bắt các quy định mới, rồi lại tiếp tục kiên trì, tuyên truyền, thuyết phục nhân dân. Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội, các vụ tranh chấp, mâu thuẫn cơ bản được giải quyết. Bà Tấn là tấm gương sáng trong thực hiện hòa giải cơ sở ở phường Định Công”.

Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm qua bà Phan Thị Kim Tấn đã được nhiều cấp, ngành biểu dương, khen thưởng. Bà nhận được sự tin yêu, tín nhiệm từ bà con và vui mừng khi thấy địa bàn mình ngày càng đoàn kết, phát triển.

Thu Hiền