Bà giáo giàu lòng yêu thương
15 năm đứng lớp dạy học sinh, tròn 10 năm giữ vị trí hiệu trưởng một ngôi trường trung học cơ sở tại tỉnh Quảng Ninh và tiếp đó là 16 năm âm thầm dạy dỗ những đứa trẻ xóm nghèo ngay giữa Thủ đô, ở vị trí nào, bà Phạm Thị Yến (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng luôn nhận được sự mến thương từ các thế hệ học sinh.
Tất cả đến từ sự tận tâm với nghề, quan niệm sống "trao đi để còn mãi" của bà...
Tận tâm với nghề, dạy trẻ bằng yêu thương
Trải qua nhiều lần hôn mê vì căn bệnh suy thận mạn tính dẫn đến phải chạy thận nhân tạo suốt một thời gian dài, sức khỏe của bà Phạm Thị Yến (67 tuổi, quê ở Quảng Ninh, hiện đang sinh sống tại chung cư Gelexia, quận Hoàng Mai, Hà Nội) không tốt, đi lại khó khăn.
Ngày cuối tháng 9-2023, có cậu học trò cũ về thăm, bà gượng dậy, ân cần trò chuyện. Câu chuyện chậm rãi, thi thoảng lại ngắt quãng vì đuối sức nhưng đầy ắp những yêu thương về một thời bà đứng trên bục giảng.
Những năm tháng dạy học tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh mãi là kỷ niệm đẹp đối với bà Yến. Bà tự hào kể, không còn gì thú vị bằng những giờ học toán với các “ví dụ phản ví dụ”, cô trò cùng say sưa với những cách giải bài hay. Rồi những kỷ niệm gắn bó, những chuyến đi chơi xa cùng học trò, đồng nghiệp thân tình khiến bà nhớ mãi. Từ năm 1998, bà bị suy thận rồi nhanh chóng chuyển sang suy thận mạn tính, khiến cuộc sống gặp nhiều đảo lộn. Dần học cách chấp nhận, bà lạc quan sống, tiếp tục yêu đời và yêu nghề.
Sống chung với bạo bệnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cẩm Thịnh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) Phạm Thị Yến đã có quãng thời gian dài phải chia lịch ngày thì lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để chạy thận và ngày thì vội về trường tiếp tục điều hành công việc.
Năm 2003, do bệnh tình ngày càng trở nặng, không gắng gượng được mãi, bà xin về hưu sớm và chuyển hẳn lên Hà Nội sinh sống để tiện cho việc điều trị. Vậy mà định mệnh vẫn tiếp tục gắn bà với sự nghiệp trồng người, với các cô bé, cậu bé có hoàn cảnh đặc biệt.
Bà Yến nhớ lại, quanh khu phố Đại La thuộc quận Hai Bà Trưng ngày đó còn có nhiều gia đình nghèo khó, sống lam lũ, vất vả chủ yếu bằng lao động chân tay. Sâu trong ngõ Tân Lạc, phố Đại La, nơi bà Yến ở lúc bấy giờ, tệ nạn xã hội còn xảy ra. Xóm nhỏ một thời từng gắn với cái tên đầy tai tiếng “xóm nghiện” bởi có nhiều thanh niên hư hỏng tụ tập, hút xách, lang thang bờ bụi.
Sống trong môi trường phức tạp như vậy, gia đình bà vừa giữ nếp nhà nhưng cũng vừa có sự hòa đồng nhất định bởi không muốn xa lánh xóm giềng. Khi thấy những đứa trẻ trong ngõ ngoan ngoãn nhưng không có ai dạy bảo, cho học hành đến nơi đến chốn, trong lòng bà giáo lại thổn thức nghĩ suy: “Cứ để mãi như thế thì liệu sau này chúng sẽ ra sao? Hay lại có thêm những cảnh đời long đong, lận đận, thậm chí tiếp tục rơi vào tệ nạn?”.
Những câu hỏi ấy xoáy sâu vào nội tâm và thổi bùng lại nhiệt huyết của một nhà giáo còn nặng tình với nghề. Sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, bà Phạm Thị Yến quyết định mở lớp học. Bà dạy lũ trẻ trong xóm bằng cả tình thương và ước muốn mong sao chúng được sống trọn vẹn với hai chữ “nên người”.
“Bọn trẻ đều có gia cảnh khó khăn. Bố mẹ chúng thu nhập bấp bênh, làm gì có tiền cho con đi học. Tôi vì thương trẻ mà mở lớp, chủ yếu là để rèn giũa nền nếp, tâm tính và bù đắp phần nào sự quan tâm, tình yêu thương của người lớn dành cho con trẻ”, bà Yến xúc động kể lại.
Giai đoạn mới mở lớp, có nhiều buổi tối dạy trẻ, thấy các em không tập trung vào việc học, liên tục làm sai phép tính dù đơn giản, bà vừa buồn vừa bực. Song, khi cảm xúc ấy đi qua trong giây lát, bà lại miệt mài, nhẫn nại giảng dạy tới khi các em hiểu bài mới thôi. Cũng nhờ thế mà các em được trau dồi thêm kiến thức khi tới trường, để theo kịp chương trình... Nhớ lại khoảnh khắc đó mà cứ ngỡ mới xảy ra ngay đây thôi, đôi mắt bà giáo ánh lên niềm vui rồi tự nói với mình “chúng đáng yêu thật, vừa bực lại vừa thương…”.
Cũng có nhiều buổi bà vừa đi chạy thận về, cơ thể rất mệt nhưng thấy học trò đem sách vở tự giác sang hỏi bài là mọi đau nhức như dần tan biến. Khi tinh thần học của các em tốt lên, bà cũng phấn chấn hơn nhiều. Lớp học dần đi vào nền nếp đã trở thành liều thuốc kỳ diệu với người mắc bệnh nan y. Chỉ tiếc rằng khi sức khỏe đã cạn kiệt, bà buộc phải dừng việc dạy. Gia đình bà cũng đã chuyển đi nơi ở mới…
Trao đi để còn mãi
Ngồi một góc trên chiếc ghế sô pha mà bà Yến đang nằm là cậu học trò thuộc lứa cuối cùng trong xóm nghèo được bà dạy học một thời. Dù không nói được nhiều nhưng bà vẫn ân cần dặn dò Dương Quốc Huy, sinh viên Đại học Thủy lợi đôi ba câu, không chỉ với tư cách là một giáo viên mà còn là một người bà quan tâm, bảo ban, che chở đứa cháu yêu quý hết mực.
“Bất cứ khi nào rảnh, tôi lại về thăm bà và không quên mang tặng những bông hoa tươi. Bà cũng chỉ cần vậy, cương quyết từ chối những món quà giá trị. Lũ học trò chúng tôi ơn bà nhiều lắm bởi bà không chỉ bảo ban học hành mà còn luôn động viên bao người vượt lên trên hoàn cảnh. Nhờ có bà mà tôi được nên người như ngày hôm nay”, Dương Quốc Huy chia sẻ.
Hai cánh tay nổi rõ những đường gân xanh, bà giáo cầm lấy lẵng hoa do cậu học trò tặng mà khóe mắt đã nhòe từ bao giờ. Bà cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện vì cuộc đời đã cho bà được dạy học, được làm bao việc có ích. Những đứa trẻ bà dạy nay đã thành đạt và thành danh, quay trở về tặng những bông hoa tươi tri ân sớm khi còn lâu mới đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Đó cũng thực sự là những món quà quý giá nhất mà bà nhận lại sau cả cuộc đời cống hiến cho việc dạy học.
Bà Hoàng Dong (74 tuổi), người bạn đồng hương, đồng nghiệp với bà Phạm Thị Yến cho biết, bà rất cảm phục trước tấm lòng và tinh thần, ý chí vượt bạo bệnh của bạn mình. Dù bệnh tật có làm bà Yến đau yếu thể xác nhưng tinh thần, ý chí thì không khuất phục mà luôn kiên trì, dạy dỗ những đứa trẻ trở thành những người có ích cho đời.
“Cả cuộc đời cô Yến luôn làm việc bác ái và giúp đỡ mọi người. Tuy gia cảnh cô không khá giả nhưng giúp được ai việc gì là cô sẵn sàng giúp mà không quản ngại khó khăn. Thậm chí nhiều em có hoàn cảnh quá đặc biệt, cô còn miễn học phí mà dạy dỗ em nên người suốt 4 năm cấp hai”, bà Hoàng Dong bồi hồi tâm sự.
Số phận đưa đẩy bà Yến đến với ngõ nhỏ Tân Lạc một thời và cũng chính số phận đã đưa các em đến với bà. Để rồi tình yêu nghề, tình yêu trẻ và sự tận tâm vượt lên trên hoàn cảnh, bà đã đem ánh sáng hy vọng, ngọn lửa ấm áp đến với những tâm hồn trẻ thơ, thay đổi chúng về nhận thức của việc học và luôn biết trân trọng, biết ơn, yêu thương mọi người.
“Đúng là duyên số đã định thế. Ông trời đã gửi tôi đến với trẻ có hoàn cảnh khó khăn để còn chút sức lực nào là tôi còn được giúp đỡ các em. Tôi muốn trao đi lòng nhiệt huyết, yêu thương đúng nghĩa với lương tâm của nghề giáo và là tấm gương của việc học để các em noi theo”, bà Yến tâm sự.
Dù rằng nhà giáo Phạm Thị Yến không muốn và cũng không còn đủ sức để kể hết mọi chuyện về lớp học nhưng điều chắc chắn mà mọi người đều cảm nhận được, bà chính là ngọn lửa yêu thương gắn kết mọi người và làm thay đổi đi những số phận nhỏ bé, hẩm hiu.
Xin được mượn những câu thơ của nhà thơ Thanh Hải “Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc”… để dành tặng và mong bà có nhiều sức lực chiến thắng bệnh tật.