Hà Nội văn

"Trấn Quốc chùa xưa" - mối duyên từ một bài thơ

Sao Khuê {Ngày xuất bản}

Với những ai từng gắn bó với Hà Nội, giờ đang tạm sống cách xa, thì khi nghe được bài hát “Trấn Quốc chùa xưa” hẳn sẽ bâng khuâng nhớ về những kỷ niệm, hình ảnh, thanh âm lưu luyến gắn với một Hà Nội dấu yêu mà kiêu hãnh.

tran-quoc-xua(1).jpg

Không chỉ với người ở nơi xa mà cả những người đang sống tại Hà Nội khi nghe bài hát “Trấn Quốc chùa xưa” (Lời: Trần Tựu, nhạc: Quang Hiển) qua giọng hát trong vắt mà sâu lắng cảm xúc của ca sĩ Hoàng Nga cũng sẽ được tĩnh lặng với tâm thiền, thấy yêu thương, tự hào hơn gấp bội về Thủ đô. Mà chùa Trấn Quốc nổi lên như một biểu tượng của Hà Nội, nằm trong danh sách 16 ngôi chùa đẹp bậc nhất thế giới (theo nhận định của Traveloka).

Ca sĩ Hoàng Nga với giọng hát thật lạ, vừa trong trẻo lại ẩn chứa ma lực bí ẩn khi thể hiện bài hát này, dẫn dụ người nghe vào một thước phim mê hoặc, đắm say. Nơi ấy có ngôi chùa Trấn Quốc lịch sử hơn 1.500 năm tuổi, ảo diệu hiện lên mỹ lệ và u uẩn như thực như mơ trong màn sương mênh mang Tây Hồ.

Thầy thuốc ưu tú - Dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu, tác giả bài thơ “Trấn Quốc chùa xưa” bồi hồi kể lại. Đó là vào mùa đông năm 1995, khi ông được cử ra miền Bắc nhận nhiệm vụ điều hành Liên hiệp Các xí nghiệp dược Việt Nam, tạm xa thành phố Hồ Chí Minh trong một thập niên.

Thường vào cuối tuần, có chút thời gian rảnh, chàng dược sĩ lại xách máy ảnh đi quanh Hà Nội. Và rồi, vào một mùa đông trong quãng thời gian ấy, Trần Tựu đã đến chùa Trấn Quốc.

Anh chàng dược sĩ với tâm hồn lãng mạn đã lặng người trước một màn sương phủ kín mặt hồ Tây, chùa Trấn Quốc mờ ảo hiện lên trong tiếng chuông chùa ngân nga.

Loáng thoáng trong sương những thiếu nữ Hà Nội giấu thân mình óng ả trong áo choàng dày, má ửng hồng dưới lớp khăn len phảng phất hương hoa đào ngóng xuân. Cảm xúc dâng tràn trong tim, chàng dược sĩ không chỉ chụp nhiều ảnh mà còn ghi vội những dòng thơ xao xuyến:

“Hà Nội mùa này trời se lạnh
Má em thắm sắc ngóng Đông quân
Hây hẩy nụ đào đương e ấp
Chờ chạm môi xuân thắm muôn lần
Tây Hồ sương phủ mênh mông quá
Trấn Quốc chùa xưa nhẹ bước chân
Tiếng chuông như thể lời cầu chúc
Mừng bạn mừng ta cả mùa xuân”

Bài thơ "Trấn Quốc chùa xưa" sau đó đã được đăng Báo Hànộimới số Tết. Tác giả bài thơ nhớ lại, sau Tết ấy, khi tới chùa Trấn Quốc, nhà thơ tặng nhà sư trụ trì chùa Trấn Quốc tờ báo có bài thơ. Nhà sư đã mỉm cười mà bảo rằng, chính nhờ bài thơ ấy mà Tết năm nay khách đến lễ chùa, vãn cảnh chùa Trấn Quốc rất đông.

Theo nhạc sĩ Quang Hiển, rất khó dùng tư duy logic thông thường để trả lời câu hỏi “tại sao khi Trần Tựu viết bài thơ về chùa Trấn Quốc và đăng Báo Hànộimới thì số người về lễ chùa năm ấy đông hơn?”.

“Như các cụ nhà ta thường tổng kết trong trường hợp này, thì anh Tựu hẳn phải là người dày phúc mới có thể san sẻ phúc của mình cho mọi người và tạo nên hiệu ứng lạ như thế” - nhạc sĩ chia sẻ.

638317906712619204-12_tran-.jpg
Từ trái qua phải: Tác giả Trần Tựu, ca sĩ Hoàng Nga, nhà văn Kiều Bích Hậu, nhạc sĩ Quang Hiển

Nhạc sĩ Quang Hiển đọc bài thơ của tác giả Trần Tựu, cảm nhận được tính nhạc qua lời thơ giản dị mà đằng sau đó là tình yêu Hà Nội xuất phát từ trái tim người cầm bút, là tinh thần lạc quan và hy vọng về tương lai.

Chính vì thế, khi phổ nhạc, Quang Hiển đã đưa vào đó âm hưởng ca trù, dẫn dụ người nghe bằng một bản hòa âm tinh tế, neo tâm hồn người vào tiếng chuông ở cuối bài hát với thanh âm thánh thót ngân xa.

Nhạc sĩ đưa vào bài hát một chút trầm mặc với âm hưởng ca trù nhưng lại phát triển và đưa âm hưởng ca mới vào phần kết để ca khúc dễ cảm và gần gũi hơn. Lời ca mang đến cho người nghe một cảnh tượng rất đẹp về truyền thống thăm hỏi và lễ chùa ngày đầu xuân năm mới trong tâm thế bình an, hạnh phúc.

Sao Khuê