Di sản

Đền Đông Ba

Quỳnh Ngọc {Ngày xuất bản}

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20km, thuộc địa bàn phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), đền Đông Ba (hay đền Tam giáo) thờ tam vị thành hoàng là các võ tướng dưới thời Hai Bà Trưng, gồm Quách Lãng, nhị vị công chúa Đinh Bạch Lương và Đinh Tĩnh Lương.

Ngoài ra, đây còn là ngôi đền thờ tam thánh giống như tên gọi khi cũng thờ các vị thần, phật trong đạo Nho, đạo Phật, đạo Lão, qua đó phản ánh quan niệm “tam giáo đồng nguyên” của người Việt.

den-dngba.jpg

Nằm trên một khu đất cao ở phía bờ nam sông Hồng, đền Đông Ba đã trải qua nhiều lần trùng tu, gần nhất là năm 1977, đến nay vẫn giữ được vẻ cổ kính, tôn nghiêm. Từ ngoài vào là nghi môn được xây khá đơn giản, hai bên là hai trụ, thân trụ bổ khung có ghi đôi câu đối. Qua nghi môn là một khoảng sân nhỏ, phía trước có vườn cây và bức bình phong kiểu cuốn thư. Cuối cùng là ngôi đền chính có mặt bằng kiến trúc được thiết kế kiểu “tiền nhị, hậu đinh”.

Các công trình kiến trúc của ngôi đền chính được bố cục theo một thể thống nhất như kết cấu truyền thống thường thấy. Theo đó, tòa tiền tế gồm ba gian, được xây gạch kiểu tường hồi bít đốc. Tòa trung tế xây nối liền với tiền đường, có kích thước và kiểu dáng tương tự với tòa tiền tế.

Nằm sâu phía sau là hậu cung, gồm một gian chạy dọc nối liền với gian giữa của tòa trung tế. Trang trí cho các kiến trúc chính của đền là hệ thống hoành phi, câu đối, hương án được sơn son thếp vàng lộng lẫy và chạm nổi các đề tài hoa lá, thực vật, rồng cuốn mây... Ở phía trước, bên phải tòa tiền tế là dãy nhà bốn gian được dùng làm nơi tiếp khách.

Mặc dù không còn tài liệu ghi rõ năm khởi dựng, nhưng căn cứ trên hệ thống di vật được lưu giữ tại đền Đông Ba, có thể thấy ngôi đền này được xây dựng khá muộn, vào khoảng thế kỷ XIX - XX.

Hiện nay, trong đền còn có các di vật như 1 quả chuông đồng niên hiệu Bảo Đại năm thứ 9 (1934), 1 bản khắc gỗ niên hiệu Bảo Đại năm thứ 10 (1935), 1 bức đại tự, đôi câu đối, 3 hương án, 6 long ngai sơn son thếp vàng, 1 bộ đỉnh đồng, 8 bát hương sứ tráng men, 11 bài vị thờ, 1 cuốn “Tam giáo sớ văn”, 1 cuốn “Hương ước thôn Đông Ba, xã Thượng Cát” cùng 13 pho tượng thờ...

Năm 2002, đền Đông Ba đã được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp thành phố.

Quỳnh Ngọc