Phát huy giá trị của lệ làng trong đời sống hôm nay
Thăng Long - Hà Nội là kinh đô và cũng là “Kẻ chợ” của những “kẻ quê”. Tính chất làng xã ngấm sâu trong văn hóa đô thị Hà Nội, hiện hữu trong những phong tục, lề thói mà người xưa vẫn gọi là lệ làng.
Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, ôm trọn hai vùng văn hóa lớn là văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài thì văn hóa làng càng hiện diện rõ hơn. Và “lệ làng” - nét đặc trưng của làng xã xưa sẽ phát huy giá trị như thế nào trong đời sống hôm nay?
Từ lệ làng, phép nước xưa...
Người xưa thường nói: “Phép vua thua lệ làng”, “Lệ làng, phép nước”. Vậy thế nào là lệ làng, và lệ làng giữ vai trò như thế nào trong đời sống? Theo sách “Văn hóa lễ tục ABC” (tác giả Phạm Côn Sơn, NXB Văn hóa dân tộc, 2012), lệ làng chính là luật riêng của một làng đặt ra cho mọi người dân trong làng tuân theo. Lệ chỉ là sự ước định, vậy mà có giá trị lớn, từ đó được gọi là hương ước.
Tiến sĩ Nguyễn Tá Nhí trong lời giới thiệu cuốn “Hương ước cổ Hà Tây” viết: “Hương ước là những quy ước điều lệ của một cộng đồng người chung sống trong cùng một khu vực để điều hòa quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, hoặc giữa tập thể này với tập thể khác”. Trên thực tế, hương ước còn được gọi bằng các tên khác như hương lệ, hương khoán, ước lệ, khoán ước, quy ước, lệ định, lệ tục... Ngoại trừ một số hương ước khắc trên bia đá, biển gỗ thì hầu hết được ghi chép trong sách. Các bản hương ước này chủ yếu viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Đến đầu thế kỷ XX mới xuất hiện bản viết bằng chữ quốc ngữ.
Nội dung của hương ước có nhiều vấn đề thuộc về thiết chế chính trị làng xã, về sản xuất, ruộng đất, về thi cử, học hành, nhưng nổi bật nhất là nội dung về phong tục thuần hậu, lễ hội của làng. Có thể kể ra những điều khoản trong hương ước và khoán lệ cổ truyền. Ví như việc vệ sinh: “Các đường sá trong làng cấm không ai được đổ phân gio, buộc trâu bò hay bỏ các vật ô uế. Ai không tuân, thủ lộ bắt được tường đến hội đồng phạt 1 hào sung công” (Khoán ước xã Duyên Trường, nay là thôn Duyên Trường, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín). Hay như về giáo dục: “Dạy trẻ con phải có học thức phổ thông là nghĩa vụ của phụ huynh không ai được từ. Thường niên dân trích tiền công chi tiêu việc trường và lương thầy giáo.
Trẻ em trong làng đúng 8 tuổi phải đi học cả. Làng lấy tiền công mua bút giấy cấp cho con nhà nghèo mà xét thực không thể mua được” (Hương ước làng Tây Hồ, tổng Thượng, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội). Và cả về cách ứng xử: “Người trong phường kính trọng tuổi già, hiền từ với trẻ, chớ cậy giàu mà khinh nghèo và phỉ báng lẫn nhau đến nỗi mất lòng mà gây đánh lộn gây ồn ã náo động làng xóm.
Như vậy phải nộp phạt tiền 12 chuỗi, trầu không 100 lá để giữ nghiêm khoán lệ. Trong phường nhà nào cha con không yêu thương nhau, vợ chồng không hòa thuận, anh em không êm ấm đến nỗi nhà cửa náo loạn bản phường nghe thấu thì bắt nộp 12 chuỗi, trầu không 12 lá, nếu không chịu sẽ đưa ra cửa quan để giữ nghiêm khoán lệ” (Lệ làng Tương Mai, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
PGS.TS Đỗ Thị Hảo, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội nhận định: “Nhiều bản tục lệ Hà Nội đã hàm chứa những nội dung rất tiến bộ nhằm giữ gìn thuần phong mỹ tục của làng mình. Và chắc chắn những điều mục trong tục lệ đã góp phần không nhỏ tạo nên nét thanh lịch của người Hà Nội”. Còn theo nhà nghiên cứu Yên Giang, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, qua những bản hương ước cổ có thể hiểu vì sao lễ hội vùng Hà Nội lại rộng lớn về số lượng, độc đáo về nội dung và hình thức, dễ thích nghi để tồn tại và phát triển...
... Đến hương ước, quy ước ngày nay
Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, Thành phố Hà Nội đã rà soát tại 106.383 thôn, làng, xác định có 99.073 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt. Tính đến tháng 7-2021, Hà Nội có 4.726/5.404 thôn, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước (đạt tỷ lệ 87,5%), trong đó có 1.232 hương ước, quy ước đã được sửa đổi, bổ sung.
Phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống là một nhiệm vụ đã được Thành ủy Hà Nội đặt ra trong Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Ngày 8-4-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch “Tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022 - 2025”.
Qua thực tế đời sống văn hóa cơ sở, có thể thấy các giá trị truyền thống của quy ước, hương ước vẫn đang được lồng ghép, phát huy khá hiệu quả trong Bộ quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội cũng như các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hay các mô hình, các cuộc vận động thực hiện văn hóa ứng xử với môi trường, trật tự văn minh đô thị, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình và cộng đồng... Đơn cử như huyện Gia Lâm nhiều năm qua đã triển khai kế hoạch xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước tại cơ sở; tổ chức các hội nghị tuyên truyền và lồng ghép nội dung xây dựng hương ước trong các hội nghị giao ban, hội thi, hội diễn... Đến nay, đã có 164/164 thôn, tổ dân phố có hương ước, quy ước, trong đó 81 hương ước, quy ước đã được UBND huyện ra quyết định phê duyệt.
Tại các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thạch Thất..., hương ước, quy ước được chính quyền cấp cơ sở và cộng đồng dân cư chọn lọc, điều chỉnh phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng nơi và gắn với các nội dung trọng tâm: Xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng nông thôn mới...
Có thể nói, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đã mang lại một số hiệu quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp của cha ông đồng thời góp phần hình thành giá trị chuẩn mực, phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được thì vẫn còn nhiều hạn chế đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể của thành phố và các quận, huyện; đặc biệt là sự chủ động của các thôn làng, tổ dân phố, sự tham gia của người dân địa phương.