Xưa và nay

Về một số tên phố cổ không thuần Việt ở Hà Nội

Việt Cường (khảo cứu) {Ngày xuất bản}

Ở Hà Nội có nhiều tên phố cổ (không chỉ ở trong khu phố cổ) mà khi đọc tên là ta hiểu ngay rằng xưa kia con phố này sản xuất, buôn bán mặt hàng gì.

Đó là những phố có tên thuần Việt như Hàng Than, Hàng Đậu, Bát Sứ, Hàng Chiếu, Hàng Bạc, Hàng Vải, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Khoai... Nhưng cũng có những tên phố (hoặc ngõ) cổ phải luận từ chữ Hán, chữ Nôm mới hiểu được nghĩa.

pho-co.jpg
Phố Tố Tịch trước đây có nhiều cửa hàng làm nghề tiện gỗ, khắc gỗ. Ảnh: Nguyên Sơn

Phố Lò Sũ

Phố Lò Sũ dài 315m từ đường Trần Quang Khải đến phố Đinh Tiên Hoàng (chỗ đền Bà Kiệu), thuộc quận Hoàn Kiếm, xưa kia còn gọi là phố Hàng Sũ. Vậy phố Hàng Sũ sản xuất, buôn bán mặt hàng gì? Đó chính là con phố của những người thợ mộc chuyên đóng và bán áo quan. Chữ “Sũ” là từ Việt cổ có nghĩa là quan tài, áo quan.

Phố Tố Tịch

Phố Tố Tịch dài 95m, từ phố Hàng Quạt đến phố Hàng Gai, thuộc quận Hoàn Kiếm. Con phố này có thời gian dài treo biển là phố Tô Tịch, mặc dù đã được treo lại biển với tên gọi đúng là Tố Tịch nhưng rất nhiều người vẫn quen gọi là phố Tô Tịch. Thực ra trong tiếng Hán, “Tố” nghĩa là màu trắng nõn, còn “Tịch” là cái chiếu, “Tố Tịch” là chiếu trắng. Vì phố này nằm trên đất của làng Tố Tịch xưa có nghề dệt và bán chiếu trắng mà thành tên phố. Về sau người làng Nhị Khê thuộc phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội) đến sinh sống ở phố này mang theo nghề tiện, khắc gỗ và phố này cũng không còn nghề dệt chiếu trắng nữa.

Ngõ Hài Tượng

Ngõ Hài Tượng dài 160m là một ngõ ở bên dãy số chẵn của phố Tạ Hiện, thuộc quận Hoàn Kiếm, ngày xưa còn thông sang phố Hàng Giầy. Không phải ai cũng hiểu ý nghĩa tên ngõ này. Trong tiếng Hán, “Hài” nghĩa là giày/dép, “Tượng” là người thợ (không phải chữ “Tượng” có nghĩa là con voi). “Hài Tượng” nghĩa là “thợ đóng giày, dép”. Vào thế kỷ XVII - XVIII, khi xã hội bắt đầu phổ biến việc sử dụng các loại giày, dép đóng bằng da bò thì những người thợ chuyên đóng giày, dép da và các mặt hàng về da ở huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) đến Thăng Long lập nghiệp. Nơi họ ở được gọi là thôn Hài Tượng - thôn của những thợ đóng giày, dép. Vì vậy, con ngõ nhỏ nằm trên đất thôn này cũng mang tên là ngõ Hài Tượng.

Phố Khâm Thiên

Phố Khâm Thiên nối tiếp phố Nguyễn Thượng Hiền từ phố Lê Duẩn đến Ô Chợ Dừa, thuộc quận Đống Đa. Sở dĩ có tên như vậy là do từ thời Lý - Trần - Lê triều đình đã cho xây dựng một đài Khâm Thiên Giám ở vị trí trong ngõ Chợ Khâm Thiên ngày nay. Đài này dùng để quan sát bầu trời, theo dõi, ghi nhận các hiện tượng khí tượng, thời tiết, sự dịch chuyển của các sao để báo mùa vụ cho dân chúng canh tác cũng như biên soạn lịch cho triều đình. Trong tiếng Hán, “Khâm Thiên Giám” có nghĩa là “Quan sát bầu trời theo lệnh nhà vua”. “Khâm Thiên” là cách gọi tắt của cụm từ này. Thời Pháp thuộc, phố Khâm Thiên nổi tiếng là nơi tập trung nhiều nhà hát cô đầu và sàn nhảy, vì thế còn gọi là “phố Cô đầu”.

Phố Hòa Mã

Phố Hòa Mã dài 460m nối từ phố Lò Đúc đến phố Huế, thuộc quận Hai Bà Trưng. Nhiều người nghe đến chữ “mã” sẽ nghĩ đến tiếng Hán nghĩa là “ngựa”, nhưng “mã” ở đây lại là chữ Nôm cổ có nghĩa là “quần áo”. Ngày nay, rất ít người dùng từ “mã” với nghĩa là “quần áo”, nhưng ta vẫn có thể nghe được câu "tốt mã giẻ cùi" để nói về một người bề ngoài quần áo tốt đẹp (giống con chim giẻ cùi có bộ lông sặc sỡ) nhưng không có thực chất, thậm chí bên trong lại xấu xa.

Phố Hòa Mã nằm trên đất làng Đổi Mã xưa của kinh thành Thăng Long, đến thời Minh Mạng đổi thành làng Hòa Mã (“Đổi Mã” hay “Hòa Mã” đều có nghĩa là "thay đổi áo xống"). Theo các tài liệu cổ, xưa ở làng này có cung Đổi Mã (chữ Hán gọi là cung Canh Y), là nơi vua các triều Lý - Trần - Lê mỗi khi ra tế đàn Nam Giao thì dừng lại ở cung này để thay đổi xiêm áo thường phục sang mặc lễ phục để tế lễ trời đất.

Đàn Nam Giao xây dựng thời vua Lý Anh Tông ở khu vực mà thời Pháp thuộc là nhà máy diêm, sau là Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, nay là tòa nhà Wincom. Cung Đổi Mã xưa rất gần khu vực đàn Nam Giao.

Phố Hòe Nhai

Phố Hòe Nhai dài gần 400m - từ đường Yên Phụ đến phố Phan Đình Phùng, thuộc quận Ba Đình. Trong quá trình xây dựng thành Thăng Long, nhà Lý (1010 - 1225) đã cho làm một con đường từ phía Bắc kinh thành (khu vực phố Hoàng Hoa Thám ngày nay) dẫn ra bến Đông Bộ Đầu ở bờ sông Hồng (tương đương vị trí Bến Nứa sau này) để vua và triều thần đi từ kinh thành ra bến sông khi có việc, hay sứ thần các nước đến Thăng Long bằng đường sông theo đường này vào kinh thành. Triều đình lại đặt lệ các quan triều thần mỗi người phải trồng một cây hòe trên con đường đó, do vậy mà thành tên (“Hòe” là cây hoa hòe, còn “Nhai” nghĩa là bờ, bến, hay là con đường ven sông).

Hòe Nhai cũng là tên của một thôn và chùa Hồng Phúc ở thôn này cũng được gọi là chùa Hòe Nhai. Thời Pháp thuộc, phố Hòe Nhai có tên là Rue de l’Hôpital Chinois (phố "Bệnh viện Trung Quốc", người Hà Nội thường gọi là phố Nhà Thương Khách) vì ở đầu phố có một bệnh viện do người Hoa lập ra chuyên bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc Bắc. Bệnh viện này nay là Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai.

Phố Liễu Giai

Phố Liễu Giai là con phố mới mở từ năm 1994, nối tiếp đường Nguyễn Chí Thanh đoạn từ Kim Mã đến phố Đội Cấn, thuộc quận Ba Đình. Con phố này nằm trên đất làng Liễu Giai - một trong “thập tam trại” ở phía Tây kinh thành Thăng Long. Tương tự như Hòe Nhai, “Liễu Giai” có nghĩa là “đường cây liễu” (chữ “Giai” là đường). Sở dĩ làng này có tên Liễu Giai là vì thời Lý - Trần khu vực này có nhiều cung điện, dinh thự của các ông hoàng, bà chúa, mà con đường dẫn đến các dinh thự đó được trồng những dãy cây liễu mà thành tên "đường liễu".

Hiểu thêm về ý nghĩa các tên ngõ, phố cổ của Hà Nội sẽ giúp ta hình dung được khung cảnh kinh thành Thăng Long xưa và càng thêm yêu quý mảnh đất nghìn năm văn hiến này.

Việt Cường (khảo cứu)