Để hát trống quân Khánh Hà mãi ngân xa...
Cứ vào tối cuối tuần, về Khánh Hà lại nghe văng vẳng màn hát đối trống quân. Hoạt động văn hóa đặc sắc này đã trở thành thường xuyên của Câu lạc bộ hát trống quân xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) từ nhiều năm nay...
“Món ăn” tinh thần
Theo các bậc cao niên trong làng, hát trống quân ở Khánh Hà có từ thời vua Lê Thái Tổ. Qua dặm dài lịch sử, để lưu giữ nét văn hóa đặc sắc này, năm 2007, Câu lạc bộ hát trống quân Khánh Hà được thành lập.
Giữa tháng 10-2023, Câu lạc bộ hát trống quân Khánh Hà tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023-2028. Đây là niềm vui lớn đối với người dân Khánh Hà.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồng Điệp ở thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, chia sẻ: Hát trống quân là hình thức hát dân ca đối đáp, giao duyên, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, đời sống sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, thường được tổ chức vào dịp lễ, Tết, hội làng... Từ xa xưa, hát trống quân được diễn xướng trong đời sống sinh hoạt, lúc cấy hái, khi nông nhàn với hình thức hát gọi, hát đố, hát họa, hát đối đáp…
Lề lối hát trống quân ở Khánh Hà đặc biệt ở chỗ kép hát luôn tuân thủ chặt ở các chặng hát. Đó là, chặng chào hỏi mở đầu, chặng đối đáp tâm tình, chặng hát hẹn giã biệt.
Người Khánh Hà vẫn truyền lại thế hệ sau rằng, điệu hát đặc sắc của vùng có từ thế kỷ XV. Với người dân Khánh Hà, hát trống quân đã trở thành chất keo kết nối tình làng nghĩa xóm. Đặc biệt, để hát được trống quân, người hát phải có chất giọng tốt, cao, tròn vành, rõ tiếng. Mỗi nhóm tham gia thường có từ 5 đến 7 người. Nam mặc bộ quần áo nâu tươi, đầu quấn khăn lưỡi rìu màu đỏ; nữ mặc váy nâu, áo cánh nâu bên ngoài, đầu quấn khăn nhung đen...
Mới đây, trong tọa đàm về nghệ thuật hát trống quân tổ chức tại đình làng Khánh Vân, xã Khánh Hà, PGS, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan - người dày công nghiên cứu, am hiểu âm nhạc dân tộc - nhấn mạnh: Trống quân là trống cổ nhất của người Việt; rồi cái trống được nâng lên đánh bằng cái hũ, trên là cái mâm đồng, kéo dây ra hai bên. Hiện, có khoảng 1.000 bài hát trống quân. Khánh Hà là một trong số ít địa phương đã, đang phục dựng lối hát trống quân và lan tỏa, truyền dựng cho thế hệ sau.
Cũng có thời điểm hát trống quân bị lãng quên. Tiếc nuối, trăn trở, người dân làng Khánh Hà tìm đến các bậc cao niên trong làng, những người có kinh nghiệm, đã từng hát trống quân để ghi lại lời hát, làm tài liệu.
Cụ Nguyễn Thị Ny - một trong số ít cây đại thụ của làng lưu giữ những lời hát - cùng người dân yêu hát trống quân đã tổng hợp, sao chép, lưu giữ tại Nhà văn hóa thôn để truyền lại cho thế hệ sau.
Để tiếp sức, năm 2007, Khánh Hà đã thành lập Câu lạc bộ hát trống quân với các thành viên ở độ tuổi khác nhau gồm các bậc cao niên 70, 80 tuổi và các em nhỏ ở độ tuổi 9-10. Câu lạc bộ duy trì tập luyện, thường xuyên dạy hát cho các em nhỏ tại đình làng. Hễ có lễ hội của thôn, làng hay dịp lễ, tết, Câu lạc bộ cùng người dân say sưa hát những điệu trống quân sâu lắng.
Lời hát trống quân phong phú được chắt lọc từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian, thể hiện triết lý nhân sinh, ước vọng về cuộc sống tươi đẹp, thể hiện trí tuệ của người lao động trước hiện tượng tự nhiên, xã hội...
Quảng bá nghệ thuật hát trống quân
Câu lạc bộ hát trống quân Khánh Hà đã sưu tầm được 200 lời bài hát cổ. Hiện có 45 hội viên hạt nhân gồm các nghệ nhân và những người yêu thích làn điệu trống quân, đến nay câu lạc bộ truyền dạy được 17 lớp với hơn 300 lượt người, đủ lứa tuổi. Năm 2019, xã có 5 cá nhân được Nhà nước truy tặng và phong tặng Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian.
Tại Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023-2028, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Ba được bầu là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát trống quân xã Khánh Hà, huyện Thường Tín. "Câu lạc bộ hát trống quân xã Khánh Hà chính thức hoạt động là điều kiện thuận lợi để địa phương tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị, truyền lại cho thế hệ sau làn điệu cổ hát trống quân - loại hình nghệ thuật văn hóa phi vật thể độc đáo tại địa phương", ông Ba chia sẻ.
Cũng tại Đại hội lần thứ nhất, Câu lạc bộ hát Trống quân xã Khánh Hà đã kết nạp thêm thành viên, nâng tổng số lên 60 hội viên. Đến nay, Câu lạc bộ đã truyền dạy hát cho 200 người, phấn đấu 100% số thôn có tổ, nhóm hát trống quân, tiếp tục sưu tầm, biên soạn tài liệu lịch sử, bài hát trống quân cổ. Đặc biệt, Câu lạc bộ còn tích cực tham gia hội thi, hội diễn trên địa bàn huyện Thường Tín và thành phố Hà Nội để nghệ thuật hát trống quân mãi ngân xa...