Lưu giữ nếp xưa ở làng Hát Môn
Đất Hát Môn (huyện Phúc Thọ) là nơi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống quân Đông Hán năm 40 - cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng đầu tiên của người Việt trong lịch sử.
Đây cũng là nơi Hai Bà tuẫn tiết dưới dòng Hát Giang để bảo toàn khí tiết. Vùng đất linh thiêng này chất chứa rất nhiều di sản vật thể và phi vật thể được Nhà nước công nhận. Đặc biệt, người dân Hát Môn vẫn lưu giữ những nếp xưa, tục cũ như một nét văn hóa độc đáo riêng có của địa phương.
Tự hào vùng đất thiêng
Chúng tôi về Hát Môn đúng vào dịp chính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Hai Bà Trưng lập đàn thề tế trời đất trước khi ra trận (mùng 4 tháng Chín âm lịch). Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phúc Thọ Nguyễn Minh Tuấn tự hào thông tin, năm 2023, lễ kỷ niệm được huyện tổ chức long trọng với nhiều hoạt động như: Lễ mít tinh; Lễ trình lệ tam sinh, biểu diễn văn nghệ quần chúng, rước kiệu của Khối Liên hiệp các di tích cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; chương trình nghệ thuật trích đoạn “Phất cờ nương tử”, màn “Trống hội ra trận” do Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn... Cán bộ và nhân dân ai nấy đều hân hoan, phấn khởi.
Trong ngôi đền thiêng, các bô lão ở làng kể lại câu chuyện truyền miệng từ gần 2.000 năm về trước. “Hát Môn có thể dụng binh/Sông sâu làm cứ, rừng xanh làm nhà" - với vị trí đặc biệt quan trọng đó, ngày mùng 4 tháng Chín, năm 40, tại bãi Tràng Sa, cửa Hát Giang (xã Hát Môn ngày nay), Hai Bà Trưng đã hội quân, lập đàn thề, tế cờ khởi nghĩa...
"Đền nợ nước, trả thù nhà", Hai Bà đã phất cờ khởi nghĩa thành công, khôi phục nền độc lập của dân tộc. Bà Trưng Trắc xưng vương, thiết lập nhà nước độc lập, đóng đô ở Mê Linh. Chính quyền mới đã miễn thuế cho nhân dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân trong 2 năm. Tuy vậy, đến năm 43, Hai Bà Trưng đã thất thủ trước đội quân xâm lược hùng mạnh gấp bội của nhà Đông Hán. Khi bị giặc truy đuổi, Hai Bà lui về vùng Hát Môn trẫm mình, quyết không để bị giặc bắt.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo, làm chấn động cả cõi Nam. Ngọn lửa của cuộc nổi dậy oanh liệt ấy đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thể hiện tinh thần đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm của nhân dân.
Theo cán bộ văn hóa - xã hội UBND xã Hát Môn Nguyễn Thị Mai, sau khi Hai Bà hóa thân về cõi vĩnh hằng, người dân làng Hát Môn đã lập đền thờ ngay trên mảnh đất khi xưa Hai Bà lập đàn thề ra trận. Trải qua nhiều đời trùng tu tôn tạo, đền Hát Môn hôm nay tọa lạc trên dải đất cao, rộng, thoáng, bên triền đê sông Hát. Tháng 12-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định xếp hạng đền Hát Môn là Di tích quốc gia đặc biệt.
Từ xưa tới nay, nhân dân xã Hát Môn và huyện Phúc Thọ vẫn duy trì 3 dịp lễ trọng. Ngày mùng 6 tháng Ba âm lịch (ngày Hai Bà Trưng tuẫn tiết, thường gọi là ngày hóa của Hai Bà), dân làng tổ chức tế lễ và mở hội với nhiều trò chơi dân gian, thu hút hàng nghìn khách thập phương về dự. Hai là, ngày mùng 4 tháng Chín âm lịch, là ngày Hai Bà Trưng lập đàn thề, tế trời đất trước khi ra trận. Ba là, Đại lễ 24 tháng Chạp, ngày kỷ niệm chiến thắng của Hai Bà Trưng và là ngày hội rước lớn nhất trong năm với hai nội dung chính: Rước Mộc dục và Dịch phục. Với những giá trị to lớn, tháng 1-2016, lễ hội truyền thống đền Hát Môn cũng được Nhà nước ta công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Còn mãi trong nhân dân
Về truyền thuyết Hai Bà Trưng đánh quân Đông Hán, đến nay người dân Hát Môn vẫn còn lưu giữ rất nhiều chuyện xưa, tục cũ.
Cụ Trần Viết Hỗ - đại diện Ban Bảo vệ Di tích đền Hát Môn kể rằng: Trước khi hóa, Hai Bà nghỉ chân ở hàng nước, được bà chủ quán dâng mời bánh trôi và hai quả muỗm. Hạt muỗm mà Hai Bà ăn xong tung ra, mọc lên hai cây muỗm.
Sau này, khi dân làng dựng đền thờ tưởng nhớ Hai Bà đã chọn 2 cây muỗm làm hướng của nhà đền. Trải qua gần 2000 năm, cây muỗm già cỗi, mất đi, dân làng cho dựng hai cột gỗ lớn rồi thay bằng hai cây hương xây gạch, rồi đến cây hương đá có chạm khắc cầu kỳ, làm nơi hương khói. Từ xưa đến nay, ngày nào nhà đền cũng thắp hương, dâng lễ vật trầu cau, hoa quả.
Cũng theo lệ định, mọi người trước khi vào làm lễ ở đền đều phải đến lễ tại hai cây hương này. Dân làng Hát Môn gọi hai cây hương đá là “thần Mộc”. Dân làng cũng truyền nhau rằng, bà hàng nước năm xưa vốn không phải người thường, mà là “tiên giáng trần” phù giúp Hai Bà. Vì thế, bà được các thế hệ dân làng cùng tôn thờ với mỹ danh “Lục cung tiên nương quý cô”.
Nét độc đáo ở Hát Môn còn ở tục làm bánh trôi dâng lễ đền. Theo Trưởng ban Quản lý di tích đền Hát Môn Nguyễn Quốc Thắng, lễ vật bánh trôi không thể thiếu được trong cả 3 kỳ lễ hội tại đền Hát Môn, vì đây là thứ bánh Hai Bà đã ăn trước khi gieo mình xuống dòng Hát Giang tuẫn tiết. Việc chuẩn bị lễ vật cúng tế không thực hiện tại khuôn viên đền mà tại một gia đình trong làng, gọi là nhà chứa lễ. Gia đình được chọn chứa lễ năm đó phải là gia đình song toàn, còn cả ông bà, con cái đủ trai gái, gia phong nền nếp, không có điều tiếng gì trong làng xóm...
Trước khi diễn ra lễ làm bánh, gia đình chứa lễ phải chuyển ban thờ gia tiên sang gian bên cạnh, nhường gian chính giữa là nơi tôn nghiêm nhất để làng rước quan Giám trai từ đền về giám sát công việc. Gia đình nhà chứa lễ có nhiệm vụ chuẩn bị cho nhà cửa sạch sẽ, còn việc làm bánh sẽ do Ban tu lễ và chủ tế của làng thực hiện. Gạo được chọn làm bánh là gạo nếp cái hoa vàng, giã trong cối đá lớn. Gạo giã đến khi thành bột thì rây lấy bột tơ, mịn. Bột được luyện thật kỹ, đến khi thật mềm, mịn, dẻo thì đưa ra mâm để nặn thành bánh… Các công đoạn đều rất cầu kỳ, công phu.
“Ví như khi luộc (còn gọi là trùng bánh), bánh nổi lên lần thứ nhất thì cho thêm một gáo nước lạnh để bánh lặn xuống, rồi tiếp tục làm như thế đến khi bánh nổi lần thứ 3 thì dùng vợt tre vớt một chiếc bánh lên thử (còn gọi là khám bánh). Khi thấy bột bánh trong, trắng, không đứt, không nát là đạt yêu cầu”, cụ Trần Viết Hỗ kể.
Khi việc chuẩn bị xong, dân làng tập trung tại nhà chứa lễ, cùng rước bánh về đền để dâng lên Hai Bà theo nghi thức truyền thống. Khi rước bánh ra đền, phải mang theo chai mật và một chai nước trùng bánh. Chai nước trùng bánh được dùng để “tắm bánh” trước khi tiến lễ vào đền. Các cụ quan niệm, tắm bánh để tẩy hết bụi trên đường (từ nhà chứa lễ đến đền), đồng thời làm cho mặt bánh mịn trở lại. Làm như vậy mới thể hiện được sự tinh khiết và lòng thành của mọi người.
Sau khi dâng bánh trôi ở đền, các gia đình mới được dâng bánh lên ban thờ tổ tiên và thụ lộc. Tục làm bánh trôi của dân làng Hát Môn không biết có từ bao giờ nhưng đã gắn liền với truyền thuyết về Hai Bà Trưng và lễ hội làng Hát Môn. Theo lệ này, mọi người dân Hát Môn, dù ở quê hay xa quê đều không ăn bánh trôi vào Tết thanh minh (ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch). Chỉ đến ngày 6 tháng Ba âm lịch, sau khi làng đã dâng bánh cúng Hai Bà xong, các gia đình mới vui vẻ mở tiệc bánh trôi.
“Tục lệ đó được truyền từ đời này sang đời khác như nét văn hóa đặc sắc của người dân địa phương, thể hiện sự tôn kính đối với Hai Bà Trưng”, ông Nguyễn Quốc Thắng chia sẻ thêm.
Về cách tế, lễ ở đền Hát Môn cũng có quy tắc riêng. Theo lệ, khi vào hành lễ ở khu đền chính, nơi đặt tượng Hai Bà, mọi người đều phải bước chân trái vào trước. Sở dĩ có lệ này vì ở ban thờ trong đền, tượng và thần vị Bà Trưng Trắc (Bà đã xưng Vương, thực sự là Vua) được đặt ở bên tay trái, theo hướng nhìn từ phía trong ra phía ngoài cửa đền (ở ngoài nhìn vào sẽ là bên tay phải). Tượng và thần vị Bà Trưng Nhị (vẫn chỉ được tôn là công chúa) đặt ở bên tay phải. Người dân quan niệm, khi vào làm lễ, nếu bước chân phải vào trước thì chân ấy sẽ thúc vào Vua (Trưng Vương), tức là hành xử có điều phạm vào vị thần Nữ Vương hết mực tôn kính. Quy định như vậy hẳn không ngoài mong muốn mọi người đến đây, qua từng hành vi cùng thành kính, bày tỏ tri ân, tưởng nhớ sâu sắc tới công đức của Hai Bà.
Còn rất nhiều nếp xưa, tục cũ ở làng Hát Môn đang được bảo tồn nguyên vẹn. Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, bảo tồn nét đẹp truyền thống là cách địa phương tri ân công đức Hai Bà, qua đó, giáo dục, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người dân huyện Phúc Thọ, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.