Hà Nội 360

Tài hoa thợ làm nhà cổ làng Bương

Thiện Mỹ 13/11/2023 09:36

Kinh tế - xã hội phát triển cũng là lúc con người ta hay hoài niệm những giá trị truyền thống mà ông cha để lại. Với ý nghĩa ấy, người làng Bương, nay là thôn Phù Yên, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ) đã giúp nhiều người thỏa niềm thương nhớ, dựng lại những nếp nhà cổ Bắc Bộ xưa. Để rồi, ẩn hiện đâu đó trên khắp dải đất hình chữ S, dáng dấp những ngôi nhà gỗ cổ nổi bật như tôn vinh giá trị truyền thống và lưu danh những người thợ tài hoa làm nhà cổ làng Bương...

“Làm nhà thì thợ Bương”

Tên "làng Bương" có lẽ đã xa lạ với nhiều người trong vùng, nhưng với người thợ làng nghề mộc truyền thống thôn Phù Yên (thôn Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ), họ quyến luyến và tự hào với tên “làng Bương”, bởi đó là thương hiệu của thợ làm nhà cổ đã được khẳng định bao đời qua câu ca “Làm nhà thì thợ Bương/Đóng giường thì thợ Nủa”.

Về Phù Yên hôm nay mới hiểu, nghề làm nhà cổ đã ngấm vào máu người thợ nơi đây. Len lỏi trong những còn đường làng nhỏ hẹp là những xưởng gỗ lớn, tiếng cưa máy, tiếng đục, tiếng chạm, luồn lách khắp mọi ngả đường. Trong cái mùi ngai ngái của gỗ, mùn cưa, ai cũng say sưa, chăm chú, tỷ mẩn với công việc của mình.

Là người có tiếng trong giới làm nhà cổ, ông Nguyễn Chí Tài, Chủ tịch Hội làng nghề mộc truyền thống thôn Phù Yên tự hào kể những thăng trầm. Không nhớ làm nghề tự khi nào, chỉ biết rằng, cứ lớn là theo cha đi đục, đẽo, chạm, trổ... ở khắp mọi miền. Ngày đó, thợ làng Bương được ai thuê thì đến tận nơi dựng nhà, chứ không như ngày nay, hoàn thiện mọi hạng mục của nhà cổ ngay tại làng Phù Yên rồi mới mang đến nơi đặt hàng để dựng công trình.

7(2).jpg
Mọi công đoạn dựng nhà cổ đều được thực hiện tại các xưởng sản xuất làng Phù Yên.

Theo lớp cha anh, ông Tài cũng được tôi luyện qua thầy giỏi. “Cha tôi mang trầu cau đến xin thầy Nguyễn Quý Lạng là người cùng làng cho theo học. Tuy chỉ là học nghề, nhưng điều đầu tiên thầy dạy tôi là về chữ “Tâm” và tính kỷ luật, nghiêm túc với nghề. Nếu không yêu nghề thì không thể theo nổi nghề, bởi đòi hỏi sự tỷ mẩn, tính cẩn thận, cầu toàn...” - ông Tài nhớ lại.

Chứng kiến những người thợ ngồi hàng giờ đục, đẽo, chạm, trổ từng cánh hoa, nhành lá trên phiến gỗ, mới hiểu vì sao phải yêu nghề mới theo được nghề. Chính vì thế, mỗi sản phẩm của người thợ nơi đây chỉ có một bởi hoàn toàn làm bằng thủ công, máy móc chỉ làm được phần thô, còn phần tinh chỉnh, hoàn thiện, dứt khoát phải có sự công phu từ bàn tay tài hoa của từng người thợ.

4(2).jpg
Công phu với từng họa tiết...
8(2).jpg
Thợ làng Phù Yên tỷ mẩn từng đường nét chạm, trổ hoa văn cầu kỳ.

Dù đi đâu, nếp nhà cổ Bắc Bộ truyền thống của người Phù Yên cũng vẫn mang nét đặc sắc riêng biệt và đây chính là sự tự hào của người thợ làng Bương. Chính vì thế, nhà cổ do bàn tay, khối óc người thợ làng Phù Yên dựng lên đã đi muôn nơi. Hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước đều có bóng dáng, hình hài nhà cổ Bắc Bộ truyền thống do người làng Phù Yên dựng.

13.jpg
Nếp nhà gỗ cổ Bắc Bộ tại làng Phù Yên.

Góp phần làm dày thêm truyền thống làng nghề mộc truyền thống Phù Yên là tên tuổi của những lớp thợ cả nổi tiếng như: Nguyễn Chí Điền, Nguyễn Chí Mười, Nguyễn Chí Quân, Nguyễn Trọng Cẩm, Nguyễn Quý Bình... Là người dày dặn nghề, ông Nguyễn Quý Bình say sưa kể chuyện: “Lên 10 tuổi, tôi đã mang đục, đẽo theo cha. Tuy là nghề mưu sinh và không kém phần nặng nhọc, vất vả, nhưng vì yêu và tự hào, nên nghề là một phần không thể thiếu trong cuộc đời. Trong gia đình, tôi là thế hệ thứ 3 theo nghề, và đến nay, các con, các cháu vẫn tiếp tục theo nghề. Cha tôi là ông Nguyễn Quý Lạng đã đào tạo được hơn 80 thợ cả, đến nay đều là những người thành đạt, là những ông chủ lớn của địa phương. Giữ gìn nghề quý, thế hệ chúng tôi vẫn đang tiếp tục đào tạo những lớp thợ lành nghề để lưu danh và mang nghề đi xa hơn nữa”.

Phù Yên chuyển mình

Bên lề câu chuyện của những ông thợ cả nổi danh làng Phù Yên, Phó Trưởng thôn Phù Yên Nguyễn Duy Tác cũng không giấu được niềm vui của người làng nghề. Làng Phù Yên, hầu hết cánh đàn ông sinh năm 1970 trở về trước đều theo nghề mộc. Nghề đã có lâu đời, ngày trước làm đơn giản và chỉ làm ở những địa phương lân cận trong vùng. Tuy vậy, trên những phiến gỗ mít, gỗ xoan ta ngày ấy vẫn đậm dấu ấn nét cầu kỳ trong từng nét chạm, trổ... Người làng Phù Yên có thể chưa giàu, nhưng không bao giờ sợ đói, bởi cứ tay chạm, tay đục... là “có cơm ăn”. Theo thời gian, gỗ lim, xoan ta, mít ta ngày càng hiếm, thay vào đó giờ đa phần là gỗ nhập khẩu. Giá trị một ngôi nhà cổ là vô cùng, có khi chỉ vài trăm triệu, nhưng cũng có khi hàng tỷ đồng, tùy vào đặt hàng của gia chủ... Nhưng dù ít hay nhiều tiền, người thợ Phù Yên khi đã nhận làm đều đặt hết tâm trí vào công việc. Vì thế, dù đi đâu, người Phù Yên vẫn nhận ra giá trị riêng của nghề quê mình.

10(1).jpg
Nếp nhà cổ thể hiện nét tài hoa của người thợ làng Phù Yên.

Theo thời gian, nghề làm nhà cổ Phù Yên ngày càng khẳng định được thương hiệu khi mang dấu ấn đi khắp trong Nam, ngoài Bắc. Những người con vùng quê Bắc Bộ đi xa lập nghiệp, thương nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn”, lại mời thợ làng Phù Yên về dựng cho nếp nhà cổ để thỏa lòng nhớ quê... “Nếp nhà gỗ cổ vùng Đồng bằng Bắc Bộ thường có lối cấu trúc 3 gian 2 chái hoặc 5 gian 2 chái, với họa tiết hoa văn cầu kỳ, lợp mái ngói hoặc lợp gỗ nên mát về mùa hè, ấm về mùa đông... Nét đặc trưng đó in hằn trong nỗi nhớ quê của những người con vùng Đồng bằng Bắc Bộ lập nghiệp nơi xa. Vì thế, nếp nhà gỗ cổ chính là hồn cốt trong niềm thương nhớ, làm cho họ thấy như được ở nơi quê cha, đất tổ” - ông Nguyễn Chí Tài tâm sự.

14.jpg
Cầu kỳ mái hiên nhà cổ.
12(1).jpg
Một bức vách nhà cổ hoàn toàn bằng gỗ từ bàn tay thợ làng Phù Yên.

Tiếng thơm lan xa cũng đồng nghĩa với số người giàu từ nghề ngày càng nhiều hơn. Đó cũng là động lực để làng nghề mộc truyền thống thôn Phù Yên không ngừng phát triển. Hiện làng có khoảng 200 cơ sở với khoảng 185 người chuyên làm nghề dựng nhà cổ, số xưởng lớn tập trung tầm 50-70 xưởng. Cả một ngôi nhà cổ dù đồ sộ hay đơn giản nhưng cũng không dùng đến keo, đinh, vít, mà chỉ hoàn toàn bằng các mộng, chốt ghép lại với nhau một cách chính xác, vô cùng chắc chắn.

Mọi công đoạn cho một ngôi nhà cổ đều được làm, hoàn tất tại làng, sau đó mới vận chuyển đến nơi dựng công trình. Cũng bởi vậy nên làng bỗng hóa ra chật chội và ô nhiễm bởi bụi gỗ la đà khắp hang cùng ngỏ hẻm; tiếng lách cách, đục đẽo triền miên từ sớm đến đêm khuya; những con đường làng nhỏ hẹp trở thành nơi tập kết nguyên liệu... Không còn lựa chọn nào khác, người làm nghề đành sống chung với bụi bặm, ồn ào..., dù biết rằng bao nguy cơ vẫn tiềm ẩn xung quanh...

1(3).jpg
Đường làng trở thành nơi tập kết nguyên liệu...
2(2).jpg
nên rất bí bách và chật chội.

Người Phù Yên mong muốn về một địa điểm được đầu tư xứng với làng nghề và tính chất của nghề, nhưng xem ra còn xa xôi bởi nhiều khó khăn đang ngáng trở... Song, bằng chữ “Tâm” với nghề, những người thợ làng nghề mộc truyền thống Phù Yên sẽ từng bước hóa giải, để làm giàu cho bản thân và lan tỏa tiếng thơm “làm nhà thì chọn thợ Bương” đi khắp muôn nơi...

Thiện Mỹ