Thú chơi cổ vật và vấn đề đấu giá cổ vật ở Hà Nội
Bên cạnh những thú chơi khác như chơi chim, chơi cá, chơi cây cảnh..., những năm gần đây, chơi cổ vật trở thành một trào lưu thu hút đông người.
Tuy nhiên, vì những điều kiện đặc thù về yêu cầu kinh tế nên không phải ai cũng đủ điều kiện để bước vào sân chơi "lắm công phu" và nhiều rủi ro này.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Chơi cổ vật ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chỉ phát triển kể từ thời thuộc Pháp, âm thầm ở thời kỳ bao cấp và bùng phát trong những năm gần đây. Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế, bởi vậy, ngay từ thời thuộc Pháp, khi những trói buộc của quan niệm văn hóa và luật pháp phong kiến phần nào cởi mở hơn, chơi cổ vật đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của một bộ phận tầng lớp trung lưu Hà Nội.
Với những nét đặc thù của một thú chơi vừa cao sang, vừa tao nhã, vừa có chút thần bí, tâm linh lại có thể là vật gia bảo, hay cao hơn nữa là lý tưởng để bảo vệ, lưu giữ di sản văn hóa dân tộc, thú chơi cổ vật của giới trung lưu Hà Nội ngày càng phong phú và đa dạng. Phong phú về loại hình như chơi xe cổ, đồng hồ cổ, máy ảnh cổ, gốm Việt, gốm sứ Tàu, gốm Nhật, sách cổ, tranh cổ... Đa dạng về độ tuổi, nghề nghiệp của các nhà sưu tầm như giáo viên, kỹ sư, doanh nghiệp... Bức tranh về chơi đồ cổ ở Hà Nội hiện nay rất sinh động, nó gắn liền với đời sống tinh thần ở Hà Nội và đang hiện diện ở các câu lạc bộ, các hội cổ vật như: Cổ vật Hà Tây quê lụa, cổ vật Xứ Đoài, Hội cổ vật Thăng Long, những người yêu cổ ngoạn Hà Nội, cổ vật Làng Nành...
Đối với những nhóm người chơi cổ vật, đồ cổ không chỉ đem lại những giây phút giải trí đơn thuần, hay những rung cảm thẩm mỹ, hoặc tiền bạc, mà chơi đồ cổ còn đem lại ý nghĩa cuộc đời. Nhà sưu tầm thấy ở đó giá trị của chính mình, thấy bạn bè, thấy những mối quan hệ kết nối, họ có cái nhìn ngày càng tích cực hơn về cuộc sống và ý nghĩa của cuộc chơi cổ vật đối với bản thân và xã hội. Các nhóm có cùng thú chơi cổ vật đã coi các câu lạc bộ và hội cổ vật (cả chính thức và phi chính thức) là những “sân chơi” bổ ích, lành mạnh.
Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, chơi cổ vật cũng chịu sự tác động của sân chơi cổ vật quốc tế. “Chơi cổ vật là thú chơi vốn đã kén người chơi, nay lại càng kén chọn hơn bởi những yêu cầu của một sân chơi quốc tế đã, đang và sẽ buộc những tay chơi cổ vật Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng phải thích ứng, làm mới mình và chấp nhận quy luật đào thải nghiệt ngã của sân chơi quốc tế”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định.
Trong cuộc chơi cạnh tranh, chơi cổ vật là một thú chơi vốn đã coi “thâm trầm” và “sâu lắng” là những yêu cầu bắt buộc, thì nay, dù có được tổ chức công khai bằng chợ đồ cổ hay các phiên đấu giá, chơi cổ vật lại càng đòi hỏi một sự sâu lắng, tinh khiết, chọn lọc đến mức “vô sắc” với những thang âm riêng biệt mà nghệ thuật khác không thể có được. Chơi cổ vật vẫn có con đường đi riêng của mình và càng khẳng định phẩm chất tinh hoa trong sân chơi nghệ thuật thế giới.
Đấu giá cổ vật chưa chuyên nghiệp
Bất cứ ai đã từng tham gia vào các phiên đấu giá đều thấy rõ giá trị kinh tế của hàng hóa sẽ tăng lên với cấp số nhân ở mỗi phiên đấu giá. Thị trường văn hóa lại càng như vậy. Trong thị trường cổ vật và tranh, giá trị tăng lên với cấp số nhân lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần qua mỗi phiên đấu giá.
Trong phiên đấu giá thường kỳ của nhà Balclis (21h ngày 28-10-2021) ở Tây Ban Nha, mức giá khởi điểm cho một mũ quan nhất phẩm triều Nguyễn là 600 euro, nhưng khi tiếng gõ búa báo đấu giá thành công, giá lên tới 600.000 euro (hơn 20 tỷ VNĐ, cả thuế và phí), cao gấp 1.000 lần so với giá khởi điểm. Chiếc mũ này đã được một doanh nghiệp mua và chuyển về Việt Nam hiến tặng cho Bảo tàng Cung đình Huế. Bởi vậy, tổ chức các phiên đấu giá tại Việt Nam sẽ góp một phần quan trọng trong việc tạo nên một sân chơi cổ vật lành mạnh, mang lại nhiều lợi ích.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quốc Chính chỉ rõ: “Trước tiên, các phiên đấu giá giúp người chơi cổ vật tránh mua phải cổ vật giả; góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam. Đồng thời, các phiên đấu giá cũng giúp cho cổ vật Việt Nam có thể được giao dịch một cách hợp pháp để bán cho người nước ngoài. Đặc biệt, thông qua đấu giá, người nước ngoài có thể đem cổ vật đến Việt Nam để bán, từ đó cổ vật Việt Nam được hồi hương một cách hợp pháp.
Vấn đề đặt ra cho các hãng đấu giá là Hội đồng thẩm định đủ kiến thức, kỹ năng và uy tín. Kể từ khi Luật Đấu giá có hiệu lực từ năm 2016 đến nay, một số hãng đấu giá đi vào hoạt động và đạt được những hiệu quả đáng khích lệ. Vấn đề đặt ra là Hội đồng thẩm định phải là những chuyên gia “đỉnh” trong lĩnh vực họ tham gia và không mắc những sai lầm có thể nói là ngớ ngẩn, bởi ở lĩnh vực cổ vật và tranh, đồ giả luôn song hành với đồ thật như “âm với dương” và họ chỉ sai bởi đồ giả đạt tầm đỉnh cao như đồ thật.
Ở Việt Nam, gần đây, một bức tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn bị làm giả quá "non" mà vẫn được hội đồng thẩm định cho lọt qua một phiên đấu giá khi thị trường đấu giá vừa phôi thai. Các hãng đấu giá tư nhân đi vào hoạt động chưa nhiều và chưa có hãng nào gây được tiếng vang thu hút được giới chơi cổ vật. Năm 2018, một công chức ngành văn hóa ở một tỉnh nọ đã bỏ việc nhà nước để lập một hãng đấu giá tư nhân tại Hà Nội. Ngay tại thời điểm đó, một số “ông trùm” trong tổ chức đấu giá cổ vật đã nhận định, hãng đấu giá này sẽ phá sản. Và đúng như vậy, khoảng 1 năm sau khi đi vào hoạt động, hãng đấu giá tư nhân này đã phá sản.
Để mở một hãng đấu giá cổ vật ở Hà Nội, chủ hãng cần rất nhiều kiến thức, kỹ năng và uy tín. Và quan trọng hơn cả là uy tín, ở trong giới chơi cổ vật và cả ở ngoài xã hội. Chỉ khi có uy tín ở tầm “tinh hoa”, chủ hãng mới kết thân và nhận được sự trợ giúp của đội ngũ những bạn chơi, những chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn hẹp.
Chỉ riêng về cổ vật, có ít nhất vài chục chuyên môn hẹp. Chẳng hạn chuyên gia về gốm sứ Trung Quốc ở từng giai đoạn lịch sử như: Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh...; trong đó, lại phân nhánh thành chuyên gia đồ Tống Ngọc, Đồ Doan, Đồ Thành hóa… Gốm Việt cũng phân ra nhiều chuyên ngành hẹp như: Đông Sơn, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Chăm Pa, Óc Eo... Trong những giai đoạn lịch sử, gốm lại được phân ra những chủng loại khác nhau như cung đình, dân gian...
Riêng về tranh, ít nhất cũng có vài chục chuyên môn hẹp và mỗi chuyên môn hẹp lại có một chuyên gia về sơn dầu, về trường phái tranh, về tranh trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tranh cổ Thủy Mặc của Trung Quốc... Thậm chí, có chuyên gia về từng họa sĩ nổi tiếng như: Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí...
Mỗi quốc gia, dân tộc, ở mỗi một thời kỳ lịch sử lại có những đặc trưng riêng về kinh tế, xã hội, kéo theo đó là những nét riêng về văn hóa, ở Việt Nam cũng vậy. Đặc biệt, thú chơi cổ vật của một bộ phận tầng lớp trung lưu Hà Nội đang phát triển với cấp số nhân về số lượng và ngày càng “tinh hóa” về chất lượng dưới tác động của sân chơi cổ vật quốc tế. Để thú chơi này hội nhập với thế giới, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần những sàn đấu giá chuyên nghiệp tiệm cận đẳng cấp quốc tế.