Xưa và nay

Làng Vạn Phúc - nơi lưu giữ sắc lụa nghìn năm

Giang Nam {Ngày xuất bản}

Nằm bên dòng sông Nhuệ hiền hòa, làng Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) nức tiếng với nghề dệt lụa cổ truyền. Sản phẩm lụa ở đây từng được người Pháp ca ngợi là “Đệ nhất tinh xảo của Đông Dương”, là thứ tiến vua quý giá.

Qua những thăng trầm, sắc lụa nghìn năm nơi làng cổ vẫn được bảo tồn, không những vậy, Vạn Phúc còn là một ngôi làng cách mạng với nhiều “địa chỉ đỏ” lưu giữ những giá trị lịch sử quan trọng.

van-phuc.jpg
Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, những tấm vải lụa Vạn Phúc mang nét đẹp riêng biệt.

Nghề dệt lụa làng Vạn Phúc được định hình và vang danh xa gần nhờ nét tài hoa của những nghệ nhân làng nghề. Chẳng thế mà dân gian đến nay vẫn "định vị” thương hiệu làng lụa qua câu ví: "The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn".

Nhắc chuyện làng nghề, ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc tự hào "khoe", xưa lụa Vạn Phúc là sản vật tiến vua, chất lụa cũng được khẳng định và đã giành nhiều huy chương trong hội đấu xảo tại Marseille và Paris (Pháp) thời Pháp thuộc. Đến nay, lụa của Vạn Phúc vẫn là thương hiệu riêng mà mỗi khi nhắc đến người trong làng đều thấy tự hào.

Nổi tiếng là vậy nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc, từng có thời điểm lụa Vạn Phúc bước vào giai đoạn trầm luân. Khi ấy, người làng bỏ nghề nhiều. Họ đua nhau bán máy dệt, gỡ bỏ khung cửi rồi bỏ làng, bỏ quê đi xứ khác làm thuê kiếm sống. Cảnh làng nghề buồn và đìu hiu.

Năm 1977, ông Phạm Khắc Hà xuất ngũ sau 8 năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi về quê hương, chứng kiến cảnh người làng bỏ nghề, có gia đình ít nhất 5 đời dệt lụa tơ tằm cũng không còn ai theo nghề, bản thân cũng làm nghề từ thuở lên mười nên ông Hà càng quyết tâm khôi phục nghề truyền thống.

Nghĩ là làm, ông Hà vay mượn vốn để mua máy dệt. Những người làng bỏ nghề, thấy ông đi ngược xu hướng như vậy ai cũng cười. Không ít người bảo ông gàn dở bởi nghề chả đủ sống, đeo bám chỉ thêm mắc nợ. Ông Hà bỏ ngoài tai hết thảy những lời ấy. Trời không phụ lòng người có công, nghề dệt lụa trong làng từng bước vượt qua khó khăn.

Năm 1991, nhận thấy Nhà nước có định hướng phát triển nền kinh tế thị trường thay cho cơ chế bao cấp, nắm bắt cơ hội này, ông Hà đã bàn với gia đình chuyển đổi mô hình kinh doanh và đi tiên phong trong phong trào sản xuất tư nhân ở địa phương.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường, ông quyết định đầu tư, nâng cấp công cụ sản xuất, kết hợp tìm hiểu thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống. Để tạo ra sự khác biệt, ngoài những sản phẩm, mẫu mã truyền thống lâu đời, ông Hà sáng tạo thêm các sản phẩm mới. Tiêu biểu trong đó là sản phẩm lụa hoa dây. Đây là hàng lụa mỏng, có hoa nổi, hoa chìm. Điểm đặc biệt ở sản phẩm này là, hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn, hoa chìm phải soi qua ánh sáng mới thấy được. Đến nay, ông Hà và gia đình đã mở một cơ sở kinh doanh nhỏ, nghề cũng mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Cũng coi mỗi khung cửi, sợi tơ như mạch máu của mình giống như ông Hà, bà Nguyễn Thị Tâm cũng là "hạt nhân" góp phần gìn giữ tinh túy của làng nghề. Được biết, bà Nguyễn Thị Tâm là con dâu của nghệ nhân Triệu Văn Mão, một người nổi tiếng của làng lụa khi nắm giữ những bí quyết riêng dệt nên lụa vân, một chất lụa mềm mịn như những đám mây và chỉ có ở Vạn Phúc.

Khi quyết định quay lại với nghề truyền thống, bà Tâm quan niệm không làm thì thôi, đã làm thì phải làm đến cùng. Vì thế, khi phát hiện ra những mẫu vải cổ, hoặc có những gia đình gửi mẫu vải lụa từ thời xưa nhờ phục dựng, bà Tâm luôn cố gắng tìm hiểu. Bà đến từng gia đình trong làng, hỏi các cụ cao niên để họ truyền lại và chia sẻ kinh nghiệm làm nên loại lụa truyền thống. Có những mẫu lụa bà Vân phải mất đến cả năm trời mới khôi phục được.

Ngoài nổi tiếng với nghề dệt lụa cổ truyền, Vạn Phúc còn là "địa chỉ đỏ”, từng được chọn là An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ. Nơi đây đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông, Hà Nội và cả Bắc Kỳ.

Vạn Phúc vinh dự được đón Bác Hồ về ở và làm việc vào thời điểm cuối năm 1946, tại nhà cụ Nguyễn Văn Dương. Tại đây, Bác Hồ đã viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" hiệu triệu toàn dân tộc đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp. Nhiều gia đình trong làng từng là nơi ở và làm việc của cán bộ cách mạng, như nhà cụ Nguyễn Văn Chắt từng là nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh khi về công tác tại Vạn Phúc vào tháng 7-1940, cũng là nơi nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn cho các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Lê Liên... Đến nay, những chứng tích cách mạng vẫn được người dân Vạn Phúc gìn giữ, là nơi để nhiều đoàn học sinh, khách du lịch tìm đến tham quan, học tập.

Theo nhịp đô thị hóa, Vạn Phúc giờ đã thay da đổi thịt. Đến Vạn Phúc, ngoài tinh thần cách mạng, nét đẹp kiêu sa của lụa, mọi người có thể tìm thấy niềm vui trong muôn sắc hoa ở khu chợ sinh vật cảnh.

Chợ hoa Vạn Phúc được thành lập từ năm 2014. Tại khu chợ này, người ta có thể tìm thấy từ cây cảnh, cây thế, hạt giống cây, chậu, phân bón đến cả những chiếc giá để đặt chậu cây. Cũng tại đây, có thể dễ dàng bắt quen hay học tập kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh với cánh thương lái, chủ vườn đến từ khắp vùng ngoại thành Hà Nội như Thường Tín, Mê Linh, Gia Lâm... Người đến chợ phần đông là để gặp gỡ giao lưu với khách hàng, đến chợ để thong dong dạo bước giữa khung cảnh thiên nhiên sau quãng ngày mưu sinh vất vả, đến chợ để được tư vấn cách trồng và chăm sóc hoa cây cảnh miễn phí. Bên cạnh đó, khu chợ này còn nổi tiếng với những gian hàng đồ cũ, đồ cổ, hàng hóa hết sức phong phú, đa dạng. Mỗi lần lạc bước đến đây, không ít người cảm thấy như bắt gặp cả một bầu trời ký ức.

Trở lại với những nét đẹp của lụa Vạn Phúc, ông Phạm Khắc Hà cho biết, hiện làng lụa đã phát triển vượt bậc. Ngày nay, để phát triển du lịch bền vững, quảng bá sản phẩm, Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch. Ngoài việc kinh doanh các sản phẩm làm từ lụa, các cơ sở sản xuất còn kết hợp mô hình cho du khách tới tham quan, trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm, giúp khách hàng thấy được giá trị, chất lượng của sản phẩm lụa nơi đây để yên tâm mua sắm.

"Mới đây, nghề dệt lụa Vạn Phúc được đón nhận bằng Di sản phi vật thể quốc gia, đây là niềm vinh dự lớn của nhân dân Vạn Phúc và nhất là với những người làm nghề dệt lụa ở đây. Những người làm nghề như chúng tôi càng thấy được trách nhiệm trong việc giữ nghề" - ông Phạm Khắc Hà chia sẻ.

Rời làng Vạn Phúc khi trời ngả về chiều, trong tôi dường như vẫn thấy bâng khuâng, lưu luyến tiếng thoi đưa, những xốn xang khi chạm tay vào từng vuông lụa. Hơn hết, đọng lại sau cánh cổng làng là lòng hiếu khách của người dân làng cổ với quyết tâm đưa nghề dệt lụa mãi vươn xa.

Giang Nam