Hà Nội văn

Bóng núi lặng thầm

Truyện ngắn của Sơn Trần {Ngày xuất bản}

Chương trình thời sự kết thúc từ lâu mà vẫn chưa thấy cô giáo Trang về. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, gió ràn rạt từng cơn trên mái nhà. Khóm chuối nơi góc vườn ngả nghiêng, tàu lá rũ xuống, mềm oặt. Mảnh sân nhỏ trước dãy nhà tập thể nước chảy thành dòng, loang loáng dưới ánh đèn trong phòng hắt ra.

bb.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Thầy Thạnh đi qua, đi lại, giọng đầy lo lắng:

- Có liên lạc được với cô ấy không?

Liên lắc đầu, buồn bã:

- Không thầy ạ!

Thầy Thạnh nhìn ra trời đêm dày đặc màn mưa và hun hút gió. Phải đi tìm cô ấy thôi, nhỡ đâu...

Đột nhiên, điện cúp. Cả không gian bị màn đêm nuốt chửng. Tiếng khóc của trẻ con cất lên. Ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu vừa được thắp lọt qua khe cửa.

- Cô đóng cửa lại kẻo gió lạnh.

Nói rồi thầy Thạnh khoác chiếc áo mưa mỏng, cầm đèn pin chạy ào đi. Bóng tối nuốt chửng thân hình nhỏ bé của người giáo viên đã gắn bó hơn ba mươi năm ở vùng núi cao, nơi địa hình hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt này.

***

Điểm chính của trường tiểu học nằm trên đồi cao, gồm hai dãy phòng kiên cố mới đưa vào sử dụng chừng vài năm nay. Phía sau trường là khu tập thể cũ kỹ xây từ khi nào không ai nhớ rõ. Đây là nơi ở của mười giáo viên, hầu hết mới ra trường, thầy Thạnh lớn tuổi nhất, chừng vài năm nữa sẽ nghỉ hưu.

Ngoài điểm chính, trường còn mấy điểm lẻ rải rác ở các bản xa. Mỗi khi trời mưa gió, các thầy cô phải xắn quần đi bộ, lội qua mấy đoạn suối sâu khá nguy hiểm. Thường giáo viên thay phiên nhau vào dạy ở các điểm lẻ, cứ một năm rồi trở về điểm chính. Ở điểm lẻ chỉ vài phòng học tuềnh toàng, lại lớp ghép, chưa đầy mươi học sinh. Năm nay cô Trang được phân công vào bản Mát, cách xa điểm chính gần nửa buổi đi bộ. Mùa nắng, con đường dẫn vào bản đầy ổ gà, sống trâu, xe máy cứ chồm lên hụp xuống, tay lái mỏi nhừ thiếu điều muốn buông cho xe lao xuống vực. Đến được trường thì áo quần bám đầy bụi đỏ, có khi bị ngã rách gối, tóe máu cùi tay. Nhưng không thể không đi. Học trò kéo nhau ra dốc ngóng đợi. Nhiều phụ huynh đưa con đến trường, sốt ruột ngó ngược trông xuôi.

***

Dành nửa cuộc đời cho giáo dục vùng cao, thầy Thạnh hầu như đã thuộc lòng tất cả các ngóc ngách của cái xã sát biên giới này. Những quả đồi thường biến đổi màu sắc theo hai mùa mưa nắng, những con đường quanh co uốn lượn, nhìn từ trên cao chẳng khác nào con trăn khổng lồ trườn đi giữa bạt ngàn rừng núi, cả những con suối vắt ngang đường đi, tạo thành hõm, thành dốc, sỏi đá nổi đầy. Nhưng mùa mưa lũ mới là mối đe dọa kinh hoàng đối với con người ở đây. Nước từ trên cao như giận dữ trút thẳng xuống khiến con suối quặn lòng, dâng ngợp. Dòng nước ngầu đục hung hãn cuốn phăng tất cả mọi vật nó gặp trên suốt thủy trình. Nhiều lần lũ về đột ngột trong đêm, người dân chỉ kịp bỏ chạy lên đồi cao. Sáng ra đã thấy nhà cửa, lợn gà biến mất. Cả một vùng xói lở, cây cối ngã rạp, bùn đất bám đầy trên những tảng đá to. Họ xa xót, ngậm ngùi dựng tạm túp lều che mưa, tránh nắng. Chính quyền xã, đồn biên phòng, các đoàn từ thiện và cả các thầy cô giáo san sẻ, chung tay vực đời sống người dân dậy.

Đã có nhà báo dưới thành phố lên công tác và ví von thầy Thạnh là người “cõng chữ lên non”. Thầy chỉ mỉm cười, nụ cười thân thiện và nhân từ. Hơn ai hết thầy hiểu rõ giá trị của kiến thức đối với những đứa trẻ đã thiếu ăn còn thêm đói chữ. Thầy tận tâm, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ở cái nơi vừa cao vừa xa, sóng điện thoại chập chờn, mọi thông tin cần thiết thường đến chậm, lại đầy rẫy những lo toan, nguy cơ, nhiều thầy cô giáo mới ra trường đã nản chí, rời đi chỉ sau một hay vài năm công tác. Thầy Thạnh cũng đầy tâm tư nhưng đã vượt qua được chính mình, bởi nghề giáo là ước mơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, bởi thầy nghĩ nếu ai cũng bỏ rừng về phố, ai cũng chọn nơi thuận lợi thì những vùng xa xôi, hẻo lánh đã nghèo nàn, lạc hậu lại thêm tăm tối, thua thiệt. Chính vì thế, thầy Thạnh đã dốc hết tuổi xuân mà cống hiến. Sự hy sinh thầm lặng của thầy được ghi nhận, không phải là những tấm bằng khen, mà là sự yêu quý chân thành của học trò và người dân vùng cao.

***

Trang ngồi bó gối nhìn ra ngoài trời. Chiều dần buông. Đỉnh núi phía xa loang đầy sắc mây hồng. Nghĩ lại chuyện hôm trước cô gặp lũ quét phải tá túc ở nhà dân mà rùng mình. Chỉ chậm chân một tí thì... Hôm ấy trời mưa to, cây cầu cũ bị sập. Trang định chạy xe qua suối nhưng một người đang đứng gần đấy đã ngăn lại:

- Cô giáo không được liều mạng, nguy hiểm lắm!

Anh ấy là kiểm lâm, cũng đang trên đường về trạm. Trang vừa lùi xe cũng là lúc nước từ trên cao đột ngột ào xuống. Mọi người la hét, bỏ chạy... Suốt đêm ấy, mưa gió cuồng nộ. Điện lại bị cắt. Điện thoại thì sập nguồn. Trang sốt ruột vô cùng, không sao ngủ được. Cô lo lắng vì mọi người không liên lạc được sẽ nháo nhào đi tìm...

Liên về quê vẫn chưa trở lại trường nên Trang định ăn mỳ gói cho qua bữa chứ không nấu cơm. Nghĩ đến cô bạn đồng nghiệp, ở cùng phòng, Trang thấy thương quá. Nhà Liên ở phố, cách trường cả trăm cây số. Liên đã có chồng và một đứa con, nhưng cũng vì chồng một nơi, vợ một nẻo mà trở nên bất đồng, mâu thuẫn. Dùng dằng mãi cuối cùng thì ly hôn. Liên buồn và suy sụp, nhưng cũng đành gửi con cho ông bà ngoại, ngậm ngùi đón xe trở lại trường tìm vui bên công việc và đám học trò.

Hai cô giáo thân thiết như chị em, cùng san sẻ vui buồn. Liên dần ổn định tinh thần, vui vẻ tham gia các hoạt động của trường, của xã. Trang có vẻ vô tư hơn, dù đã ngót nghét ba mươi. Cô bảo rằng được dạy và được sống trong tình yêu thương của học trò là tuyệt vời lắm rồi. Nói thế thôi chứ làm sao giấu được tiếng thở dài trong những đêm muộn, làm sao kìm được những giọt nước mắt tức tưởi mỗi khi cơn gió lạnh ùa về. Người ta hay tôn vinh nghề giáo là nghề cao quý nhất. Nhưng mấy ai hiểu và chia sẻ tâm tư của những người ngày đêm lặng lẽ sống trọn vẹn cho cái nghề mình đã chọn. Thực sự, những giáo viên vùng cao, vùng sâu phải sống xa gia đình, người thân, có khi gác lại hạnh phúc riêng tư để kiên trì bám trụ ở các thôn bản, để giấc mơ con chữ của học trò được bay cao.

***

Thầy Thạnh mang qua mấy con cá suối, túi khế chua và ít tàu bạc hà. Trang đang soạn bài ngẩng lên, hồ hởi:

- Thầy đi kéo cá hả thầy, có được nhiều không?

- Đâu, học trò cho đấy! Cô nấu nồi canh chua, nấu kha khá, đem cho các phòng bên luôn nhé!

Trang “dạ” khẽ rồi quày quả đi ra bể nước. Thầy Thạnh dạo ra ngoài sân. Mùa này lộc vừng bắt đầu trổ hoa, từng chuỗi dài đỏ rực nổi bật trên nền lá xanh thẫm. Những cây lộc vừng trồng trước sân trường này do chính tay thầy Thạnh vào núi mang về thay cho mấy cây phượng trồng đã dăm bảy năm mà cứ èo uột, không tạo tán được. Đất núi đầy sỏi, chăm sóc cây cũng phải biết cách. Nhưng bằng sự kiên trì của thầy, chẳng mấy chốc hàng lộc vừng đã lên cao, đâm cành, nảy lá sum suê. Cả vạt hoa mà các cô giáo trồng và chăm sóc đã rợp xanh một màu tím hồng, khiến khoảng sân đầy sỏi và nắng trở nên dịu dàng hơn. Vào những đêm trăng ngồi dưới tán cây nghe dịu đằm hương đưa.

Nấu xong, Trang bưng bát canh chua qua phòng cuối dãy, cất giọng bông đùa “giờ ăn tới rồi, giờ ăn tới rồi” như cách báo tin cho thầy Thạnh quay vào nhà.

Liên cũng vừa lên hết con dốc, mồ hôi lấm tấm, than vãn:

- Bị trễ chuyến nên ngồi chờ mà nắng muốn điên!

- Rồi ai đưa vô đây, sao không gọi tui ra đón!

- May gặp anh Thinh xã đội đi thăm rẫy keo về, quay xe rước luôn!

Bữa cơm đạm bạc, dân dã. Thầy Thạnh ở một mình nên thỉnh thoảng làm khách các phòng giáo viên nữ. Thầy sống chừng mực, chân thành, coi mấy giáo viên trẻ như con, như cháu. Họ quý mến người đồng nghiệp lớn tuổi nên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thầy, nhất là việc không phải tăng cường đến các điểm lẻ. Tuy nhiên thầy Thạnh lại thoái thác, bảo mình nhiều kinh nghiệm, lại quen đường thuộc lối. Có nhiều năm thầy còn tranh đi dạy ở bản Vực, cách điểm trường chính mấy quả đồi và con sông Cà Niêng. Bản Vực nằm chênh vênh bên sườn dốc, chỉ lèo tèo chưa đến trăm nóc nhà, người dân hầu hết thiếu ăn. Canh tác chủ yếu nhờ vào nước trời. Nương rẫy cằn cỗi. Chăn nuôi thì vài con lợn, bầy gà. Con sông Cà Niêng chảy ngang bản lưu vực quá dốc, chảy xiết nên người dân không thể tận dụng được nhiều từ nguồn nước của con sông này. Để qua bản Vực, trước kia phương tiện duy nhất là mấy chiếc bè tre nứa, sau này được đoàn từ thiện tặng cho chiếc thuyền tôn. Được cái tay chèo thầy Thạnh rất vững. Có năm, học sinh bản Vực phải qua học ở điểm chính, thầy Thạnh trở thành người chở đò.

***

Có nhiều truyền thuyết về dãy núi cao nằm ở phía Tây án ngữ, che chở cho dân bản. Rằng có những người đã hy sinh tuổi xuân của mình cho những vùng đất hoang, cằn cỗi nơi đây. Họ đến dựng lều, san đất. Họ nối ống cho dòng nước từ khe suối chảy về bản. Họ giúp dân chăn nuôi, trồng cấy. Họ dạy chữ cho trẻ con. Khi cuộc sống người dân ổn định, không còn lo cái đói thì họ lại rời đến vùng đất khác. Con đường, sườn đồi và những nơi đoàn người đi qua, một sớm mai bỗng xuất hiện một dãy núi sừng sững. Bóng núi trùm lên khắp bản làng mỗi khi chiều xuống...

Liên và Trang nghe thầy Thạnh kể, lòng đầy hân hoan, xúc động. Hai cô giáo trẻ cùng ngước lên nhìn, cảm giác vùng núi này tuy gắn bó chưa lâu nhưng đã thân quen, gần gũi, và họ đều thấy hạnh phúc, vui vẻ với công việc, bởi chính mỗi người trong họ cũng là một bóng núi lặng thầm.

Truyện ngắn của Sơn Trần