Trăng chiều
Có lẽ trong mỗi chúng ta đều có một mục đồng bé nhỏ gắn với những kỷ niệm ở nông thôn. Đọng lại sau một ngày nắng nôi, mệt nhọc là buổi chiều mát rượi dưới trời xanh, mây trắng và nếu may mắn sẽ thấy trăng chiều.
Chiều muộn là thời khắc thần tiên nhất mà chỉ nơi thôn dã mới có. Những năm tháng tôi bị cuốn vào các ngả đường mưu sinh cũng đánh mất luôn mảnh trăng chiều ấy. Phố chỉ có nắng và đèn đêm, sáng và tối, đèn xanh và đỏ, dồn nén và giải tỏa sức nén của những động cơ. Cho đến một ngày, khi nghe tiếng trống ếch văng vẳng ở phố bên, thấy những chiếc đèn rực rỡ trên tay các em nhỏ mới nhớ ra vầng trăng ấy.
Cả ba mùa xuân, hạ rồi đông ít khi bầu trời quang đãng. Đặc quyền ấy chỉ mùa thu mới có. Thu trong veo làm ngơ ngẩn cả chú trâu đang gặm cỏ. Nó ngước lên xanh cao ngỡ một trảng cỏ khổng lồ, thi thoảng có đám mây hình chú trâu sừng cong hay tựa như con gà, con chó... khiến chúng tôi thích thú.
Trăng chiều là lúc không còn sớm mà chưa tối. Lúc trâu bò đã ăn cỏ, củi đã chặt về, nắng tắt, gió mát mà vẫn chưa phải về nhà. Ánh sáng trên đường vẫn đủ để đi lại, trăng hiện lên như một vai phụ, khiêm nhường trước ánh hào quang của mặt trời rực rỡ còn hắt lại từ sau núi.
Mùa thu trong suy nghĩ của một đứa trẻ chính là con dốc ấy. Tôi đặt tên cho nó là “Dốc mùa thu”. Chớm thu còn ở sườn bên này, đến mùa đông là sườn bên kia. Dĩ nhiên, vào ngày rằm tháng Tám chính là cái đỉnh dốc cao nhất. Lúc ấy, tôi đã thử lên nơi có mỏm đá cao nhất và ngẩng mặt ngắm trăng chiều như thế. Thời gian như ngừng trôi, cây im phăng phắc, gió còn mải mê chốn nào, tôi ngắm nhìn bầu trời như một bức tranh sẽ dần chuyển màu bằng nét vẽ vô hình, khi xung quanh tối dần, trăng sáng dần lên giữa trời thu. Sự vi lượng, tinh tế của thiên nhiên chấp chới như cánh chuồn giỡn nước bởi vừa mới đó mà đã biến mất.
Trăng chiều là lúc mồ hôi đã đọng trên trán tôi như mật ong bết dính. Sau mỗi lần lấm lem, tôi thấy mình lại lớn thêm. Không hiểu sao khi nhìn trăng, tôi cứ nhớ mãi lần đầu được “ăn trăng”. Ngày đó, cha mẹ tôi đều đi vắng, ông bà và mọi người còn mải mê công việc, chỉ có cô út bế tôi ra sân với bát cơm. Tôi cũng chẳng vừa, quấy khóc đòi thứ này, thứ nọ. Cuối cùng, huơ huơ tay lên trời chỉ vầng trăng và đặt ra yêu cầu khó nhất...
Nghe xong, tôi thấy cô út quay vào bếp, lúc sau mang ra có một quả trứng luộc trong bát. Cô chỉ lên vầng trăng và nựng tôi: “Nào, con ăn đi, ăn miếng trăng nhé, cô vừa lấy trăng xuống luộc cho con đấy”. Tôi tò mò ăn thử thấy ngon miệng rồi chén hết bát cơm lúc nào không hay. “Miếng trăng” đầy kỷ niệm ấy vẫn còn nguyên vị trong hồi ức.
Rồi thời gian cũng lên tiếng để tôi hiểu rằng cuộc đời này không bất động. Năm mỗi năm bà tôi yếu dần, cha mẹ tôi cũng đã còng lưng mỏi gối. Nương, vườn vẫn mùa vụ nối tiếp nhau nhưng con người thì dần già nua. Từ chỗ là đứa trẻ quậy phá, được yêu chiều, tôi nhận ra phải gánh vác những gì mà người lớn để lại. Gánh củi nặng, bàn chân tứa máu, đôi vai đau ê ẩm khi về đến đỉnh dốc và trăng chiều hiện lên khiến tôi thêm sốt ruột: Còn xa, xa nữa về nhà... Sau này lớn lên, tôi nhận ra trăng, sao, mặt trời chẳng nói lời nào mà cứ nhường nhịn nhau, hoán đổi cho nhau bằng những ánh sáng riêng, triệu triệu năm vẫn thế, chỉ cậu bé tôi ngày nào giờ tóc đã pha sương.
Đêm thu nay, say giấc ngủ mà như vẫn thấy một vầng trăng chiều hiện diện trong tâm trí mình. Và, khi tỉnh giấc nhìn ra ngoài sân vẫn thấy ánh trăng lấp lóa. Không biết trăng đến từ đâu, chỉ biết rằng, trong một thời khắc nào đó mà tôi lơ đãng, vầng trăng xưa đã trở về lặng lẽ sáng trên đầu ta như minh triết của thời gian...