Hướng tiêu thụ mới cho sản phẩm làng nghề ở Thanh Oai
Những năm qua, quá trình tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố đã giúp nhiều làng nghề của huyện Thanh Oai phát huy được nguồn lực kinh tế. Việc phân loại, xếp hạng OCOP đã quảng bá, mở hướng tiêu thụ mới cho sản phẩm làng nghề, nâng cao giá trị sản phẩm...
Làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) vốn nổi tiếng với sản phẩm nón lá. Mặc dù là làng nghề truyền thống nhưng việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn. Điều đáng mừng là từ khi tham gia Chương trình OCOP và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm nón lá đã mở rộng thị trường khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Nghệ nhân Lê Văn Tuy, chủ một hộ sản xuất nón tại làng Chuông chia sẻ, tham gia Chương trình OCOP, các hộ sản xuất nón lá được huyện hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ xúc tiến thương mại nên sản phẩm nón làng Chuông được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Hiện, nón lá làng Chuông đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc... Nhờ đó, hiệu quả kinh tế từ nghề làm nón cũng tăng lên nhiều lần...
Không riêng nón làng Chuông, sản phẩm “Gạo nếp cái hoa vàng” và “Bắc thơm số 7” của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng cũng được phân phối tại nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng sạch khi đạt chứng nhận 4 sao OCOP. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên chia sẻ: Hợp tác xã đang duy trì 400ha trồng lúa Bắc thơm số 7 và 250ha lúa nếp cái hoa vàng. Sản phẩm chủ yếu được cung cấp cho các bếp ăn tập thể, các nhà trẻ trên địa bàn Hà Nội. Để bảo đảm thị trường ổn định, hợp tác xã đã liên kết với Viện Nông nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương, Công ty cổ phần Gạo Bảo Minh trong việc cung ứng giống, chuyển giao công nghệ gieo trồng; ký kết hợp tác với một số công ty trong khâu tiêu thụ. Đặc biệt, khi được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng đã đến đặt hàng nên gạo sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó...
Theo thống kê của Thanh Oai, huyện có 42 làng được công nhận làng nghề truyền thống đang hoạt động, 8 làng nghề được xây dựng thương hiệu, cấp nhãn hiệu tập thể. Đây là nguồn lực lớn cho phát triển sản phẩm OCOP. Thực tế, việc tham gia Chương trình OCOP đã giúp nhiều sản phẩm làng nghề, nông sản của Thanh Oai tăng giá trị và sức tiêu thụ. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Khiển thông tin: Thanh Oai có nhiều sản phẩm làng nghề nổi tiếng như giò chả Ước Lễ, tương Cự Đà, bánh cuốn Thanh Lương, nón làng Chuông… Tham gia Chương trình OCOP từ năm 2018, đến nay, huyện đã xây dựng, phát triển 57 sản phẩm OCOP, được đánh giá, xếp sao, chủ yếu là sản phẩm làng nghề.
"Xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn quan trọng nhằm phát triển nội lực, gia tăng giá trị, hằng năm, Thanh Oai yêu cầu các xã rà soát, bổ sung, lựa chọn sản phẩm tiêu biểu tham gia chương trình. Nhờ đó, kinh tế khu vực nông thôn Thanh Oai có sự chuyển biến rõ nét, nguồn lực kinh tế làng nghề được đẩy mạnh. Không chỉ tăng hoạt động quảng bá, tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể còn được hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo giá trị bền vững”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển thông tin thêm.
Cùng với đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP làng nghề, Thanh Oai còn hỗ trợ các làng nghề xây dựng 2 điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại thị trấn Kim Bài và xã Bích Hòa. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, thời gian tới, huyện chú trọng công tác phát triển sản phẩm, mở thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và các chương trình xúc tiến thương mại. Do đó, đối với các làng nghề có sản phẩm được công nhận OCOP, huyện rà soát quỹ đất để bố trí điểm trưng bày sản phẩm, hình thành các tuyến du lịch làng nghề.
Huyện cũng tăng cường rà soát, đưa vào danh mục các nhóm ngành hàng cần ưu tiên phát triển và xây dựng thương hiệu, từ đó có kế hoạch đầu tư về quy mô sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu... Huyện cũng có giải pháp sớm hoàn thiện các cụm công nghiệp đang xây dựng để đưa các làng nghề truyền thống vào sản xuất; xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm gắn với chuỗi du lịch làng nghề.